Dạy trẻ biết quý trọng giá trị cuộc sống

Các bậc cha mẹ chúng ta phải làm thế nào để bảo đảm rằng con hiểu được giá trị của những gì mà chúng đang có! Đó cũng là nội dung của bài viết dưới đây.

Bạn hãy tưởng tượng đến 2 thái cực sau đây: một gia đình nọ có người cha đi làm công nhân ở xưởng, người mẹ làm đầu bếp ở căng- tin. Họ trở về nhà khi trời đã mờ tối, cơ thể mệt nhừ.

 

Những đứa con biết cha mẹ vất vả như thế nào để có tiền nuôi chúng ăn học và trang trải mọi chi phí gia đình, nên chúng rất trân trọng những gì mà chúng đón nhận được,

 

Còn tại một gia đình khác, người cha là giám đốc, người mẹ là chủ một doanh nghiệp tư nhân. Họ sống tại một khu phố cao cấp, nơi mà những đứa trẻ muốn gì được nấy. Những lời cảm ơn xuất phát từ con tim rất hiếm khi được thốt ra.

 

Giờ đây, các bậc cha mẹ chúng ta phải làm thế nào để bảo đảm rằng con hiểu được giá trị của những gì mà chúng đang có!

 

Hãy nói "không" khi cần thiết

 

Chris Cloke - chuyên viên công tác tại Hiệp hội phòng chống hành động bạo tàn với trẻ em (Anh Quốc), cho biết: "Một điều rất quan trọng là bạn hãy giải thích cho con hiểu vì sao bạn không thể mua được những món quà đắt tiền. Những phương tiện truyền thông và quảng cáo ngày nay dường như có tác động kích hoạt trẻ "mè nheo", đòi hỏi mọi thứ. Vì vậy, bạn hãy cứng rắn khi cần nói "không", và chỉ gật đầu với những nhu cầu thật cần thiết và nằm trong khả năng tài chính của gia đình".

 

Cung cấp những giải pháp thay thế khác

 

Tiến sĩ Dorothy Enion, tác giả cuốn sách "Nguyên tắc vàng để làm cha mẹ", cho biết: "Hãy cho trẻ hiểu rằng không phải các món quà đều phải xuất phát từ cửa hàng mà ra. Bằng tấm chân tình và sự khéo léo, chúng ta có thể tự tay mình làm những món quà tặng bạn bè, người thân. Những sản phẩm làm ra từ con tim và được chăm chút bằng tình cảm nhất định là phải có những giá trị đặc biệt hơn nhiều. Lấy ví dụ: Trẻ có thể tự thiết kế thiệp chúc mừng hay nướng bánh tặng người thân, và tự tay trang trí gói quà của mình".

 

Giáo dục tinh thần thiện nguyện với công tác xã hội

 

Khuyến khích trẻ chia sẻ một phần tiền túi, heo đất cho công tác từ thiện. Gom góp quần áo, sách vở, đồ chơi cho các tổ chức như mái ấm dành cho trẻ em cơ nhỡ. Hãy nói cho trẻ biết về những thân phận con người đau khổ khác, về những giấc ngủ nhọc nhằn trong đêm mưa lạnh không mái ấm gia đình của họ, về những vùng trên thế giới - nơi mà thực phẩm là điều quá ư xa xỉ.

 

Dành thời gian cho con

 

Hãy dành riêng một khoảng thời gian, bảo con hãy viết ra giấy những điều trong cuộc sống mà chúng cần phải nói lời cảm ơn. Do đó, chúng sẽ nhận thức được giá trị của những gì đang có. Dạy con biết nói cảm ơn đối với bất cứ món quà nào mà chúng nhận được.

 

Hãy sống gương mẫu

 

Nếu bạn là người biết chia sẻ với những người kém may mắn hơn, tức là bạn đang phát đi một thông điệp về phương thức sống đẹp cho trẻ noi theo.

 

Theo Phụ Nữ TPHCM