Để con không đứng bên lề cách mạng 4.0
(Dân trí) - Thật khó có thể tưởng tượng cuộc sống của chúng ta hàng ngày sẽ ra sao khi không có những công nghệ hiện đại hỗ trợ. Chính sự lệ thuộc này lại gây cho chúng ta nỗi ám ảnh của những tác hại do nghiện công nghệ gây nên và tự đặt ra câu hỏi:Có nên cho con cái của chúng ta sử dụng thiết bị điện tử?
1. Công nghệ đã thay đổi cuộc sống của chúng ta một cách toàn diện:
Sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống đã khiến thói quen của con người thay đổi hoàn toàn. Các luồng thông tin đến và đi, vào và ra dồn dập và đa chiều, đưa đến cho chúng ta những trải nghiệm mới mẻ chưa từng có. Công nghệ hiện đại cũng mở ra cơ hội để mỗi người trở thành công dân toàn cầu. Sự xuất hiện của mạng xã hội cũng đã tạo ra những cộng đồng mới, không bị giới hạn bởi địa lý, văn hóa, tôn giáo…Những ứng dụng tiện ích của công nghệ cũng đã khiến cuộc sống của chúng ta thuận tiện hơn rất nhiều: mua hàng online, thanh toán điện tử, khám chữa bệnh từ xa, học từ xa...
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã mang đến những bước tiến vượt bậc cho xã hội loài người, nhưng đồng thời cũng làm chúng ta phải đối mặt với những thử thách mới: Các mối quan hệ huyết thống (đặc biệt là mối quan hệ huyết thống xa) có thể dần được thay thế bằng những mối quan hệ ảo khác trên mạng xã hội với những con người có thể chưa từng gặp lần nào. Kinh nghiệm, trải nghiệm và cả hệ giá trị cũng sẽ dần bị thay đổi theo do sự thay đổi không ngừng của thời cuộc. Sự lệ thuộc ngày càng thường xuyên hơn vào công nghệ sẽ không từ một ai, khiến con người ngày càng trở nên lười vận động, mắt kém, chân tay yếu, hạn chế giao tiếp. Việc quá nhiều thông tin, trong đó có cả những thông tin độc hại thiếu kiểm soát ồ ạt đến với trẻ và đa số trẻ chưa kịp hình thành hệ giá trị, chưa tự kiểm soát được mình dễ dẫn đến nhận thức sai lệch nếu bố mẹ không kịp “học” để định hướng...
Những khó khăn trong việc nuôi con thời đại công nghệ cũng là những khó khăn mới mà giờ đây chúng ta mới phải đối diện. Và chúng ta, không có cách nào khác là phải học hỏi và cập nhật không ngừng; bởi vì giờ đây, ngoài tình thương yêu thì hành trang làm cha mẹ của chúng ta dường như quá ít ỏi. Liệu cách mạng công nghệ có phải là một hiểm họa và ta cần phải đứng bên lề của nó?
2. Cần phải chuẩn bị gì cho con chúng ta trong cuộc cách mạng công nghệ này?
Thực trạng cấp bách từ cách mạng 4.0 đặt ra câu hỏi lớn: Liệu cách giáo dục truyền thống của đa số cha mẹ Việt hiện nay có thể giúp con có sự chuẩn bị tốt nhất trong thời đại mới? Chỉ vài năm nữa, các em sẽ bước vào cuộc chiến thật sự. Việc thiếu hụt khả năng tự lập, tự học hỏi và đổi mới đẩy thế hệ trẻ vào nhiều thử thách khi phải đối đầu với sự thông minh của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo.
Những năm gần đây, các quốc gia trên thế giới bắt đầu chuẩn bị cho thế hệ mới sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Năm 2016, khi còn đương nhiệm Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký ngân sách 4 tỷ USD đầu tư việc giảng dạy khoa học máy tính cho học sinh các trường tại Mỹ; năm 2017, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tham gia lập trình để cổ vũ khích lệ cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin;... và sang năm 2020, lập trình máy tính sẽ là môn học bắt buộc tại các trường tiểu học của Nhật Bản.
Để con cái của chúng ta thực sự trở thành người làm chủ của xã hội, chúng ta không được phép hoảng sợ mà cần có những bước chuẩn bị cho con ngay từ bây giờ:
- Không nên cấm con sử dụng các thiệt bị điện tử: Nếu không biết sử dụng thiết bị điện tử, không biết cách tận dụng các ứng dụng của công nghệ, tương lai con của chúng ta sẽ dậm chân tại chỗ nhìn bạn bè thế giới phát triển. Vấn đề kiểm soát, định hướng các con sử dụng và tìm kiếm các thông tin, vấn đề sử dụng thời gian nào, với tần suất bao nhiêu cho hợp lý mới là điều cha mẹ nên thực sự quan tâm và cân nhắc. Các con còn rất bé, thường háo hức tò mò với cái mới, và thường cái gì bị cấm lại càng gây ức chế tinh thần, sinh ra những mong muốn khó kiểm soát. Trong khi chờ các con đủ lớn để có đủ nhận thức và năng lực kiểm soát hành vi, chúng ta nên dành thời gian cùng con học sử dụng các thiết bị, chia sẻ với các con những mặt lợi và mặt hại của nó, đồng thời hướng dẫn con biết tận dụng các công nghệ đó để phục vụ cho việc học tập và cuộc sống. Những quan điểm sống, những thói quen lành mạnh không thể đến từ vài lời giáo huấn giáo điều, mà cần được thể hiện qua việc làm, việc rèn luyện qua nhiều năm, đặc biệt từ giai đoạn thiếu niên đến giai đoạn trưởng thành.
- Nên có những quy định cụ thể về thời gian, không gian sử dụng các thiết bị điện tử và những vùng cấm phải tuyệt đối tuân thủ. Mỗi bố mẹ cần phải làm gương trước cho con, đồng thời cũng cần trở thành bạn đồng hành cùng con trong quá trình tìm hiểu và sử dụng công nghệ. Những hoạt động này vừa làm tăng cường mối liên hệ ruột thịt trong gia đình, đồng thời còn giúp cho cha mẹ hiểu về những sở thích của con, kịp thời có sự hướng dẫn và điều chỉnh nếu thấy cần thiết.
- Trên thực tế, việc tiếp xúc với công nghệ thông tin và khoa học máy tính sớm giúp trẻ hình thành tư duy về máy tính, công nghệ và các kỹ năng quan trọng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Qua đó, học sinh ứng dụng các kiến thức đã học vào tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong kỷ nguyên của Trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT). Đồng thời đây cũng là cơ hội định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
- Nên đặt ra những mục tiêu cụ thể cho con trong việc học tập, sử dụng các phần mềm kiểm soát việc học tập và giao những nhiệm vụ cho con cần phải hoàn thành khi sử dụng công nghệ. Hiện nay có rất nhiều phần mềm hỗ trợ học tập, nghiên cứu, với nhiều hình thức thể hiện hấp dẫn mọi giác quan, có thể thu hút sự chú ý của trẻ đối với nội dung bài giảng. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể cài đặt các phần mềm hẹn giờ, bật các nút chặn kênh hay đăng ký các gói kiểm soát trang web đen của nhà mạng để hạn chế thời gian và các thông tin độc hại. Tuy vậy, điều quan trọng nhất vẫn là cần rèn cho con nội lực để con có thể tự kiểm soát bản thân, xây dựng cho con những sở thích và thói quen lành mạnh, biết sống có mục tiêu, hiểu được giá trị của Chân - Thiện - Mỹ.
- Sự phát triển nhanh như vũ bão của công nghệ, của thông tin đã khiến cho bản thân chúng ta và con chúng ta cần phải có tốc độ xử lý nhanh chóng nếu không muốn bị trở thành lạc hậu trước thời cuộc. Những kiến thức mà hôm nay chúng ta dạy con có thể đã trở thành lạc hậu chỉ trong một vài năm nữa. Nhưng những kỹ năng tự học hỏi, tự thích nghi và tự hoàn thiện là những kỹ năng có thể rất hữu ích trong cuộc cách mạng này. Hãy cho con cơ hội để con được tự mình tìm hiểu tận gốc vấn đề, tự rút ra những bài học và hướng xử lý trong các tình huống giả định, tình huống thực tế, hãy chấp nhận những tư duy phản biện để con có những cơ hội được tự trải nghiệm. Đây chính là con đường để các con tự hoàn thiện kỹ năng sống trong mọi hoàn cảnh.
Đôi khi trong hành trình đồng hành cùng con vào cuộc cách mạng 4.0 này bố mẹ có thể cảm thấy bị hụt hơi do phải học hỏi thêm quá nhiều thứ, luồng thông tin và tốc độ tiếp cận của trẻ cũng phát triển quá nhanh. Nhưng không còn cách nào khác, bản thân bố mẹ cũng phải cố gắng, nỗ lực và tự học. Không nên để con mình cô đơn và phải tự loay hoay tìm kiếm các câu trả lời đầy mâu thuẫn của cuộc sống. Các cha mẹ cần phải đồng hành cùng con, định hướng cho con, đồng thời, cũng cần chọn đúng thời điểm để tự buông tay con để con khôn lớn.