Độc đáo thư viện đặt sách trong… gùi
Những chiếc gùi xinh xắn treo dưới mỗi gốc cây trong sân trường, bên ngoài mỗi chiếc gùi được trang trí đẹp mắt với dòng chữ “Hãy đọc sách các em nhé!”, bên trong là nhiều lại sách, truyện phù hợp với lứa tuổi của học sinh tiểu học.
Đó là những thư viện được thiết kế lộ thiên ngay trong sân trường với nhiều ý tưởng độc đáo nhằm khuyến khích văn hóa đọc đối với học sinh. Đặc biệt, tại các trường có 100% học sinh dân tộc thiểu số, với thư viện ngoài trời, học sinh chỉ cần với tay là có một quyển sách, tờ báo trong giờ ra chơi. Ngoài việc bổ sung kiến thức, những thư viện độc đáo này còn giúp học sinh dân tộc thiểu số tăng cường khả năng tiếng Việt.
Khi chiếc gùi trở thành giỏ sách báo
Giờ ra chơi của Trường Tiểu học Ngô Mây (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai), nơi có 426 học sinh (100%) là dân tộc Jrai, không chỉ có sự náo nhiệt bởi những hoạt động ngoài trời mà còn thật lạ mắt bởi hình ảnh nhiều học sinh chen nhau đến thư viện ngoài trời tìm sách báo để giải trí.
Đó là những chiếc gùi xinh xắn treo dưới mỗi gốc cây trong sân trường, bên ngoài mỗi chiếc gùi được trang trí đẹp mắt với dòng chữ “Hãy đọc sách các em nhé!”, bên trong là nhiều lại sách, truyện phù hợp với lứa tuổi của học sinh tiểu học như: Đố em tại sao, Truyện cổ tích hay nhất, Bộ sách khám phá thế giới, Trò chơi rèn luyện khả năng tư duy… cùng nhiều loại báo như Thiếu niên Tiền phong, Măng non…
Cô học trò nhỏ Siu Phun - lớp 5A1, bẽn lẽn nói: “Em thích đọc ở đây vì sách báo hay. Em thích nhất truyện “Chuyện của H’Mây”, vì truyện kể về bạn H’Mây nhà nghèo nhưng chịu khó học hành. Em sẽ cố gắng như H’Mây”. Siu Phun cho biết, vì đã được thầy cô dặn dò nên khi đọc sách xong em và các bạn thường giữ sách sạch sẽ và bỏ lại vào gùi để bạn khác cùng đọc.
Thầy Võ Hồng Sanh- Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường Tiểu học Ngô Mây mới triển khai mô hình thư viện ngoài trời trong năm học này. Không quá tốn kém bởi chiếc gùi, một vật dụng sinh hoạt thường ngày của người dân nơi đây đã được thiết kế thành giỏ đựng sách báo một cách hết sức thân thiện, gần gũi, hiệu quả. Nguồn sách báo một phần do nhà trường đặt mua, phần từ các chương trình tài trợ như dự án song ngữ, dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em vùng khó khăn, dự án Bạn hữu trẻ em, Pedc…
Trường cũng vận động phụ huynh và học sinh đóng góp mỗi năm 1 cuốn sách nhằm bổ sung vào nguồn sách của nhà trường. Với mô hình thư viện ngoài trời, thủ thư vất vả hơn vì phải thay sách thường xuyên mỗi tuần một lần, tuy nhiên, “nhiều khi ngại vô thư viện, các em có thể ngồi ghế đá để đọc sách báo vào đầu giờ, trong giờ ra chơi hoặc cuối giờ học. Từ khi có thư viện ngoài trời, học sinh tự tin và hòa đồng hơn trước”-thầy Sanh nhận xét về những ảnh hưởng tích cực của thư viện ngoài trời.
Đọc sách giữa thiên nhiên…
Trước đó, một trong những trường xây dựng khá sớm mô hình thư viện ngoài trời là Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Mang Yang. Thầy Lê Hữu Phong - Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: Mô hình thư viện ngoài trời đã được trường đưa vào hoạt động được 3 năm. Đó là 2 tủ sách thân thiện được thiết kế như những giá sách 2 mặt, có chân và mái che phòng khi mưa nắng. Thư viện này có đến hơn 200 đầu sách được chia làm nhiều mục: Tủ sách Bác Hồ, sách thiếu nhi, sách về văn hóa các dân tộc thiểu số, sách văn học…
Nguồn sách khá phong phú bởi mỗi quý thư viện nhà trường đều được luân chuyển sách từ Thư viện tỉnh và thư viện với khoảng 500 đầu sách, riêng tủ sách Bác Hồ do nhà trường đầu tư và hàng năm đều bổ sung mới. Tủ sách ngoài trời không chỉ giúp học sinh nội trú, với đặc thù ăn ở ngay tại trường, có thêm phương tiện giải trí ngoài giờ học, mà còn hỗ trợ các em đắc lực trong việc bổ sung kiến thức, tăng cường khả năng tiếng Việt.
Thư viện ngoài trời giờ đây cũng không còn là khái niệm quá xa lạ đối với 345 học sinh ở Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Đak Rong (huyện Kbang). Có thể nói đây là thư viện ngoài trời đẹp mắt và “hoành tráng” nhất tỉnh kể cả về quy mô và kinh phí.
Thầy Phạm Quốc Tuấn- Hiệu trưởng nhà trường, hào hứng nói về công trình mà nếu tính của, tính công phải lên tới cả trăm triệu đồng: Cách đây hơn 1 năm, nhà trường vận động phụ huynh góp gỗ, góp sức làm thư viện ngoài trời, làm khoảng 1 tuần thì xong. Diện tích thư viện khoảng 30 m2 với mô hình nhà sàn bằng gỗ lợp ngói nằm ngay trong khuôn viên nhà trường, bốn bên là cây cảnh xanh mát. Với gần 1.000 đầu sách báo từ các nguồn của dự án hỗ trợ giáo dục vùng khó khăn, của UBND xã cấp, thư viện ngoài trời này đã thu hút rất nhiều học sinh.
Thoát khỏi sự kinh viện, gò bó thông thường, có lẽ tới đây thư viện ngoài trời sẽ là lựa chọn của nhiều trường học trên địa bàn tỉnh.