Thi thử trắc nghiệm ngoại ngữ:

Định “cỡ ” đề thi chưa chuẩn

Từ nay đến giữa tháng 12, sẽ có thêm khoảng 10 địa phương tiếp tục triển khai thi thử trắc nghiệm. Tuy những đợt “tập dượt” này chưa nhiều, nhưng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD đã nhận thấy định “cỡ” nội dung đề thi và các quy trình kỹ thuật liên quan, sẽ phải điều chỉnh.

Đến thời điểm này, đã có 5 tỉnh, thành phố hoàn thành việc tổ chức thi thử trắc nghiệm môn ngoại ngữ – một bước quan trọng phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2006.

 

Trao đổi với phóng viên về những khó khăn mà các địa phương gặp phải khi lần đầu tiên tổ chức thi thử trắc nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD (KT-KĐCLGD) Trần Văn Nghĩa cho biết:

 

- Từ giữa tháng 10 đến nay, đã có 5 địa phương (Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn...) tổ chức thi thử trắc nghiệm. Trong tuần này, Cục KT-KĐCLGD sẽ tiếp tục triển khai tập huấn và tổ chức kỳ thi thử tại TPHCM (ngày 25 và 26/11) và các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắc Lắc, Nghệ An... Hiện có một số địa phương vẫn tiếp tục đăng ký tổ chức thi thử, chúng tôi đang xem xét, tuy nhiên, đợt thi thử tại các địa phương này sẽ kết thúc vào nửa đầu tháng 12.

 

Kết quả ban đầu cho thấy, hầu hết học sinh đã nắm bắt được các yêu cầu kỹ thuật của bài thi – điều kiện quan trọng để được tính là bài thi hợp lệ. Số lượng bài thi bị nhầm về mặt kỹ thuật chiếm tỷ lệ rất nhỏ, riêng Hải Phòng có trên 20.000 thí sinh dự thi nhưng cũng chỉ có vài chục bài nhầm về mặt kỹ thuật; ở Lạng Sơn cũng chỉ có một trường hợp giám thị ký tên vào bài thi nhưng lại vạch quá sang phần mã hóa bài thi.

 

Nhưng chúng tôi được biết, kết quả của kỳ thi thử này cũng không cao như mong muốn. Tại sao vậy?

 

Riêng về mặt nội dung, Cục KT-KĐCLGD sẽ tiếp tục phải điều chỉnh. Kết quả thi thử, tuy chưa chấm xong hoàn toàn nhưng thực tế cũng không cao lắm. Có hai lý do giải thích cho thực tế này: thứ nhất là do chúng tôi định cỡ đề thi chưa chuẩn và thứ hai, đến thời điểm này, học sinh chưa học hết chương trình nên việc ra đề thi cũng gặp khó khăn. Những vấn đề này sẽ được Cục KT-KĐCLGD tiếp tục điều chỉnh để có thể đạt chuẩn trong kỳ thi thật sắp tới.

 

Thông thường, ở các kỳ thi tự luận, Bộ GD-ĐT thường có “giới hạn chương trình” hay “trọng tâm ôn tập” giúp học sinh khoanh vùng kiến thức. Năm nay, với loại hình thi trắc nghiệm, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể về nội dung kiến thức hay không, thưa ông?

 

Theo tôi được biết, năm nay, có thể Vụ Giáo dục Trung học sẽ có hướng dẫn cụ thể về yêu cầu kiến thức đối với học sinh ở môn ngoại ngữ và chúng tôi sẽ căn cứ vào đó để ra đề thi... Về độ dài, cơ bản chúng tôi sẽ giữ nguyên độ dài 50 câu đối với kỳ thi tốt nghiệp và từ 70 đến 100 câu đối với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Tuy nhiên, độ khó dễ của đề thi thì phải cân nhắc thật kỹ bởi nó phải đáp ứng được yêu cầu vừa sức đối với số đông thí sinh, vừa phân loại được học sinh khá, giỏi. Chúng tôi cũng không đặt vấn đề phân chia tỷ lệ giữa hai yêu cầu này trong kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi nó không phải sàng lọc như kỳ thi đại học.

 

Vậy Cục KT-KĐCLGD đã rút kinh nghiệm và chuẩn bị những gì cho kỳ thi thử quốc gia sẽ được tổ chức vào tháng 1/2006 sắp tới?

 

Công việc quan trọng nhất bây giờ là tổ chức tập huấn thật kỹ cho các giáo viên và các nhà quản lý giáo dục về quy trình kỹ thuật thi trắc nghiệm. Khác với loại hình tự luận, thi trắc nghiệm đòi hỏi phải có rất nhiều đề nên việc in sao đề thi rất phức tạp. Trong tháng 12 tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam thực hiện các chương trình phổ biến hướng dẫn thi trắc nghiệm trên VTV2 để giúp thí sinh tiếp cận và nắm chắc các yêu cầu khi làm bài thi trắc nghiệm.

 

Trong tuần tới, chúng tôi sẽ mời các chuyên gia Hoa Kỳ sang giúp các chuyên viên của Cục KT-KĐCLGD đánh giá chất lượng, định cỡ đề thi. Dự kiến, kỳ thi thử quốc gia sẽ diễn ra vào ngày 14/1/2006 với sự tham dự của khoảng 800.000 học sinh lớp 12 trên toàn quốc.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Việt Lan

Sài Gòn Giải Phóng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm