ĐH Lâm nghiệp Việt Nam đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực
Trường Đại học Lâm nghiệp (tên quốc tế là Vietnam Forestry University) được thành lập theo Quyết định số 127/CP ngày 19/8/1964 của Hội đồng Chính phủ, là trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó Lâm nghiệp là đầu ngành của cả nước.
Trường có uy tín về đào tạo và nghiên cứu khoa học lâm nghiệp trong khu vực Đông Nam Á.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất và mở rộng trường, năm 2009 trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, ghi nhận công lao và vị thế xứng đáng của Nhà trường. Bên cạnh thế mạnh trong đào tạo về lĩnh vực lâm nghiệp, ngay từ khi thành lập, trường cũng đã phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.
Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam cũng được thế giới biết đến như một trường đại học thuộc tốp hàng đầu ở Đông Nam Á về lĩnh vực quản lý và phát triển tài nguyên rừng, khai thác và chế biến lâm sản, bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai, quản lý kinh tế và phát triển nông thôn. Nhiều ngành đào tạo khác của trường cũng được ghi nhận ở thứ hạng cao, như ngành Công nghệ sinh học, Quản lý đất đai, Thiết kế đồ mộc và nội thất... Trung bình mỗi năm, số lượng bài báo khoa học của trường ĐHLN được đăng trên các tạp chí có uy tín ở trong và ngoài nước lên tới 75 - 80 bài.
Trường đang đào tạo 22 ngành ở bậc đại học, 5 ngành ở bậc cao học và 5 ngành tiến sĩ. Trường hiện có 14.500 sinh viên và 1200 học viên sau đại học, trong đó có sinh viên và học viên quốc tế đến từ nước Lào, Campuchia, Trung Quốc, Nhật, Đức và Hà Lan. Đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường rất đông đảo, với tỷ lệ giảng viên/sinh viên hiện tại là 1/18 (theo quy định của Nhà nước là 1/25), với trên 500 giảng viên, trong đó có trên 60 Giáo sư, Phó giáo sư, tiến sĩ và 230 thạc sĩ. Trường đang đẩy nhanh các chương trình liên kết đào tạo quốc tế với các trường đại học hàng đầu của Mỹ, Úc, CHLB Đức.
Cơ sở chính của Trường Đại học Lâm nghiệp ở Hà Nội có tổng diện tích là 177 ha. Ngoài lâm viên tuyệt đẹp có diện tích 150 ha với trên 220 loài thực vật rừng nhiệt đới, là khuôn viên trải rộng 27 ha, với 90 phòng học, 6 khu thí nghiệm, 1 thư viện điện tử hiện đại; 1 phòng tiêu bản sinh vật và 1 trung tâm kiểm định lâm sản quốc tế; có đầy đủ sân vận động, khu thể thao, nhà thi đấu, bể bơi, sân chơi, câu lạc bộ. Ký túc xá của trường gồm các căn phòng khép kín rộng 20 - 24 m2, với tổng sức chứa hơn 6000 chỗ ở. Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo của Trường là 2,9 m2/sinh viên (theo quy định của Bộ GD & ĐT là 2,0 m2/sinh viên). Có thể nói rằng, hiện nay trường ĐHLN Việt Nam là một trong những trường đại học có cảnh quan đẹp nhất và bên trong vẻ đẹp đó là môi trường tốt cho người học phát triển kiến thức, kỹ năng và nhân cách.
Cơ sở 2 của trường Đại học Lâm nghiệp ở tỉnh Đồng Nai có quy mô trên 4.000 học sinh sinh viên, có khuôn viên 18 ha tại một trong những khu vực phát triển năng động bậc nhất của Nam Bộ. Cơ sở 2 của trường ĐHLN đã và đang tận dụng rất tốt lợi thế về đội ngũ giảng viên và chỗ dựa vững chắc của cơ sở chính để khai thác các đề tài, dự án và đáp ứng tốt nhu cầu phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao của các tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên.