Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội:

Đề thi Ngữ văn phân hóa trình độ học sinh

(Dân trí) - Kết thúc môn thi Ngữ văn sáng nay, thí sinh thi tuyển vào lớp 10 ở Hà Nội ra khỏi phòng thi với tâm trạng khác nhau, có thí sinh nhận xét đề dễ, thí sinh nhận xét đề bình thường, có thí sinh lại cho rằng đề khó.

Đề thi Ngữ văn phân hóa trình độ học sinh - 1
Thí sinh ra khỏi phòng thi môn Ngữ văn vào lớp 10 ở Hà Nội.

Tại Hội đồng thi Trường THCS Tô Hoàng, thí sinh Đoàn Duy Mạnh cho biết: “Đề dễ, không quá khó, thời gian làm bài vừa đủ. Cả 2 tác phẩm “Chiếc lược Ngà” và “Bếp Lửa” chúng em đã được cô giáo ôn rất kỹ”.

Cũng tại hội đồng thi này, Nguyễn Thu Thủy ra về với tâm trạng rất phấn khởi khẳng định: “Bài thi của em phải được 7 - 8 điểm vì em trả lời hết được tất cả câu hỏi. Đặc biệt là phần I (7 điểm), em trúng tủ câu này”.

Đứng cạnh Thủy khi chờ người nhà đến đón, Đinh Công Xuân thở dài tiếc rẻ do không làm hoàn chỉnh được phần I của đề. Dự đoán của Xuân chỉ được khoảng 5 điểm.

Trao đổi với phóng viên, nhiều thí sinh tại hội đồng thi này cho rằng đề bình thường, không dễ, không khó cũng không quá dài, dự kiến chỉ đạt khoảng 5 - 6 điểm.
 
Đề thi Ngữ văn phân hóa trình độ học sinh - 2
Nhiều thí sinh ra về với tâm trạng không vui vì chưa làm hết bài.

Nhận định về đề thi, một giáo viên dạy Văn có nhiều năm kinh nghiệm của Trường THPT Đào Duy Từ cho biết: “Đề thi hoàn toàn nằm trong chương trình lớp 9 nhưng khó hơn năm trước. Khả năng phân loại học sinh khá cao. Để đạt được điểm 5 thí sinh cần phải nắm được kiến thức cơ bản về nội dung và nghệ thuật của 2 tác phẩm “Chiếc Lược Ngà” và “Bếp lửa” vì đây là 2 tác phẩm rất hay, thể hiện tình cảm về bà cháu, cha con rất sâu sắc.

Để đạt được điểm 6 - 7, đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng diễn đạt, cảm thụ tác phẩm. Còn để đạt được điểm giỏi, thí sinh phải có khả năng diễn đạt nhuần nhuyễn tác phẩm, lời văn phải bay bổng, thể hiện sâu sắc tình cảm nhân vật trong tác phẩm”.

Dù thời tiết tại Hà Nội sáng nay khá mát mẻ, nhiều phụ huynh đứng chờ con tại cổng trường với gương mặt khá căng thẳng. Chị Trần Mai Minh ở phố Bạch Mai cho biết: “Tôi rất lo lắng vì nếu cháu thi rớt mà phải vào học trường tư thục thì không ổn, chất lượng không tốt vì những năm học cấp III chính là tiền đề để thi vào đại học”.

Cũng đứng chờ con suốt cả buổi sáng thi, ông Vũ Chiến Tiến ở phố Huế cho biết: “Kỳ thi quan trọng thế này mà tôi thấy nó (con ông Tiến) chẳng thấy lo lắng nhiều, rất may là lực học của cháu cũng giỏi nên tôi bớt lo một phần nhưng đây là cuộc thi cạnh tranh để vào trường chứ không phải thi tốt nghiệp nên không dám chủ quan”.
 
Đề thi Ngữ văn phân hóa trình độ học sinh - 3
Phụ huynh lo lắng hỏi con có làm được bài không?
 
Chiều nay, thí sinh tiếp tục thi môn Toán. 

 

Đề thi Ngữ Văn vào lớp 10 (thời gian làm bài 120 phút) của Hà Nội năm 2010 như sau:

Phần I (7 điểm):

Cho đoạn trích: “Con bé thấy lạ quá, nó chớp mắt nhìn tôi như muốn hỏi đó là ai, mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên: Má! Má!”. Còn anh, anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy.”

(Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục 2009, tr.196)

1. Đoạn trích trên được rút từ tác phẩm nào, của ai? Kể tên hai nhân vật được người kể chuyện nhắc tới trong đoạn trích.

2. Xác định thành phần khởi ngữ trong câu: “Còn anh, anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy.”

3. Lẽ ra, cuộc gặp mặt sau tám năm xa cách sẽ ngập tràn niềm vui và hạnh phúc nhưng trong câu chuyện, cuộc gặp ấy lại khiến nhân vật “anh” “đau đớn”. Vì sao vậy?

4. Hãy viết một đoạn văn nghị luận khoảng 12 câu theo phép lập luận quy nạp làm rõ tình cảm sâu nặng của người cha đối với con trong tác phẩm trên, trong đoạn văn có sử dụng câu bị động và phép thế (gạch dưới câu bị động và những từ ngữ dùng làm phép thế).

Phần II (3 điểm)

Bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt được mở đầu như sau:

“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.”

(Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục 2009, tr.143)

1. Chỉ ra từ láy trong dòng thơ đầu. Từ láy ấy giúp em hình dung gì về hình ảnh “bếp lửa” mà tác giả nhắc tới?

2. Ghi lại ngắn gọn cảm nhận của em về câu thơ: “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.”

3. Tình cảm gia đình hòa quyện với tình yêu quê hương đất nước là một đề tài quen thuộc của thơ ca. Hãy kể tên 2 bài thơ Việt Nam hiện đại trong chương trình Ngữ văn 9 viết về đề tài ấy và ghi rõ tên tác giả.

 
Hồng Hạnh