Đề thi mở mà không mở...

Ngay sau khi giáo viên coi thi kết thúc đề, trong vòng hai phút, không khí phòng thi cực kỳ sôi động vì hầu hết sinh viên đều ngạc nhiên và tỏ ra hứng thú đặc biệt với đề thi này.

“Tại sao phải giảng dạy văn học trong trường phổ thông? Trong một kỳ thi, một học sinh đã viết: “Em không thích tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, nhiều người đã không đồng tình, ý kiến của anh (chị) thế nào?”.

 

Đó là toàn bộ đề thi môn lý luận văn học dành cho sinh viên (SV) lớp báo chí K03 khoa ngữ văn và báo chí ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TPHCM) trong kỳ thi học kỳ II vừa qua.  

 

Ngay sau khi giáo viên coi thi kết thúc đề, trong vòng hai phút, không khí phòng thi cực kỳ sôi động vì hầu hết SV đều ngạc nhiên và tỏ ra hứng thú đặc biệt với đề thi này. Thời gian làm bài cũng là thời gian các SV độc lập “tung hoành” trên giấy quan điểm, góc nhìn, nhận định của cá nhân về những vấn đề rất “nóng” của giáo dục nước nhà.

 

Những cuộc tranh luận trước giờ học, những bài viết, diễn đàn trên các phương tiện truyền thông đại chúng về vấn đề giảng dạy văn học trong trường phổ thông và “bài văn lạ” trở thành những nguyên vật liệu quí giá để SV thể hiện bài thi. Các giáo viên cũng cảm thấy hết sức nhẹ nhàng trong thời gian coi thi nhờ tính chất “không mở mà mở” của đề.

 

Trước giờ thi môn lý luận văn học, không ít SV mang tâm lý nặng nề vì khối lượng kiến thức cần “nạp” của môn học này đậm tính hàn lâm, nền tảng và hệ thống. Nếu không có thái độ nghiêm túc, kiên nhẫn trong quá trình tiếp thu, việc hiểu một cách mơ hồ, vụn vặt về những vấn đề mà giáo trình chính dày hơn 300 trang nêu ra là điều khó tránh khỏi.

 

Kết thúc buổi thi, các SV vẫn tiếp tục tranh luận quyết liệt về “bài văn lạ” và tính chất đề thi. Một vài SV phát biểu: “Biết đề thế này, khỏi học bài cho đỡ khổ!”. Ngay lập tức nhiều ý kiến phản đối: nếu không hiểu cặn kẽ các chức năng của văn học, từ đó đi đến hiểu vai trò to lớn của văn học trong đời sống con người thì không thể trả lời các câu hỏi một cách thuyết phục. Giảng viên đã trao cho SV con dao lý luận và sự thành công hay thất bại của “ca mổ đề” hoàn toàn phụ thuộc vào tay nghề, tài năng, bản lĩnh và cả vốn hiểu biết về cuộc sống do quá trình kiên trì tích lũy của SV.

 

Kỳ thi học kỳ đã qua nhưng ấn tượng về đề thi môn lý luận văn học vẫn còn đậm trong các SV. Điều duy nhất chúng tôi muốn nói là: “Chúng tôi thích những đề thi như thế!”.

 

Theo Đào Trung Uyên

Tuổi Trẻ