Đề án thu hút người tài của TPHCM: Trong 3 năm chỉ thu hút 15 người tài
(Dân trí) - Mặc dù cách đây 4 năm, TPHCM đã chủ động thực hiện chủ trương thu hút nhân tài đặc biệt, nhưng thực tế hiệu quả mang lại cũng chưa cao. Giai đoạn 2014-2017 chỉ thu hút được 15 chuyên gia về nhưng đến nay 5 trong số đó đã rút về.
Chiều ngày 5/9, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án về chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực TPHCM có nhu cầu giai đoạn 2018-2022.
20-30 triệu đồng/tháng khó thu hút nhân tài đặc biệt
Tại hội nghị này, các chuyên gia đã chỉ ra sự thất bại trong chính sách thu hút nhân tài mà nhiều địa phương thực hiện. PGS. TS Phạm Văn Biên, Hội Sinh học TPHCM, cho rằng nhiều địa phương đã từng có chính sách trải thảm đỏ chi hẳn nghìn tỉ đồng cho việc thu hút nhân tài nhưng nhìn lại thì kết quả thu được rất khiêm tốn. Do đó, theo ông Biên, trước khi đưa ra văn bản mới cần nghiêm túc xem xét thấu đáo lại nguyên nhân và cần tháo gỡ vướng mắc như thế nào để không trượt tiếp trên vết xe cũ.
Ông Biên nêu ví dụ tại TPHCM trong giai đoạn 2014-2017 dù đã có chủ trương này nhưng chỉ thu hút được 15 chuyên gia trong đó 2 người Việt Nam, 8 Việt kiều, 5 người nước ngoài. Hiện 5 người đã rút, còn 10 người nhưng làm việc hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, ông Biên cũng băn khoăn với chế độ đãi ngộ được đưa ra trong đề án của TPHCM. “Thu hút người tài năng đặc biệt mà mức sinh hoạt phí chỉ 20-30 triệu đồng gồm lương và các phụ cấp?”, ông Biên đặt câu hỏi.
Theo ông, việc tìm kiếm tài năng đặc biệt là đúng nhưng cần phải có chính sách phát huy năng lực của hàng triệu người đang lao động mới quan trọng.
TPHCM vừa công bố Đề án về chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực thành phố có nhu cầu giai đoạn 2018-2022.
Theo đó, người có tài năng đặc biệt khi được tuyển dụng sẽ được hưởng nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn như áp dụng mức hỗ trợ ban đầu (chỉ áp dụng 1 lần và áp dụng cho lần đầu tiên) là 50 triệu đồng, hàng tháng sẽ được hỗ trợ sinh hoạt phí từ 20-30 triệu đồng.
Ngoài ra, đối với các vị trí thu hút để thực hiện sản phẩm, công trình cụ thể, cứ mỗi một đề án, đề tài nghiên cứu hoặc tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật - thể dục, thể thao từ cấp TP trở lên được phê duyệt, công nhận thì được hưởng mức tiền thưởng bằng 1% tổng kinh phí ngân sách thành phố chi trả cho công trình đó. Giá trị tiền thưởng không thấp hơn 50 triệu đồng/người/công trình và tối đa là 1 tỷ đồng.
Đồng tình với quan điểm này, nghệ sĩ Quyền Linh cho rằng, nhân tài đặc biệt thì không ai lãnh lương 30 triệu đồng/tháng vì bản thân họ có thể làm ra hàng trăm triệu đồng. Theo ông Linh thì cần chính sách hỗ trợ nhiều hơn”.
Liên quan đến chế độ đãi ngộ, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, cho rằng mức thu nhập cho người có tài năng đặc biệt là tương đối đảm bảo tốt cuộc sống. Chế độ đãi ngộ chính là mức thưởng với đối tượng này.
“Bài toán khó nhất khi đưa ra đề án này là giải quyết thu nhập cho những người đang trong biên chế so với người tuyển mới để phát huy được sức mạnh tổng thể. Nếu không, một người tài vào làm trong cơ quan không hợp tác thì không giải quyết được gì”, ông Lắm nói.
Người tài đặc biệt sao phải thi tuyển?
Tại hội nghị, nghệ sĩ Quyền Linh cũng đề xuất rằng nên gọi là “người có tài năng” thay vì “người tài năng đặc biệt”. Ông lý giải, vì người có tài năng thì nhiều nhưng tài năng đặc biệt không bao nhiêu và việc nhận diện tài năng đặc biệt không khó, ví dụ Quốc Cơ và Quốc Nghiệp chắc chắn là những người có tài năng đặc biệt. Đồng thời, ông Linh cho rằng cần cơ chế để mời người tài chứ không phải qua thi tuyển.
Tương tự, GS. TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM, đề nghị việc tuyển chọn không nên quá khắt khe. Cần có cách để thẩm định năng lực mềm dẻo chứ không răm rắp như quy chế tuyển chọn công chức. Chẳng hạn với lực lượng nghiên cứu khoa học, cần xem xét những gì họ thể hiện sau bằng cấp, mối liên hệ với đời sống thực tế.
“Nếu những nghiên cứu của một giáo sư mà gắn liền với thành phố sẽ quý hơn những bài báo quốc tế có chỉ số ảnh hưởng lớn. Cần liên hệ ứng dụng cho thực tế đất nước mà vẫn có công bố quốc tế thì mới là tài năng”, GS Sơn nói.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, kiến nghị thay vì đầu tư ngân sách nhà nước đào tạo bồi dưỡng nhân tài thì chính quyền chỉ cần đặt ra những điều kiện hỗ trợ làm chất xúc tác như cho vay với chính sách ưu đãi đặc biệt.
“Dự án có những chính sách hỗ trợ nhưng theo tôi việc giữ chân nhân tài quan trọng hơn nhiều. Thu nhập chưa phải yếu tố quan trọng giữ chân người tài mà cần đặt họ vào đúng vị trí phù hợp, môi trường hấp dẫn để phát huy tối đa sự sáng tạo”, ông Hậu nói.
Lan Phương