“Dạy thêm, học thêm” được đưa vào chủ đề chống tham nhũng
(Dân trí) - Dạy thêm,học thêm; tình trạng thi cử và việc thu phí là 3 chủ đề lớn sẽ được tập trung bàn thảo tại Hội nghị đối thoại chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục - Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết.
Theo Tổng thanh tra Chính phủ, tại Hội nghị đối thoại chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục (được tổ chức vào 28/5) sẽ có một báo cáo của Bộ Giáo dục, của các cơ quan chức năng và của các đối tác tham gia nhằm đánh giá lại thực trạng tham nhũng trên lĩnh vực giáo dục và đưa ra những giải pháp phòng chống.
Theo ông, những cuộc đối thoại như thế này có giúp giải quyết tốt được vấn đề không?
Nói chung, tiêu cực trong giáo dục thì vẫn có nhiều. Chúng ta cũng biết rằng Bộ GD&ĐT đã đề ra nhiều chương trình chống tiêu cực. Đặc biệt là chương trình nói không với một số tiêu cực. Để đánh giá đúng mức thực trạng hiện nay phải làm hai việc: một là qua hội thảo, đối thoại xác định xem mức độ xã hội quan tâm đến đâu; thứ hai là phải thông qua khảo sát đánh giá cụ thể.
Trong những năm qua, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD&ĐT thì bước đầu tình hình đã chuyển biến nhưng chưa mạnh và chưa đủ để có thể nói rằng đã ngăn ngừa được tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này.
Có ý kiến cho rằng vấn đề “nói không” trong giáo dục vẫn còn mang tính hình thức, ông nghĩ sao?
Tôi chưa đánh giá việc này nhưng tôi nghĩ rằng, ban đầu việc nào cũng cần có sự phát động. Tức là chúng ta phải tuyên truyền, phải phát động từ trong nội bộ ra ngoài xã hội, để từ đó chuyển từ ý thức đến hành động. Tôi nghĩ giai đoạn đầu làm như vậy là đúng.
Theo báo cáo của ngành giáo dục thì cũng đã đạt được những kết quả khá tích cực. Tuy nhiên, đến giờ chúng ta phải đi vào chiều sâu, phải đi vào việc làm cụ thể và khi đã đi vào chiều sâu thì bớt rầm rộ cũng là lẽ đương nhiên.
Ông đánh giá thế nào về cơ chế khuyến khích và bảo vệ người chống tham nhũng hiện nay?
Hiện cơ chế để bảo vệ những người có hành động tố cáo hoặc dám chống tham nhũng, chống tiêu cực chưa đầy đủ, rõ ràng. Tuy nhiên, luật khiếu nại tố cáo cũng cấm các hành vi trả thù, trù dập, trả đũa người dám tố cáo. Do đó, vấn đề là ở chỗ chúng ta phải thực hiện các luật hiện có cho nghiêm, rồi sau đó bổ sung những cơ chế tích cực hơn. Những người có hành động tích cực chống tham nhũng phải được khen thưởng và được bảo vệ. Nếu họ bị trả thù, trù dập thì phải có cơ quan chức năng xem xét và xử lý đến cùng sự việc.
Các hành vi trả thù, trù dập thường rất phức tạp và tinh vi. Việc trả thù đó hoặc chúng ta chưa thấy hoặc thấy rồi nhưng chưa có căn cứ để xử lý. Vì thế, trong cơ chế sắp tới, những vấn đề này cần được quy định rõ.
Ông có suy nghĩ gì trước thông tin “Người đương thời” - thầy giáo Đỗ Việt Khoa vừa có đơn xin ra khỏi ngành vì cảm thấy bất lực trước việc chống tiêu cực?
Việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là công việc rất gian nan, khó khăn, vì thế người đấu tranh phải có bản lĩnh, dám đương đầu. Khi dấn thân vào việc này thì đương nhiên có sự động chạm làm tổn thương những đối tượng khác. Ngay như bản thân tôi, khi thanh tra hoặc kết luận chỗ này, chỗ khác, ít nhiều cũng sẽ bị tổn thương về mặt tình cảm, quan hệ... Với những người bị động đến thì người ta luôn luôn bị tác động tiêu cực, tức là có sự trả thù, trù dập. Vì thế, chúng ta phải có bản lĩnh. Tôi cứ dùng từ là đã dấn thân thì phải có sự hy sinh.
Trường hợp của thầy Khoa, tôi nghĩ rằng, có thể thầy đang thấy rằng có những vấn đề mình đã nêu, đã tác động và làm tổn thương đến mình nhiều quá, trong khi cái chung thì cũng chưa được bao nhiêu, nên thầy xin ra khỏi ngành. Đây cũng là một cách xử sự. Nhưng tôi nghĩ nếu chúng ta chùn chân và không dám làm nữa thì không thể chống tiêu cực được.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Nguyên Đức(ghi)