Đề thi Ngữ văn khối C và D khó ngang nhau

(Dân trí) - Theo nhận xét của cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), điểm mới của đề thi đại học năm nay là xuất hiện câu hỏi đọc hiểu trong cả đề Ngữ văn khối C và D.

Theo cô Trịnh Thu Tuyết, đề thi môn Ngữ văn khối C, D năm nay có cấu trúc theo đúng định hướng đổi mới của Bộ GD-ĐT. Điểm thay đối rõ nhất nằm tại câu 1 (2 điểm) ở cả đề khối C và D; thay vì câu hỏi tái hiện kiến thức như mọi năm thì đề khối C, D năm nay đều là các câu hỏi đọc hiểu với những yêu cầu cụ thể về kiến thức Tiếng Việt và cảm nhận.

Trong đề thi năm nay cả khối C và khối D đều có phần yêu cầu về kiến thức và kỹ năng thuộc chương trình phổ thông. Đặc biệt, riêng câu hỏi đọc hiểu đã có sự tích hợp, xâu chuỗi kiến thức Tiếng Việt từ bậc trung học cơ sở (THCS) đến trung học phổ thông (THPT). Đề thi không làm khó học sinh về sự mới lạ vì đã có sự chuẩn bị khá kĩ trong suốt thời gian qua. (Ví dụ như: Ngữ liệu đọc hiểu được lấy trong các bài đọc thêm của chương trình)

Tính chất mở của đề bài cũng được thể hiện trong cả 3 câu hỏi. Nhưng nếu câu 1 được định hướng trong những yêu cầu cụ thể thì câu 2 và câu 3 đã dành cho học sinh một khoảng không gian khá rộng cho tư duy, cảm xúc, suy tưởng.

Đối với đề thi cả hai khối C, D, câu 1: Câu hỏi đọc hiểu, sử dụng ngữ liệu đọc hiểu là 2 đoạn thơ trong 2 bài đọc thêm của sách Ngữ văn lớp 12 cơ bản; các câu hỏi đọc hiểu đều yêu cầu học sinh phải huy động kiến thức trong Tiếng Việt học từ THCS đến THPT như: các biện pháp tu từ, phép điệp, từ láy, phương thức biểu đạt… và đích hướng đến cuối cùng vẫn là những yêu cầu cảm nhận văn bản.

Câu 2: Cả khối C, khối D đều thuộc dạng nghị luận xã hội về 1 tư tưởng đạo lí.

-Khối D: Đề cập đến một cách sống, một phương châm riêng đầy mới mẻ của con người hiện đại: sự tích cực, thẳng thắn, trung thực; tạo ra động lực cho sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Đây là những điều mà mọi người đều thấy là lẽ công bằng trong cuộc sống của một xã hội hiện đại. Tuy nhiên, cụm từ “luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh” đã trở thành khoảng trống giúp thí sinh bày tỏ được suy nghĩ của mình. Đây là dạng đề hay với câu hỏi mang tính hiện đại.

-Khối C: Đề thi đưa ra quan niệm không mới nhưng rất nhân văn về “kẻ mạnh” và cái hay của đề không phải sự mới mẻ trong vấn đề mà nằm trong phần lệnh khi yêu cầu học sinh suy nghĩ về sức mạnh chân chính của mỗi con người trong mỗi quốc gia. Đây không phải là một dạng đề mới nhưng giúp thí sinh có những liên tưởng trực tiếp về vấn đề thời sự nóng hổi của đất nước cũng như về cách ứng xử trong cộng đồng.

Câu 3: Cả hai khối C và D đều là câu hỏi bình luận các ý kiến trái chiều hoặc phiến diện trên cơ sở những cảm nhận về một hình tượng văn học cụ thể.

-Khối C: Tùy bút “Ai đã đặt tên cho dòng sông” là tác phẩm mang đậm chất thơ đòi hỏi sự cảm nhận tinh tế của người đọc. Hai ý kiến đều bổ sung vẻ đẹp của sông Hương, không làm khó học trò nhưng đòi hỏi cảm nhận rất tinh tế về ngữ liệu.

-Khối D: Bài “Đàn ghi-ta của Lor-ca” là một bài thơ mới được tuyển chọn vào chương trình. Đây là một bài thơ được viết theo trường phái siêu thực - tượng trưng vốn rất mới lạ với người đọc Việt; hai ý kiến của đề bài lại phiến diện đòi hỏi tư duy sắc xảo, tỉnh táo của học trò trong quá trình luận bàn.

Cô Tuyết cho hay, phổ điểm chung cho đề thi khối C, D năm nay nằm trong khoảng 6-7 điểm. Mức độ khó của cả hai đề khối C và D có thể coi là tương đương nhau.

Hồng Hạnh (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm