Dạy trước vào lớp 1: Cấm cứ cấm, dạy cứ dạy

“Lệnh cấm” dạy chữ trước cho học sinh lớp 1 đã được Bộ GDĐT ban hành từ năm 2013, nhưng cứ đến dịp hè, nhiều bậc phụ huynh lại âm thầm ép con thực hiện “mục tiêu”: Biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1.

Nôn nóng con biết chữ

Chưa vào hè, Sở GDĐT Hà Nội đã sớm có công văn yêu cầu các trường không được dạy trước chương trình của năm học mới, không dạy chữ trước cho học sinh lớp 1… Tương tự, để “siết” việc dạy trước chữ cho học sinh, trong công văn hướng dẫn thực hiện việc tuyển sinh vào lớp 1 năm học 2015 – 2016, Sở GDĐT Khánh Hòa đã nghiêm cấm Phòng GDĐT huyện, thị xã, các trường tiểu học khảo sát trình độ của trẻ trước khi vào lớp 1 và dạy theo số đông đã biết chữ mà bỏ rơi những học sinh khác.

Thay vì học chữ nên trang bị cho trẻ các kỹ năng trước khi vào lớp 1. (Ảnh minh hoạ: Đàm Duy)
Thay vì học chữ nên trang bị cho trẻ các kỹ năng trước khi vào lớp 1. (Ảnh minh hoạ: Đàm Duy)

Nhiều năm gần đây, các công văn “cấm dạy chữ sớm cho trẻ sắp vào lớp 1” giống như hoạt động “đến hẹn lại lên” của các Sở GDĐT. Tuy nhiên, việc cấm cứ cấm, còn việc thực hiện hay không lại là chuyện khác.

Con trai thứ 2 của chị Hoàng Thị Luyến, quận Lê Chân (Hải Phòng) còn 1 năm nữa mới vào lớp 1 nhưng hiện tại đã thuộc hết bảng chữ cái, biết đánh vần một số chữ cơ bản, cộng trừ phạm vi 10. Đây là “thành quả” của gần 1 năm chị cho con đi học thêm tại nhà giáo viên mỗi dịp cuối tuần. Chị Luyến cho biết: “Rút kinh nghiệm từ đứa đầu không cho đi học chữ trước, vào lớp 1 con không theo kịp các bạn, suốt ngày bị cô giáo phàn nàn, suốt năm lớp 1 lúc nào cháu cũng tự ti và tỏ thái độ chán đi học. Bây giờ mẹ nào cũng cho con đi học trước, con mình không học không được”.

Trong khi đó, một số phụ huynh có con học tại Trường Mầm non thực hành Hoa Sen (thuộc Trường CĐ Sư phạm Hải Dương) cho biết, học sinh lứa 4-5 tuổi của trường này đã được học chữ, hết 5 tuổi thì các cháu đã biết đọc thông viết thạo. Theo nhiều phụ huynh, đây cũng là lý do trường này năm nào cũng thu hút được rất nhiều hồ sơ xin học.

Tuy nhiên khi nhận được phản ánh, bà Phan Thị Thanh Thảo – Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GDĐT Hải Dương) cho biết, Sở chưa nhận được phản ánh về thực trạng này. “Chủ trương cấm không dạy chữ trước cho trẻ mầm non đã được quán triệt từ đầu các năm học. Nếu phát hiện vi phạm chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý” – bà Thảo nói.

Mệt vì “can” phụ huynh

Cô Vũ Thị Lan Hương – giáo viên trường Mầm non Hòa Trung (TP.Cao Bằng) cho biết đã không ít lần phải can ngăn những phụ huynh có ý định tìm lớp cho con học chữ trước lớp 1: “Học hết mầm non giáo viên chỉ cần cho trẻ làm quen với bảng chữ cái và các con số thông qua các trò chơi nhận biết là đủ. Con tôi cũng đã từng trải qua giai đoạn này nên biết, nếu biết chữ trước các con có thể vượt trội lúc ban đầu nhưng chỉ sau học kỳ 1 là tất cả sẽ giống nhau. Hơn nữa, nếu biết trước con sẽ có tâm lý chủ quan, không chịu học, nề nếp ban đầu sẽ bị phá vỡ, thậm chí con sẽ đuối dần” – cô Hương nói.

Còn theo cô Trần Phương Nga – giáo viên Trường Mầm non Bé Ngoan (quận 1, TP.Hồ Chí Minh) cũng phải dành rất nhiều thời gian trong các buổi họp phụ huynh để giải thích cho phụ huynh về việc không nên cho trẻ học chữ trước khi vào lớp. Cô Nga cho biết: “Đến 6 tuổi, vùng phát triển ngôn ngữ của trẻ mới mở ra, nếu trẻ bị ép học trước cũng giống như trái cây bị chín ép. Độ tuổi dưới 5 là độ tuổi của các hoạt động vui chơi, giải trí. Đừng đánh mất tuổi thơ của trẻ”.

Theo thạc sĩ Phạm Thị Cúc Hà – Hiệu trưởng hệ thống Trường Mầm non Just Kid (Hà Nội), trẻ hết mầm non chỉ cần làm quen với chữ cái, con số, biết đọc từ trái sang phải, biết cầm bút đúng cách, tư thế ngồi học đúng cách là đủ. Thay bằng học chữ trước, phụ huynh cần trang bị cho con nhiều hơn về tâm lý, những kỹ năng độc lập, tự phục vụ mình, kỹ năng vận động, kỹ năng hòa nhập tập thể để sẵn sàng bước vào môi trường tiểu học.

Theo thông tin từ  Bộ GDĐT, Bộ đã tham mưu, phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, xử lý vi phạm. Trong trường hợp phát hiện sai phạm về việc dạy trước chương trình cho học sinh lớp 1, lãnh đạo cơ sở giáo dục đào tạo sẽ là người chịu trách nhiệm đầu tiên, việc xử lý vi phạm sẽ đánh vào trách nhiệm, hạ xếp loại thi đua của giáo viên, hiệu trưởng, phòng và Sở GDĐT nơi để xảy ra vi phạm.

 

Theo Tùng Anh

Dân Việt