Để phụ huynh không chạy nhầm "trường điểm"
Từ nhiều năm nay, dư luận xã hội hết sức bức xúc về vấn đề chạy trường điểm vào đầu mỗi năm học trong khi như thế nào là một trường điểm, một trường có chất lượng thì lại là những khái niệm mơ hồ đối với nhiều bậc phụ huynh.
Ngày 22/9, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội đã ký Quyết định số 1775/QĐ-SGD-ĐT ban hành quy định tạm thời về kiểm định chất lượng giáo dục trường phổ thông TP Hà Nội. Với quy định này, Hà Nội là đơn vị đầu tiên và duy nhất hiện nay thực hiện việc đánh giá chất lượng các trường phổ thông theo tiêu chuẩn.
Học sinh thi đậu nhiều có phải là trường điểm?
Tiêu chí đầu tiên và có thể cũng là duy nhất để đánh giá một trường chất lượng theo cách nghĩ của phần lớn cha mẹ học sinh, là nhìn vào tỷ lệ học sinh trường đó lên lớp 10 hay thi được vào đại học càng cao thì có nghĩa trường đó "tốt". Một chuyên gia trong ngành giáo dục phải thốt lên: "Nếu cha mẹ chỉ để tâm đến kết quả mà không biết trong trường đó có những hoạt động gì thì nhà trường đó không khác gì "máy xay". Nếu các trường chỉ quan tâm dạy chữ thôi sẽ cho ra xã hội rặt một loạt "gà công nghiệp". Kiến thức quan trọng, nhưng dạy cho học sinh làm người còn quan trọng hơn".
Căn cứ vào chỉ tiêu năm học của Bộ Giáo dục - Đào tạo, căn cứ vào các văn bản hiện hành về giáo dục và dựa vào những kinh nghiệm của các nhà giáo dục, Sở GD - ĐT Hà Nội đã mạnh dạn xây dựng những tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mà mục đích đầu tiên là chuẩn hóa lại các quan hệ trong nhà trường như chuẩn hóa về quản lý, về cơ sở thiết bị, về phương pháp dạy về trình độ dạy, kiến thức dạy, và chuẩn hóa cách giáo dục truyền thống về sức khỏe, về văn hóa thẩm mỹ... để từ đó nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường phổ thông.
Đánh giá xếp loại chất lượng các trường dựa trên 2 nguyên tắc: Hội đồng kiểm định đối chiếu từng chỉ số giáo dục với thực tế tương ứng của nhà trường, cho điểm từng chỉ số; Khi tiến hành kiểm định, các thành viên của hội đồng tiếp xúc với đông đảo cán bộ giáo viên, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương... để có số liệu chính xác nhất. Các mức đánh giá: Tốt: từ 900 điểm trở lên, được chia làm 2 mức. Mức 1 từ 950 đến 1.000 điểm. Mức 2 từ 900 đến 950 điểm; Khá: từ 750 điểm trở lên, được chia làm 3 mức. Mức 1 từ 850 điểm đến 900 điểm. Mức 2 từ 800 đến 850 điểm. Mức 3 từ 750 đến 800 điểm. Đạt yêu cầu: từ 600 điểm trở lên, được chia làm 3 mức. Mức 1 từ 700 đến 750 điểm. Mức 2 từ 650 đến 700 điểm. Mức 3 từ 600 đến 650 điểm. Dưới 600 điểm không đạt yêu cầu. |
Các tiêu chuẩn kiểm định
Các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm 5 tiêu chuẩn, 16 tiêu chí và 85 chỉ số giáo dục thành phần. Kèm theo từng tiêu chí đánh giá có điểm tương ứng. Cụ thể, 5 tiêu chuẩn kiểm định gồm: 1- Tổ chức và quản lý nhà trường gồm 4 tiêu chí, 28 chỉ số, điểm tối đa 200; 2- Đội ngũ cán bộ giáo viên gồm 5 tiêu chí, 22 chỉ số, điểm tối đa 200; 3- Cơ sở vật chất gồm 3 tiêu chí, 17 chỉ số, điểm tối đa 150; 4- Các hoạt động xã hội gồm 2 tiêu chí, 4 chỉ số, điểm tối đa 50; 5- Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh gồm 4 tiêu chí, 13 chỉ số, điểm tối đa 400. Việc thẩm định sẽ dựa vào những tiêu chí các trường thực hiện để tính điểm.
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều Đặng Đình Đại cho rằng: "Sự ra đời các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục là một nỗ lực rất lớn của Sở GD-ĐT Hà Nội. Đặc biệt, các hoạt động trong nhà trường được quan tâm hơn. Lần đầu tiên có một "thước đo" chung không ưu tiên cho một trường nào, và cũng chính thước đo ấy sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường. Bản thân tôi trước đây cũng tin trường mình mạnh nhưng khi soi vào các tiêu chí cũng thấy vô khối điểm chưa đạt yêu cầu".
Dự kiến đầu tháng 10/2005, Sở GD - ĐT Hà Nội sẽ ban hành Hướng dẫn thực hiện Quy định tạm thời các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục trường phổ thông...
Theo Thu Hồng
Thanh Niên