Đổi mới chương trình, sách giáo khoa: Nghèo mà hoang
Theo nhiều chuyên gia, nếu Bộ GD&ĐT không tìm ra được các giải pháp khả thi thì việc đổi mới chương trình - sách giáo khoa sẽ dễ thành lãng phí.
Cuối tuần qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến các chuyên gia về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa (SGK) sau năm 2015. Cơ sở để lấy ý kiến là dự thảo đề án đổi mới chương trình – SGK và tờ trình đề nghị quốc hội ban hành nghị quyết mới nhằm thay thế Nghị quyết 40 được ban hành từ năm 2000.
Đổi mới chương trình - SGK thôi chưa đủ
Là người đầu tiên có ý kiến tại hội nghị, PGS TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của quốc hội bày tỏ sự hồ nghi về tính hiệu quả của việc đổi mới chương trình – SGK khi mà dự thảo đề án của Bộ GD&ĐT không hề đề cập hướng triển khai trong thực tế.
Các yếu tố cấu thành chất lượng là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất nhưng các giải pháp nhằm khắc phục những yếu kém liên quan tới hai yếu tố này không hề được nhắc tới cả trong dự thảo đề án cũng như dự thảo nghị quyết của quốc hội nhằm thay thế nghị quyết 40. Theo PGS Tâm Đan, để thực hiện được đề án đổi mới chương trình – SGK cần có hai đề án về giáo viên và cơ sở vật chất.
Cùng chung quan điểm này còn có PGS TS Lê Kim Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội và GS Nguyễn Minh Thuyết. Theo PGS Lê Kim Long, Bộ GD&ĐT cần có những đánh giá chính xác hơn về thực trạng triển khai chương trình – SGK hiện hành để tìm ra những giải pháp đúng đắn nhằm khắc phục những yếu kém. Thực tế, những hạn chế trong dạy học đang diễn ra về thực chất là những yếu kém của “quá trình thực hiện chương trình” chứ không hẳn là những yếu kém của bản thân chương trình.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cùng quan điểm trên khi cho rằng để thực hiện thành công chương trình, SGK, ít nhất phải có những điều kiện đảm bảo như cơ sở vật chất – trang thiết bị của các trường phải đạt chuẩn, giáo viên phải được đào tạo tốt. “Không thể dạy học theo phương pháp tổ chức hoạt động, phương pháp tham quan, dã ngoại, thực hành và giáo viên cũng không thể quan tâm đầy đủ đến học sinh nếu mỗi lớp vẫn nhồi chật cứng 50 – 60 học sinh như hiện nay”, GS Nguyễn Minh Thuyết nhận xét.
Một hay nhiều bộ SGK?
Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại khi mà trong cả hai dự thảo văn bản quan trọng được xin ý kiến đều không có điểm nào khẳng định xu hướng một chương trình nhiều bộ SGK mà dư luận mong ngóng chờ đợi trong suốt mấy năm qua mà chỉ thấp thoáng đâu đó trong đề án đổi mới chương trình – SGK quan điểm này.
“Có thể thấy trước ngay cả sau 2015 chúng ta cũng sẽ khó làm được những việc như vậy (nội dung của dự thảo đề án – PV). Ví dụ làm sao có thể dạy tích hợp khi mà bây giờ chưa thấy có một động thái thay đổi nào ở các trường sư phạm? Làm sao có thể dạy học tự chọn khi các trường học chỉ có từng ấy phòng học và tình hình này chắc chắn khó được cải thiện trong vòng 10 năm tới?”. - GS TS Nguyễn Hữu Châu, nguyên Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam |
“Đây là một quan điểm không mới ở nước ngoài nhưng mới với chúng ta. Mặc dù đã được nêu ra từ những năm thực hiện và triển khai xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa hiện đang sử dụng (từ những năm 2000), nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên chúng ta dự định tuyên bố chính thức chủ trương này.
Chúng tôi đề nghị Nhà nước chính thức hóa chủ trương này, công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để toàn dân, các cơ quan và những ai quan tâm biết, tránh gây xôn xao trong dư luận”, GS TS Hoàng Văn Vân, ĐH Quốc gia Hà Nội đề nghị.
GS Nguyễn Minh Thuyết nói: “Cứ theo đề án này thì không rõ trong tương lai sẽ có một hay nhiều bộ SGK. Và nếu có nhiều bộ SGK như yêu cầu của xã hội thì ngoài SGK do Bộ GD&ĐT trực tiếp tổ chức biên soạn, những bộ SGK do các tổ chức, cá nhân khác biên soạn sẽ được trình cho ai duyệt, thẩm định và dạy thử nghiệm vào lúc nào? Theo tôi, Đề án không thể xây dựng trên cơ sở giả thiết chỉ có một bộ SGK như từ trước đến nay. Thậm chí, việc xây dựng chương trình cũng nên có “khoảng trống” để tiếp thu sáng kiến của xã hội.
Tôi nghĩ là ngoài các chuyên gia ở Bộ GD&ĐT, còn có nhiều chuyên gia Việt Nam ở trong nước và nước ngoài có hiểu biết sâu sắc về chương trình giáo dục phổ thông có thể đề xuất những chương trình hợp lý”.
5 năm đã phải thay chương trình?
Theo dự thảo đề án của Bộ GD&ĐT, do tốc độ phát triển quá nhanh của khoa học, kỹ thuật (trong đó có khoa học giáo dục) và sự biến đổi mau lẹ của đời sống, thời gian tồn tại của một chương trình giáo dục phổ thông ngày càng được rút ngắn, từ 10 năm cuối thế kỷ XX nay chỉ còn 5 – 6 năm, thậm chí ngắn hơn.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, thông tin này chắc chắn sẽ làm nhiều người lo lắng, vì một đề án được chuẩn bị trong vòng 8 năm (từ nay đến 2022) với rất nhiều công sức và chi phí như đề án này mà chỉ tồn tại trong khoảng thời gian 5 – 6 năm thì rất lãng phí.
“Một nước còn nghèo như nước ta khó có thể liên tục thay đổi chương trình, SGK như vậy. Theo tôi, đề án cần đưa ra được giải pháp thiết kế chương trình, SGK mới thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng này”.
GS Nguyễn Hữu Châu hồ nghi về tính xác thực của thông tin tuổi thọ của một chương trình chỉ còn 5 – 6 năm. Trong bản đóng góp ý kiến của mình gửi tới hội nghị, GS Châu chia sẻ sự băn khoăn: “Không rõ thông tin đó lấy từ nguồn nào. Đây chỉ là cá biệt của một nước hoặc đối với chương trình của một vài môn học chứ nhất quyết không phải là xu thế chung của thế giới.
Một chương trình chưa thực sự trải nghiệm qua ít nhất một vòng cho cả hệ thống 12 năm, mới chỉ được nửa hệ thống (5 - 6 năm) đã thay đổi, đó là chuyện cực kì vô lý”.
Theo Quý Hiên
Tiền Phong