ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) - "đối thủ" của Oxford, Cambridge?

(Dân trí) - 25 năm nữa, các trường ĐH hàng đầu của Trung Quốc như ĐH Thanh Hoa có thể trở thành đối thủ của trường ĐH Oxford, Cambridge của Anh và nhóm các ĐH hàng đầu của Mỹ (Ivy League). Đó là dự báo của giáo sư Richard Levin - Hiệu trưởng ĐH danh tiếng Yale (Mỹ).

GS. Levin cũng là hiệu trưởng đương nhiệm lâu nhất trong số các hiệu trưởng các trường thuộc nhóm Ivy League. GS. Levin cho biết Trung Quốc đang chi hàng tỷ nhân dân tệ để tiếp sức cho các trường ĐH tốt nhất của mình có thể lọt vào top 10 trường ĐH hàng đầu thế giới.

ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) - "đối thủ" của Oxford, Cambridge? - 1
Cổng phía đông của Trường ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc). Hiện ĐH Thanh Hoa đứng ở vị trí 49 trong bảng xếp hạng các trường ĐH hàng đầu thế giới. (Ảnh: Global Times)

25 năm nữa, ĐH Trung Quốc có thể lọt top 10 ĐH hàng đầu toàn cầu

Trong chuyến thăm Anh mới đây, giáo sư Richard Levin đã trò chuyện với tờ Guardian. Ông dự đoán rằng trong 25 năm nữa, các trường ĐH của Trung Quốc sẽ có thể lọt vào danh sách top 10 trường ĐH hàng đầu của thế giới, cạnh tranh với những trường ĐH tinh hoa nhất của phương Tây.

Hiện các trường ĐH Anh quốc thống trị bảng xếp hạng những trường ĐH hàng đầu thế giới, với ĐH Cambridge đứng vị trí số 2 ngay sau Harvard, Trường University College London đứng vị trí số 4 và Trường Imperial College London ở vị trí số 5. Các trường còn lại trong top 15 là các trường ĐH của Mỹ. Trường ĐH Trung Quốc xếp hạng cao nhất là ĐH Thanh Hoa, ở vị trí 49.

Nhưng hiện nay chính phủ Trung Quốc chi hàng tỷ nhân dân tệ (tương đương ít nhất 1,5% tổng sản phẩm nội địa của Trung Quốc) cho giáo dục bậc ĐH với mục đích tiếp sức cho những trường ĐH tốt nhất của mình như ĐH Thanh Hoa và Bắc Kinh lên vị trí hàng đầu, GS. Levin cho hay.

"25 năm nữa, chỉ bằng thời gian của một thế hệ, những trường ĐH này của Trung Quốc sẽ có thể cạnh tranh với những trường ĐH hàng đầu của Mỹ".

ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) - "đối thủ" của Oxford, Cambridge? - 2
Giáo sư Richard Levin - Hiệu trưởng Trường ĐH Yale nhận định rằng trong 25 năm nữa, các trường ĐH Trung Quốc có thể có mặt trong danh sách những trường ĐH hàng đầu thế giới. (Ảnh: Guardian)

Đầu tuần này, GS. Levin có bài diễn thuyết tại Viện Hoàng gia ở London về sự trỗi dậy của các trường ĐH châu Á.

GS. Levin nói: "Trung Quốc và Ấn Độ đang tìm cách mở rộng khả năng của hệ thống giáo dục bậc ĐH của họ và điều này có thể khiến một số trường ĐH hàng đầu thế giới bị thay thể bởi các trường ĐH tốt nhất của hai nước này. Đây là một điều có thể xảy ra, đặc biệt là Trung Quốc với ý chí và những nguồn lực có thể biến dự đoán này thành sự thật. Chỉ trong một thập kỷ, Trung Quốc đã xây dựng nên một ngành giáo dục ĐH lớn nhất trên thế giới".

Trong thập kỷ qua, số lượng các cơ sở đào tạo bậc ĐH của Trung Quốc tăng gấp đôi từ 1.022 trường lên 2.263 trường. Hiện có hơn 5 triệu sinh viên ở Trung Quốc theo học các khóa ĐH, so với con số 1 triệu sinh viên trong năm 1997.

Đồng thời, các nhà học giả Trung Quốc đang tăng cường rời bỏ vị trí của mình tại các trường ĐH ở Mỹ và Anh để về phục vụ quê hương.

Sự phát triển của giáo dục bậc ĐH ở Trung Quốc xảy ra vào thời điểm các nhà lãnh đạo ĐH ở Anh e sợ rằng họ có thể không duy trì được danh tiếng đẳng cấp quốc tế của mình về giáo dục bậc ĐH khi chính phủ dự định cắt giảm 950 triệu bảng Anh cho giáo dục ĐH trong ba năm tới.

Bình luận về khoản cắt giảm này, GS. Levin cho rằng sẽ là "một nỗi hổ thẹn nếu chính phủ Anh không nhận ra vị trí của ĐH Oxford và Cambridge như là những trường ĐH hàng đầu trên toàn cầu".

Trung Quốc vẫn kém hấp dẫn với các nhà học giả thế giới

GS. Levin chỉ ra rằng ĐH Harvard và Yale của Mỹ đã phải mất hàng thế kỷ mới sánh vai được với ĐH Oxford và Cambridge của Anh. Và trong khi Trung Quốc đang “lôi kéo” nhân tài để tiếp sức cho nền giáo dục ĐH của mình, rõ ràng rằng so với Anh và Mỹ thì Trung Quốc vẫn kém hấp dẫn hơn với các nhà học giả thế giới. Lý do là các trường ĐH Trung Quốc thiếu chiều rộng trong quan điểm, tư tưởng và sự nuôi dưỡng lối tư duy phê bình.

GS. Levin nhận định: "Tôi không coi sự vươn lên của các trường ĐH châu Á như là một sự đe dọa. Cạnh tranh trong giáo dục là một cuộc chơi chung tích cực. Tăng chất lượng giáo dục quanh thế giới sẽ giúp tạo nên những công dân có tri thức hơn và làm việc hiệu quả hơn".

Theo GS. Levin, để xây dựng nên nền nghiên cứu và giáo dục hạng thế giới, các trường ĐH Trung Quốc nên mở rộng chương trình giảng dạy của mình và khuyến khích lối tư duy có tính phê bình. Nhưng GS. Levin cũng cho rằng đây là những vấn đề có thể giải quyết nếu Trung Quốc có đủ năng lực lãnh đạo và ý chí.

Xuân Vũ
Theo Yale Daily News/Guardian