Để cân bằng việc Học - Làm - Chơi khi du học
(Dân trí) - Du học là để học, hỏi và nghiên cứu nhằm có thêm kiến thức, kỹ năng tốt cho bản thân cũng như hình thành thái độ tốt trước nhiều việc. Tuy nhiên, du học không chỉ là học ở giảng đường mà còn cần làm, nên đi nhiều nơi để học thêm, mở rộng tầm hiểu biết.
Vậy, làm sao để “cân bằng” việc học, công việc làm thêm cũng như đi du lịch khi mà thời gian một ngày chỉ có 24 giờ?
1. Học: Đây là “nhiệm vụ trọng tâm” cho những ai đi du học. Học để có kiến thức, hình thành được những kỹ năng cho nghề nghiệp trong tương lai, nâng cao được khả năng sử dụng ngoại ngữ và dễ dàng hơn trong việc “ứng cử” vào các vị trí việc làm.
Việc học ở môi trường nước ngoài tất nhiên là không dễ dàng, nhất là trong thời gian đầu khi chưa làm quen với phương pháp giảng dạy của giảng viên cũng như khả năng ngoại ngữ còn hạn chế. Bên cạnh đó là những thói quen cũ trong học tập từ khi còn ở Việt Nam đã làm ảnh hưởng để kết quả học tập cũng như nghiên cứu khi mới sang nước ngoài.
Điều đầu tiên là bạn cần có những người định hướng trong học tập, giúp đỡ trong từng môn, giảng giải từng nội dung và chính giảng viên cũng như người hỗ trợ sinh viên (Tutor) sẽ làm việc này chứ không ai khác. “Không thầy đố mày làm nên” mà. Nhưng, thời gian lên lớp cho 1 môn học hay một Seminar thường không nhiều và việc còn lại, thời gian còn lại là ở bạn “xử lý” nó.
Đừng quên việc hỏi bạn nhé. Hỏi tức là bạn đã có những suy nghĩ cho một vấn đề nào đó nhưng chưa hiểu. Nên hỏi càng nhiều càng tốt và cố gắng tiếp cận giảng viên, bạn học để hỏi. Bạn hỏi nhiều thì bạn sẽ biết nhiều và cũng “vỡ” ra nhiều điều mà bạn tưởng như đã rõ nhưng thực tế thì vẫn còn khá mơ hồ.
Và quan trọng nhất là tự học. Trong một môi trường tự do, đề cao tính tự lập nhưng nếu thiếu người “giám sát” như ở Việt Nam thì nhiều bạn cũng dễ dàng “trượt dốc”. Tự học vì các bạn đi du học phần lớn đã qua tuổi trưởng thành nên không thể quản lý và nhắc nhở như học sinh tiểu học được. Thời gian tự học không thiếu, môi trường để tự học cũng rất nhiều và bạn nên hình thành thói quen đó ngay từ khi vừa sang nước ngoài.
2. Làm: Ở đây chính là làm thêm. Phần lớn những ai đi du học đều quan tâm đến vấn đề này. Làm thêm để có ít thù lao nhằm trang trải cho việc học ở nước ngoài nhiều tốn kém hoặc để có tiền và đi du lịch đó đây. Tất cả đều rất đáng trân trọng.
Khi làm thêm, dù là công việc bán thời gian ở các tiệm ăn, nhà hàng hay những công việc ở trường thì đều đem lại những trải nghiệm và thêm nhiều kiến thức, hiểu biết cho mỗi người mà trong giáo trình, sách vở không có.
Điều quan trọng là bạn cần sắp xếp hợp lý để việc làm không ảnh hưởng nhiều đến việc học và cũng đừng quá ham làm thêm mà quên đi sức khỏe của bản thân cũng như “nhiệm vụ hàng đầu” khi đi du học. Nên làm vào cuối tuần hoặc vào những kỳ nghỉ vì thời gian đó, việc học không phải là áp lực nhiều.
3. Chơi: Sinh viên học ở đâu và đến từ nước nào thì ngoài giờ học, nghiên cứu cũng muốn có thời gian để đi du lịch, tham quan cảnh đẹp cũng như ghi lại những khoảnh khắc của một thời tuổi trẻ. Bạn cũng vậy, đúng không nào?
Đi du lịch với bạn bè cùng nhóm, đi tham quan một mình, dạo phố lúc về đêm, vào những dịp lễ hội hay về các vùng quê,... thì tất cả đều có thể bổ sung kiến thức cho chính bạn. Ở các nước phát triển thì việc đi lại càng dễ dàng hơn, nhiều nước thuộc liên minh châu Âu chẳng hạn thì chỉ cần bạn có Visa của 1 nước thành viên là có thể “lên đường”.
Bên cạnh đó, để làm quen với văn hóa nơi bạn sinh sống và học tập cũng như các nước lân cận thì không chỉ đi du lịch mà bạn cũng nên tham gia các lễ hội tại địa phương cũng như tại trường. Nhiều trường có những ngày như “Ngày sinh viên châu Á” hay “Ngày sinh viên châu Phi” và bạn sẽ có thêm nhiều cơ hội để hiểu về văn hóa, ẩm thực nước ngoài.
Học, làm và chơi sẽ bổ sung kiến thức cho nhau và giúp bạn trưởng thành hơn qua nhiều việc như vậy. Để “dung hòa” những việc như vậy, bạn cần có 1 lịch trình rõ ràng. Thời gian sẽ không chờ đợi vì vậy bạn đừng để vuột mất những cơ hội có được vì nó sẽ giúp ích nhiều cho bạn ngay cả ở hiện tại cũng như trong tương lai.
Nguyễn Quốc Vỹ
DHS Đức – nguyenquocvy@gmail.com