Doanh nghiệp công nghệ giúp người yếu thế thu hẹp khoảng cách hòa nhập xã hội

Trường Thịnh

(Dân trí) - Dự án Kiến thức kỹ thuật số cho phụ nữ và người khuyết tật khởi nghiệp ở TPHCM và Hà Nội của RMIT Việt Nam đang từng bước mang lại lợi ích trong sử dụng công nghệ để nhóm cộng đồng yếu thế tham gia hoạt động kinh tế.

Nhóm đối tượng dễ tổn thương trong kỷ nguyên số

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ chuyển đổi số cao trên thế giới. Nền kinh tế số của Việt Nam được Google đánh giá là có tốc độ phát triển nhanh hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đóng góp của kinh tế số chiếm khoảng 14,26% GDP. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, người khuyết tật và phụ nữ có thu nhập thấp là đối tượng ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ số, nền tảng số.

Theo điều tra mức sống dân cư năm 2021 ở Việt Nam, tỷ lệ người dân được tiếp cận internet và điện thoại khá cao, song vẫn còn khoảng cách giữa phụ nữ và nam giới. Tỷ lệ phụ nữ sử dụng internet là 70% so với nam giới là 78%; tỷ lệ phụ nữ sử dụng điện thoại là 87% so với nam giới là 93%.

Người khuyết tật cũng là nhóm đối tượng có tỷ lệ truy cập internet thấp vì chi phí truy cập internet cao, khiến họ không thể tiếp cận được các tính năng trên máy tính. Vì vậy, các công nghệ kỹ thuật số, vốn hứa hẹn mang đến lợi ích cho tất cả mọi người, bỏ lại người khuyết tật ở phía sau.

Doanh nghiệp công nghệ giúp người yếu thế thu hẹp khoảng cách hòa nhập xã hội - 1
Người khuyết tật và phụ nữ có thu nhập thấp là nhóm đối tượng ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ số, nền tảng số (Ảnh: BTC).

Hơn nữa, nhóm đối tượng người khuyết tật và phụ nữ có thu nhập thấp có ít kiến thức và cơ hội để tiếp cận với những thông tin về an toàn mạng hay bảo vệ thông tin cá nhân trực tuyến. Điều này có thể dẫn đến việc họ dễ dàng trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến. Nhất là khi các hình thức lừa đảo trực tuyến ngày nay vô cùng tinh vi như lừa đảo qua email, điện thoại, hoặc các trang web giả mạo,… làm cho nhóm người yếu thế này dễ dàng tin tưởng và rơi vào bẫy.

Doanh nghiệp công nghệ góp phần thu hẹp khoảng cách số trong cộng đồng yếu thế

Với tâm huyết góp phần giải quyết thực trạng nêu trên, nhóm nghiên cứu của Đại học RMIT Việt Nam nhanh chóng triển khai dự án Nâng cao kiến thức kỹ thuật số cho cộng đồng yếu thế ở TPHCM và Hà Nội do Traveloka hỗ trợ. Theo đó, các công ty công nghệ trong nước đã có những định hướng phát triển và tiếp cận giúp giảm thiểu khoảng cách kỹ thuật số đối với cộng đồng yếu thế, cụ thể là những phụ nữ có thu nhập thấp và người khuyết tật.

"Traveloka mong muốn góp phần giải quyết những thách thức mà người khuyết tật phải đối mặt trong việc tiếp cận và hưởng lợi từ các nền tảng kỹ thuật số. Bằng cách đầu tư vào sáng kiến này, Traveloka mong muốn trở thành chất xúc tác cho những thay đổi xã hội, góp phần tạo nên một thế giới nơi mọi người đều có thể tích cực tham gia vào kỷ nguyên kỹ thuật số", ông Albert Zhang, đồng sáng lập Traveloka cho hay.

Doanh nghiệp công nghệ giúp người yếu thế thu hẹp khoảng cách hòa nhập xã hội - 2
Dự án đã tổ chức một loạt tọa đàm với sự tham dự của các tổ chức hỗ trợ người khuyết tật và đại diện các ban ngành tại Hà Nam và Đà Nẵng (Ảnh BTC).

Với sự giúp sức của các bạn sinh viên và thành viên các cộng đồng khuyết tật trên khắp cả nước, trong nửa cuối năm nay, hơn 600 người thuộc nhóm yếu thế trên cả nước đã hiểu hơn về kỹ năng số thông qua các buổi đào tạo cộng đồng. Dự án cũng nhận về nhiều phản hồi tích cực với tinh thần học hỏi cao của nhóm đối tượng này và nhiều người có mong muốn được tham gia thêm nhiều buổi đào tạo hơn nữa trong tương lai.

"Sau khi được tham gia buổi tập huấn, tôi biết có nhiều rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng, nhất là khi tôi là một người khuyết tật nên khả năng bị đánh cắp thông tin và bị tin tặc lừa đảo là rất cao. Nhờ dự án này, tôi biết cách phân biệt thông tin cũng như loại bỏ những tin rác trên không gian mạng. Không giữ những kiến thức này cho riêng mình, tôi còn truyền đạt lại cho người thân trong gia đình biết cách tự bảo vệ mình trên không gian mạng", chị Đỗ Hương Giang, một người khiếm thị chia sẻ.

Dự án cũng đã tổ chức một loạt các tọa đàm với sự tham dự của các tổ chức hỗ trợ người khuyết tật và đại diện các ban ngành tại Hà Nam và Đà Nẵng. Hai phiên tọa đàm sẽ diễn ra tại Hà Nội và TPHCM vào tháng 12.

Chia sẻ về thành tựu bước đầu của dự án, Tiến sĩ Abdul Rohman, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, tại Hà Nội, dự án đã đào tạo được 12 bạn trẻ là người khiếm thị và khiếm thính về "Quyền riêng tư và bảo mật trên môi trường số". 12 bạn trẻ này đã đào tạo cho cộng đồng gồm 289 người là người khiếm thị, người khiếm thính, và người khuyết tật vận động.

Cùng với đó, 16 sinh viên đến từ RMIT Việt Nam và các trường đại học khác nhau thuộc địa bàn TPHCM cũng đã tham gia 4 buổi đào tạo, từ đó đào tạo được 240 phụ nữ và người khuyết tật về các kiến thức liên quan đến bảo mật và quyền riêng tư kỹ thuật số.

Dự án đã từng bước hướng đến những thay đổi thực tế trong cộng đồng theo cách gần gũi và thân thuộc, giúp các bạn trẻ và cộng đồng yếu thế có thêm kiến thức về kỹ thuật số. Từ đó, bồi dưỡng thêm sức mạnh tri thức để có thể giảm nghèo khó, bất bình đẳng giới và sống tự lập, tích cực hơn.