ĐH Harvard bị tố “kì thị sắc tộc” khi tuyển đa số SV da màu và thiểu số
(Dân trí) - Trong lịch sử nhiều thế kỉ, năm học 2017 là năm thứ 2 liên tiếp số học sinh trúng tuyển ngôi lừng danh thế giới – ĐH Harvard, phần lớn không phải là người da trắng mà là người da màu và nhóm dân tộc thiểu số (chiếm 50,8%), năm ngoái tỉ lệ này cũng khá cao 47,3%.
Chính điều này khiến Harvard đối mặt với vấn đề “kì thị sắc tộc” khi mà người da trắng có vẻ đang trở nên “yếu thế” trong lựa chọn của hội đồng tuyển sinh Harvard.
Trong tổng số 2.056 sinh viên được nhận vào học năm 2017, 50,8% số sinh viên không phải là người da trắng. Cụ thể số sinh viên người Mỹ gốc châu Á chiếm 22,2%, tiếp đó là sinh viên người Mỹ gốc châu Phi (14,6%), người La-tinh (11,6%), còn lại là người Mỹ bản địa và Hawaii (2,4%).
Điều đáng nói, trước đó Harvard lại nằm trong danh sách các trường bị cáo buộc vì cho rằng… thiên vị người da trắng hơn.
Khi đó, đại học Harvard bị kéo vào cuộc tranh cãi về chính sách nâng đỡ các thành phần thiểu số hay sắc tộc bị thiệt thòi giữa Bộ Tư pháp Mỹ và tờ báo New York Times. Bộ này cho rằng các trường đại học, trong đó có Harvard đã thiên vị cho các sinh viên da trắng.
Vụ việc này xuất phát từ đơn khiếu nại của Liên minh các nhóm người Mỹ gốc Á – Âu vào năm 2015 và nó cũng được trình lên chính quyền Tổng thống Barack Obama vào thời điểm đó. Đơn này cho rằng Harvard đã có những chính sách kì thị người Mỹ gốc Á.
Tuy nhiên, Đại học Harvard đã kịch liệt phủ nhận những cáo buộc đó và cam kết “tuyển sinh các lớp học đa dạng”.
Người phát ngôn của Harvard, bà Melodie Jackson chia sẻ: “Để trở thành các nhà lãnh đạo trong xã hội đa dạng của chúng ta, các sinh viên phải có khả năng làm việc với mọi người thuộc nhiều nền tảng khác nhau, với những kinh nghiệm sống và quan điểm sống khác nhau”.
Bà Jackson tuyên bố quy trình tuyển sinh của trường đại học luôn "xem xét, đánh giá từng ứng viên là một người tổng thể" và "phù hợp với các tiêu chuẩn pháp lý do Toà án tối cao Hoa Kỳ" ban hành.
Văn Hiền