Đề xuất nới lỏng thi cụm, bỏ chấm chéo

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT trong đó vẫn giữ nguyên cách thức thi cụm và chấm chéo. Nhưng theo ý kiến của nhiều Sở GD-ĐT thì thi cụm cần được nới lỏng, còn chấm chéo thì không nên tiếp tục thực hiện.

Không nên cứng nhắc trong thi cụm

Kỳ thi tốt nghiệp năm 2009, cả nước có 1.082 cụm trường, trong đó có 2.624 trường tham gia thi theo cụm từ 3 trường trở lên, 398 trường tham thi cụm gồm 2 trường và 161 trường thi riêng lẻ.

Cách thi tốt nghiệp theo cụm giúp cho kỳ thi khách quan nhưng cũng có những hạn chế nhất định, đặc biệt ở các tỉnh có vùng địa lý rộng, thí sinh sẽ gặp khó khăn khi đến trường dự thi. Ngoài ra, nếu mỗi trường trong cụm dạy theo các ban khác nhau thì hiệu quả thi cụm không đạt được.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Thái Nguyên đề nghị: “Bộ nên nới lỏng quy định thi cụm, cho phép các tỉnh tùy theo tình hình thực tế ở địa phương, tổ chức các cụm trường thi một cách hợp lý chứ không nên quá chặt chẽ như hiện nay”.

Chấm chéo chưa nói lên thực chất chất lượng giáo dục 

Qua một năm thực hiện việc chấm chéo bài thi tốt nghiệp giữa các địa phương đã bộc lộ một số hạn chế. Các Sở GD- ĐT để nghị Bộ bãi bỏ cách làm này vì không đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển và không đánh giá hết chất lượng thực của học sinh.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hoà cho rằng: “Khi chấm chéo những sai sót của học sinh trong quá trình làm bài thi tự luận không được chính thầy cô giảng dạy rút kinh nghiệm. Đặc biệt, kết quả chấm thi không đồng bộ ở các địa phương làm ảnh hưởng đến tỉ lệ tốt nghiệp của một số tỉnh. Trình độ giám khảo không đều làm sai lệch kết quả điểm bài thi tự luận của học sinh mặc dù đáp án, biểu điểm chấm thi là thống nhất toàn quốc. Có thể nói kết quả chấm chéo bài thi tự luận chưa nói lên thực chất chất lượng giáo dục của các địa phương”.

Được biết, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009, Bộ GD-ĐT đã tổ chức chấm thẩm định 1807 bài thi của 21 Hội đồng thi trong cả nước để rút kinh nghiệm khâu coi thi và chấm thi của các địa phương. Kết quả cho thấy, số bài chấm chênh lệch điểm so với điểm chấm của các Sở Giáo dục là 962 bài, chiếm tỉ lệ 53,2%.

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết: Độ lệch điểm giữa các bài chấm của các Sở và bài chấm thẩm định nằm trong phạm vi dung sai cho phép nhưng vẫn còn một số bài thi có biểu hiện bị chấm sai do giám khảo không phát hiện hết lỗi trong bài làm của thí sinh hoặc do cộng điểm nhầm.

Ông Nghĩa nhấn mạnh: Việc tổ chức chấm chéo bài thi tự luận giữa các địa phương cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm và có những điều chỉnh, bổ sung cần thiết để tiếp tục thực hiện và đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp 2010. 

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm