Đi học thuê

Đ.T.M.T. là cử nhân báo chí mới ra trường. Sau hơn 1 năm công tác và thử việc không lương cho 4, 5 tờ báo, tạp chí và sống bằng những đồng nhuận bút ít ỏi. Cuối cùng T. cũng tìm được một công việc, có lương hẳn hoi mà cô chưa bao giờ nghĩ tới: Học thuê!

Một học viên của Học viện nọ do bận "con mọn" nên đã thuê T. thế chỗ của mình trên lớp. Cứ thế, mỗi tuần T. có mặt đều đặn trên lớp 4 buổi, mỗi buổi gần 3 tiếng đồng hồ. Cuối mỗi tháng, T. được thân chủ chi trả cho 400.000 đồng. T. nói: "Tuy ít, nhưng ổn và rất cần thiết với thân phận của kẻ mới ra trường như bọn mình".

 

Ngoài khoản lương kia, T. còn được thêm một thứ nữa là: được củng cố kiến thức, biết thêm nhiều điều mới mẻ về lĩnh vực tài chính để có thể phục vụ cho công việc của mình sau này.

 

Có trăm ngàn lý do để họ thuê người học giúp mình. Nào là bận đi công tác xa dài ngày, một số nghỉ sinh con không có thời gian đi học, hoặc mới lấy chồng đâm "ngại" chuyện đèn sách. Người thì không có thời gian, người lại muốn nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt mỏi, người lại tìm được việc có thu nhập cao có đủ tiền trang trải chi phí thuê người học cho mình để… toàn tâm toàn ý cho công việc.

 

Thế là phải tìm một người "thế" chỗ mình trên lớp, chủ yếu là phục vụ mục đích… điểm danh và làm bài học trình cho đủ điều kiện dự thi. Bởi vì, họ đều đã là người đi làm, nên mỗi tháng bỏ ra khoảng 200-300 nghìn đồng tiền học phí, cộng với 300 - 400 nghìn đồng tiền thuê người cũng không có vấn đề gì ghê gớm cả. Miễn sao có được cái "bằng đỏ" là "êm chèo mát mái" rồi.

 

Nguyễn T. B. quê ở Ninh Bình mới tốt nghiệp Học viện Hành chính quốc gia. Trước khi xin được một chân bán hàng quần áo với mức lương 600.000 đồng/tháng, B từng có thời gian đi học thuê kiếm tiền theo cả hai hình thức: học theo tháng và theo buổi.

 

B. nói: "Đi học kiểu này có sung sướng gì. Em học khối xã hội mà lại phải ngồi nghe giảng về kinh tế, có hiểu cái cóc khô gì đâu". Tôi hỏi: "Thế thầy cô không biết à?". B bảo: "Lớp hàng trăm sinh viên, các thành viên trong lớp còn chẳng biết hết mặt nhau nữa là thầy cô giáo bộ môn, chủ nhiệm". B. không phải là cử nhân duy nhất “hành nghề” đi học thuê.

 

Nhiều cử nhân khác khi ra trường, may mắn xin được chủ yếu là làm nhân viên makerting để phát triển thị trường cho một nhãn hiệu mới toe nào đó. Lương thấp, tiền xăng xe nhiều, suốt ngày phơi mặt ngoài đường mà chẳng đủ tiền cho việc thuê nhà, ăn uống, chi phí cá nhân.

 

Vậy là, có lời mời đi "làm thêm" bằng cách: Học có lương buổi tối, các tân cử nhân thường vui vẻ nhận lời. Các "đại gia" đi thuê học thường chọn những sinh viên chính quy hoặc những sinh viên mới ra trường. Bởi vì, "họ có trình độ, có thể làm bài kiểm tra cho mình, thậm chí là thi hộ mình luôn được".

 

Chuyện thuê người học cho mình, nói ra thì có vẻ lạ tai nhưng trong giới sinh viên, chuyện này không còn là một vấn đề mới mẻ. Đó là một cách để có "đồng ra đồng vào" với những sinh viên được thuê theo buổi: mỗi buổi từ 12.000 - 15.000  đồng.

 

Theo Nguyệt Hà

Công An Nhân Dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm