“Điểm huyệt” yếu kém của giáo dục đại học hiện nay

(Dân trí) - Trình bày lý do cần thiết phải sửa Luật Giáo dục Đại học đang áp dụng hiện nay, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói về những hạn chế, yếu kém đã bộc lộ qua 5 năm thì hành luật như tự chủ nhưng chưa gắn với quyền tự chủ, trách nhiệm và cơ chế giải trình; đào tạo chưa gắn với chất lượng và kết quả đầu ra…

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: Như Phúc)
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: Như Phúc)

60 đại học tư thục, chỉ 5 trường có chất lượng

Những kết quả đạt được sau 5 năm thi hành Luật Giáo dục Đại học năm 2012 được thể hiện bằng các con số: hệ thống trường phát triển đa dạng với 170 trường công lập, 60 trường tư thục và 5 trường có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó 4 trường “ngoại” và 5 trường tư thục có chất lượng được đánh giá là góp phần phát triển lĩnh vực giáo dục đại học ngoài công lập. Đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng từ 14% năm 2012 lên gần 23% năm 2017.

Luật Giáo dục Đại học 2012 cũng được Chính phủ đánh giá là đặt nền móng pháp lý cho tự chủ đại học, là văn bản pháp lý đầu tiên quy định rõ nét về kiểm định chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, các kết quả đạt được đó cũng được xác nhận mới ở “lưng chừng” khi tự chủ đại học nhưng chưa gắn với quyền tự chủ, trách nhiệm và cơ chế giải trình nên hiệu quả trong thực tế không cao. Số lượng trường thành lập lớn nhưng học phí chưa được tính theo cơ chế giá dịch vụ, cơ chế phân bổ ngân sách cho các trường còn mang tính bình quân, chưa gắn với chất lượng, kết quả đầu ra nên chưa phát huy được tính cạnh tranh…

Trình xin Quốc hội sửa luật lần này, cơ quan soạn thảo luật chủ trương mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học.

Cụ thể, trong hoạt động chuyên môn, các trường được tự chủ mở ngành đào tạo, tự chủ liên kết trong và ngoài nước, tự chủ cấp phát văn bằng, thúc đẩy khởi nghiệp, gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Về bộ máy và nhân sự, Hội đồng trường sẽ có thực quyền trong việc quyết định nhân sự, tiêu chuẩn Hiệu trưởng, Hiệu phó, giảng viên. Hiệu trưởng trường đại học công lập do cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận trên cơ sở đề xuất của Hội đồng trường; Hiệu trưởng trường đại học tư thục do Hội đồng quản trị quyết định.

Tự chủ tài chính thể hiện ở việc trường có quyền xây dựng, quyết định giá dịch vụ đào tạo đảm bảo tương xứng với chất lượng, được quyết định đầu tư bằng nguồn thu của trường, quyết định nội dung và mức chi.

Kiểm định đại học phải độc lập với các trường

Nội dung đổi mới hoạt động quản trị đại học thể hiện bằng việc, với trường công lập thì Hội đồng trường thực hiện chức năng quản trị trường, quyết định định hướng phát triển, quy chế tổ chức, hoạt động, quy chế tài chính. Hiệu trưởng chỉ thực hiện chức năng quản lý, điều hành hoạt động của trường theo quyết nghị của Hội đồng. Với trường tư thục, bộ máy quản lý tổ chức theo tiêu chí chủ sở hữu, bổ sung quy định về đại hội cổ đông, ban kiểm soát… như mô hình doanh nghiệp.

Với các trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, cơ chế quản trị sẽ không có Đại hội đồng cổ đông; Hội đồng quản trị quyết định theo cơ chế phổ thông, đầu phiếu, không theo cơ chế đối vốn… để tương đồng với mục đích không vì lợi nhuận và phân biệt rõ với cơ chế quản trị của trường đại học tư thục khác.

Với những trường đào tạo trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, trường đặc thù thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các trường đào tạo các ngành năng khiếu như thể dục, thể thao, nghệ thuật... Chính phủ sẽ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về hình thức đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian, chương trình, tổ chức và quản lý đào tạo, cấp văn bằng chứng chỉ…

Nội dung đổi mới hoạt động quản lý nhà nước, dự thảo luật có quy định riêng về các trường đại học quốc gia. Theo cơ quan soạn thảo luật, do đặc thù của Việt Nam, các đại học quốc gia được thành lập để thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, phát triển thành một trong các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu ở Việt Nam nên dự thảo Luật quy định đại học quốc gia là đại học công lập thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia về giáo dục đại học. Đại học quốc gia có quy chế tổ chức và hoạt động riêng do Chính phủ quy định.

Các đại học khác (bao gồm cả các đại học đang thực hiện theo quy chế đại học vùng) thực hiện theo mô hình chung của đại học (bao gồm tổ hợp các trường đại học thành viên và/hoặc các trường chuyên ngành).

Cũng theo nội dung dự luật, đại học và học viện được xác định là chế định chung. Học viện cũng là một loại trường đại học.

Về phân loại, xếp hạng các trường đại học, Chính phủ đề xuất thay việc phân tầng theo quy định hiện hành bằng phân loại. Có 2 loại đại học được phân chia: đại học định hướng nghiên cứu và đại học định hướng ứng dụng.

Luật quy định rõ các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng đào tạo và cấp văn bằng, kiểm định chất lượng… để các trường tự chủ thực hiện, yêu cầu minh bạch thông tin, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Về kiểm định chất lượng, dự luật quy định, tổ chức kiểm định phải độc lập với các trường. Luật cũng bổ sung quy định về tiêu chuẩn và quy trình đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nhằm đảm bảo tính thống nhất, xác định rõ về năng lực để đảm bảo đồng đều kết quả đánh giá, kiểm định giữa các trung tâm kiểm định chất lượng.

P.Thảo