Dạy thêm: Tiền trao cháo múc!

Vấn đề nhức nhối cho đến mãi tận hôm nay đối với ngành GD-ĐT vẫn là nạn dạy thêm - học thêm. Một vấn đề liên quan đến tâm thức của cả thầy lẫn trò mà mỗi khi chạm đến thì thầy và trò đều cười như mếu!

Dạy thêm đã góp phần đáng kể trong việc cải thiện đời sống người thầy. Dạy thêm đã giúp một bộ phận giáo viên có cuộc sống tươm tất hơn, đàng hoàng hơn. Dạy thêm đã giảm đi một phần gánh nặng giáo dục đặt lên toàn xã hội. Từ đó, việc dạy thêm được xem như một cách để giáo viên tự lo lấy bản thân bằng cái nghề chính hiệu của mình.

 

Văn, Toán, Anh văn mới là môn công cụ?

 

Thế nhưng, dạy thêm không dừng lại ở cái tâm cải thiện mà lấn sang cánh cửa làm giàu! Không ít thầy cô giáo đua nhau dạy thêm; trong trường công lập các trung tâm văn hóa ngoài giờ thi nhau nở hoa sau giờ làm việc. Một khi người thầy biến kiến thức thành hàng hóa và cư xử với trò như một thứ khách hàng thì mối quan hệ thầy trò chỉ mang tính hình thức: Tiền trao, cháo múc.

 

Phần lớn các trường từ tiểu học đến trung học đều có học sinh đi học thêm. Trước đây người ta vẫn ví von nghề dạy học là nghề bán cháo phổi, vậy thì khi đi học thêm học sinh đã lấy món “cháo phổi” làm viên thuốc tiêu hóa hết lượng kiến thức thừa của chương trình giáo dục hiện nay? Hay biết đâu thầy cô giáo đã kỹ thuật số hoặc vi tính hóa món cháo truyền thống để tiếp thị khách hàng trong kỷ nguyên Internet?

 

Và cũng do dạy thêm- học thêm mà trong trường học giữa thầy giáo có môn học thêm và các thầy giáo dạy môn khác đã có khoảng cách. Tại sao cứ phải các môn văn, toán, Anh văn mới là môn công cụ? Chúng ta luôn luôn yêu cầu giáo dục học sinh toàn diện thì hà cớ gì xem môn này quan trọng hơn môn kia ngay từ cấp học cơ sở. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do khiến việc dạy thêm - học thêm vẫn cứ diễn ra tràn lan góp phần sâu sắc cho sự phân hóa giàu nghèo giữa giáo viên với nhau.

 

Chỉ vì chữ “thêm”

 

Với người lớn đã thế nhưng không cay đắng bằng sự phân biệt đối xử giữa thầy-trò, trò-trò với nhau dưới cùng một mái học đường chỉ vì chữ THÊM. Những em được đi học thêm, mạnh dạn gần gũi với thầy cô bao nhiêu thì những em còn lại lặng lẽ xa cách bấy nhiêu.

 

Đi học thêm bây giờ đối với học sinh không còn là nỗi háo hức khát khao kiến thức hay rèn luyện kỹ năng mà chủ yếu phụ huynh chỉ sợ con mình bị phân biệt đối xử nếu không được học thêm. Đã có lần tôi chứng kiến một phụ huynh xé sổ liên lạc khi biết con mình bị điểm dưới trung bình môn toán chỉ vì con không chịu học thêm môn toán của thầy chủ nhiệm. Kịch tính không chỉ xảy ra trong gia đình mà còn ảnh hưởng đến quan hệ tình bạn giữa các em học thêm và không học thêm với nhau khi nhận được bài kiểm tra.

 

Cánh cửa phân biệt giàu nghèo

 

Có phải tất cả phụ huynh đều có thể lo cho mình học thêm? Xin thưa rằng không, đơn cử một gia đình có con đi học thêm ở ban trung học phải chi ra mỗi tháng ngót nghét một triệu bạc, đó là chưa kể tiền trường. Thế thì hậu quả cuối cùng của dạy thêm-học thêm chỉ là mở toang cánh cửa phân biệt giàu nghèo. Lẽ ra trường phổ thông là nơi xóa bỏ cánh cửa đó thì trái lại ban giám hiệu các trường học ra sức khai thác hết công suất phòng học vào ban đêm dưới hình thức trung tâm văn hóa ngoài giờ. Thế thì trong lớp học có những ai?

 

Vẫn bình cũ có tên mới và rượu vẫn là những thầy trò quen thuộc từ lớp ban ngày. Dưới ánh đèn nê-ông đã để lại trong lòng cả thầy lẫn trò cảm giác hài lòng: Thầy có thêm thu nhập, trò có thêm điểm ở bài kiểm tra trên lớp.

 

 

Theo Tuệ Hải

Người Lao Động