Đi “tham quan học hỏi” ở Amsterdam
(Dân trí) - Trong thời gian du học ngành Truyền thông công ở IUT de Besançon, Pháp, tớ đã có dịp cùng cả lớp tham gia một chuyến voyage d’études (du lịch học hỏi) tại Amsterdam, Hà Lan.
Chông chênh đường đi học
Bọn tớ rục rịch chuẩn bị cho chuyến đi này từ khi mới bắt đầu năm học, bởi ngoài một phần tiền do nhà trường trợ cấp và số tiền đóng phí mỗi người, bọn tớ vẫn còn thiếu một khoản nhất định.
Vì thế, bọn tớ đã xoay xở nhiều cách kiếm tiền khác nhau để gây quỹ. Nào là tổ chức quay sổ xố tặng thưởng, bỏ sĩ chocolat bán cho các thầy cô và phụ huynh vào dịp lễ Phục sinh, bán bánh crêpe ở hành lang trường và cả thu gom đồ cũ đi bán ở hội chợ. Cuối cùng, bọn tớ chỉ phải đóng 130 euros/người (khoảng 3 triệu rưỡi) cho chuyến đi.
Với ngân sách eo hẹp, cả nhóm quyết định chông chênh đi xe bus đường dài giá rẻ Eurolines thay vì đi tàu cao tốc. Nơi trọ cũng là một khách sạn nằm cách khu trung tâm cả 45 phút đi xe bus từ nhà ga trung tâm. Dù nhiều trắc trở, nhưng mục đích chuyến đi đủ “cao cả” để cả bọn thôi đừng than thở chuyện chùng chân mỏi gối khi phải ngồi xe cả 14 tiếng đồng hồ “vượt biên” từ Pháp đến Hà Lan. Chuyến đi này, bọn tớ sẽ được gặp gỡ và trò chuyện với những người làm trong ngành truyền thông ở Amsterdam!
Kín lịch ở Amsterdam
Chuyến đi lần này “mang tiếng” là tham quan học hỏi (voyage d’étude/study trip) nên lịch trình tất nhiên được lên sẵn với rất nhiều hoạt động. Trung bình, mỗi ngày bọn tớ sẽ đến thăm trụ sở và gặp gỡ hai chuyên gia khác nhau. Chẳng hạn, nếu ngày đầu tiên là đi tham quan và trò chuyện với đại diện truyền thông của Anne Frank’s house thì buổi chiều là gặp gỡ với một nhà báo kiêm nhà hoạt động truyền thông mảng Mạng xã hội.
Những cuộc tham quan, giao lưu với đại diện bảo tàng (bảo tàng báo chí), công ty quảng cáo (Dolly Rogers), Cung điện hoàng gia hay thậm chí là tiệc tùng với sinh viên trường Đại học Amsterdam chính là cơ hội quá tốt để bọn tớ mở mang tầm mắt về môi trường, tác phong làm việc cũng như đặt câu hỏi cho họ về cách thức làm việc trong ngành Truyền thông ở Hà Lan. Buổi tối thứ hai sau khi vừa đến, bọn tớ còn được hội sinh viên của khoa Truyền thông trường Đại học Amsterdam mời tham gia một buổi tiệc kín (private party) tại tầng hai một quán Pub ngay khu đèn đỏ. Quá hoành tráng!
Ấn tượng nhất sau chuyến tham quan trường là những chia sẻ gần gũi mà bạn sẽ không thể tìm được trong các sổ tay du lịch, ví dụ: “Trường tớ có khuôn viên đẹp nên khách du lịch hay lui tới chụp ảnh”. Cô bạn thậm chí còn dắt cả bọn đến khu tường được xây hồi thế kỷ 17 vì “cái tường này luôn khiến tớ có cảm giác nó giống trong truyện Harry Potter”.
Độc đáo nhất là thông tin sinh viên Hà Lan còn được học tại một số các nhà thờ khi trường thiếu phòng học. Sau này tớ còn phát hiện có nhiều nhà thờ ở Amsterdam được bán cho tư nhân để làm các quán xá, thậm chí nhà ở - điều mà thầy giáo của tớ đã hóm hỉnh bình luận: “Nước Pháp mà “chịu chơi” như Hà Lan có lẽ sẽ khỏi phải xây trường luôn, vì ở Pháp có quá nhiều nhà thờ”.
Nhưng ngoài những cuộc gặp “nghiêm túc”, bọn tớ cũng được trải qua những trải nghiệm du lịch y hệt những khách du lịch khác: đi thuyền qua những con kênh Amsterdam, đạp xe vòng quanh những công trình đặc sắc ở khu trung tâm hay leo lên thư viện thành phố để nhìn ngắm một góc thủ đô từ trên cao.
Những bài học từ con người
Dù đã đặt chân đến Amsterdam nhiều lần, nhưng chuyến tham quan lần này mới cho tớ cơ hội hiểu hơn về “thủ đô giải trí của châu Âu”. Chuyến đi giúp tớ chắc nịch một niềm tin chính con người mới giúp con người thu nạp kiến thức một cách thân thiện, hiệu quả nhất (chứ không phải là bất kì cuốn sách, trường học nào).
Không có cách nào khiến bạn thông hiểu Amsterdam hơn là qua những vòng quay xe đạp bởi đây là nơi mà bạn có thể “mặt đối mặt” hầu hết mọi thành phần người dân ở trên đường. Tại tiệm cho thuê xe đạp Mac Bike nằm ngay ga trung tâm (Centraal Station), bọn tớ còn được mời chọn hành trình xe đạp vòng quanh thành phố qua chủ điểm: chuyến đi qua những địa điểm thân thiện với dân gay⩽ đạp xe qua các công trình nghệ thuật ngoài trời hay chuyến vòng quanh những con kênh.
Tour đạp xe tham quan Amsterdam, Alice đã chỉ cho bọn tớ nơi mà những cô gái Hà Lan được nói lời ly biệt với những người chồng thủy thủ trước giờ họ dong thuyền đi biển, hay câu chuyện về cây cầu Magere Brug (Skinny Bridge) nơi các đôi tình nhân Amsterdam vẫn hào hứng đến chụp ảnh cưới mỗi ngày. Có một điểm thú vị là đến tận năm 1994, cây cầu này vẫn còn được đóng/mở bằng tay cho tàu thuyền qua lại trên sông Amstel.
Ở bảo tàng báo chí (Persmuseum), tụi tớ lại được tìm hiểu về nền báo chí Hà Lan, mà theo người hướng dẫn “chính là một phần làm nên nền báo chí thế giới thời điểm đó” - vì Hà Lan từng là trung tâm in ấn và có ảnh hưởng lớn tới nền báo chí quốc tế. Thầy giáo Scotto của tớ cũng công nhận thước phim quay quy trình in ấn bằng tay của bảo tàng là vô cùng đáng giá. Thầy nói: “ước gì có được một bản phim như vậy cho môn học Lịch sử media mà thầy dạy cho sinh viên”. Trẻ em ở đây thậm chí còn có thể tham gia một xưởng thực hành in báo theo kỹ thuật này vào mỗi tuần.
Chuyến gặp gỡ với Jennette, người đồng sáng lập công ty quảng cáo, sáng tạo Dolly Rogers, lại dẫn bọn tớ đến một văn phòng làm việc mơ ước - nơi bạn có thể chơi nhạc, nấu ăn, và tha hồ gặp gỡ với những tài năng trẻ trong ngành Quảng cáo. Thậm chí, văn phòng còn dành một góc riêng để đặt một thùng bia cho nhân viên nạp “năng lượng” khi cần. Được làm việc trong một môi trường phóng khoáng như vậy nhân viên mới mở được những cánh cổng sáng tạo trong tâm hồn mình chứ, phải không?
TRANG AMI – UEVF
Ảnh: Lớp LPCP, khóa 2012-2013