Độc giả “hiến kế” chống nóng cho học sinh
(Dân trí) - Băn khoăn trước tình trạng thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến việc học tập của con trẻ, đông đảo độc giả gửi ý kiến tới báo <i>Dân trí</i> đề xuất những biện pháp giúp giảm nhiệt cho trẻ em khi học tập tại trường như lắp điều hòa, xây bể bơi, trồng thêm cây xanh…
Nhiều ý kiến của độc giả cho rằng lắp điều hòa là một giải pháp “tức thời” để giúp giảm nhiệt trong tình trạng thời tiết nắng nóng hiện nay, giúp trẻ thoải mái khi học trong lớp.
“Nắng nóng với người lớn còn khổ huống hồ các cháu bé, nhất là bậc học mầm non và tiểu học. Theo tôi, Sở Giáo dục Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung nên để các trường được cùng hội phụ huynh lắp đặt trang bị máy điều hòa dùng vào những ngày nắng nóng. Theo đó mỗi tháng nên thu thêm tiền điện để giúp cho nhà trường đỡ phần chi phí cũng như có tiền để trang bị lại hệ thống điện. Sức khỏe là quý nhất. Nên tạo mọi điều kiện cho con em học tập được tốt. Việc chi phí thu chi nên thông qua các hội phụ huynh để hội phụ huynh thông báo tới các cha mẹ. Những gì cần thiết thì nên chi.” - Người gửi: Hoa Xuan An, email: Lienchau1206@gmai.com
“Chỉ có mấy thành phố lớn mới bôi ra mấy việc điều hòa thế chứ. Ở các tỉnh khác có nóng thế, nóng nữa thì cũng phải chịu. Hỏi tại sao trẻ con ở thành phố mới yếu ớt, kém chịu đựng, khó thích nghi.” - Người gửi: Ngọc Anh, email: visaotinhtuhp@yahoo.com |
Xây bể bơi trong trường học?
Trước ý kiến đề xuất của một độc giả rằng nên bể bơi trong trường học như cách làm của người Nhật, đông đảo độc giả đã có những tranh luận quanh ý tưởng này:
“Ở Nhật cũng có những hôm trời nóng giống như ở Việt Nam, nhưng vào những ngày đó thì cô giáo yêu cầu học sinh mang quần áo bơi, và đồ để thay tới trường... chứ trường không lắp điều hòa. Và ngày đó thì hầu như các lớp thay phiên nhau, để học bơi... hoặc cho các em thực hành cách chống nóng trong phòng ví dụ như rảy nước lên sàn nhà cho bốc hơi, hoặc dạy các em lau đồ, nói chung là những công việc có dính dáng tới nước... chứ ngày nóng mà bắt các em ngồi trong lò để tập trung học thì quá là đánh đố, trời nóng quá thì nên đổi món học cho các em, vừa mát lại thêm luyện tập về khả năng bơi lội. Nên chăng các trường thay vì lắp điều hòa thì nên xây bể bơi cho các em thì có lẽ tốt hơn. HS ở Nhật thường phải học cách làm quen với sự khắc nghiệt của thiên nhiên,và cách bảo vệ mình khỏi những thiên tai ấy, chứ họ không dạy HS cách nóng quá lắp điều hòa. Đó là cách dạy các em cách phụ thuộc, và nuông chiều không tốt.” - Email: akiko26@cablenet.ne.jp
“Quả thật các trường học ỏ Nhật không lắp điều hoà, tất cả các trường đều có bể bơi, mở cửa cả mùa hè, có giáo viên trực đảm bảo qui định an toàn. Hơn nữa học sinh được hoc các kỹ năng tối thiểu để đảm bảo an toàn và luôn phải có ý thức kỷ luật, trước hết vì an toàn bản thân mình.” - Người gửi: Trần Minh Hương, email: tranminhhuong36@gmail.com
“Tôi thấy không nên xây bể bơi trong khuôn viên trường học vì mỗi khi thời tiết nống nhu thế này chẳng may các em học sinh nhảy xuống tắm có phải sẽ bị cảm nắng, lúc đó ai sẽ là người chịu trách nhiệm đây.” - Người gửi: Lương Yến, email: hoahongđalat2009b@yahoo.com
“Tôi thấy các hoạt động dưới nước như tập bơi hay tăng cường cây xanh bóng mát cho trường có lẽ mới là giải pháp cho tương lai. Giáo dục ý thức của các em về cách thích nghi với môi trường mà không phụ thuộc vào tiêu thụ điện năng quá nhiều.
- Trồng nhiều cây xanh trên các nóc nhà trường đổ bằng, ô văng cửa sổ
- trồng cây xanh trên sân trường cho nhiều bóng mát
- Bể bơi thể dục trong nhà đa năng.” - Người gửi: nvhoan, email: quelanggiang@yahoo.com
“Có những nơi thậm chí bàn học còn ngồi không vững huống chi được tới cái quạt trần? Tôi đi khảo sát những điểm trường vùng sâu ,vùng xa với cái nắng oi bức dưới mái tôn bàn xiêu vẹo các em vẫn phải ngồi học…” - Người gửi: le diem, email: diem0382@yahoo.com |
“Đây là Việt Nam chứ không phải là Nhật. Nắng nóng 42 độ ra ngoài trời tập bơi để ốm à? Người lớn còn không chịu đuọc nữa là trẻ con.” - Email: trangtran111189@gmail.com
“Thật tuyệt vời với tư duy dạy trẻ của người Nhật. Tuy nhiên, điều kiện của Việt Nam mình còn quá khó khăn, lấy đâu đất và kinh phí xây bể bơi? Mà nếu có xây được thì kinh phí duy trì hoạt động cho bể lấy từ nguồn nào? Có phải gia đình nào cũng có điều kiện đóng góp đâu.” - Người gửi: Nguyễn Kim Oanh, email: nguyenkimoanh06@yahoo.com.vn
Thu Minh (tổng hợp)