Đẩy nhanh triển khai dự án đại học quy mô 60.000 sinh viên tại Hòa Lạc
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, từ đó đốc thúc, đẩy nhanh triển khai dự án ĐH Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.
Ngày 16/8, tại Hòa Lạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thăm và làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), nghe báo cáo về tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc.
Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và Hà Nội, đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN.
Quy mô 60.000 sinh viên
Ngày 18/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1907/QĐ-TTg phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc.
Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc bao gồm 21 dự án thành phần với quy mô khoảng 60.000 sinh viên; diện tích đất khoảng 1.113,7 ha, tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện đến năm 2025.
Tuy nhiên đến nay, lũy kế giải ngân cho dự án mới đạt khoảng 3.000 tỷ đồng nên tiến độ dự án chậm nhiều so với kế hoạch.
Dự án "Phát triển các đại học quốc gia Việt Nam - Tiểu dự án Đại học Quốc gia Hà Nội" do Ngân hàng thế giới cho vay nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản trị đại học của ĐHQGHN, gồm 3 hợp phần: Nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập; Vượt trội trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở các lĩnh vực trọng điểm; Nâng cao năng lực quản trị và quản lý thực hiện dự án.
Tiểu dự án Đại học Quốc gia Hà Nội với tổng kinh phí là 125,18 triệu USD. Trong đó vốn từ Ngân hàng Thế giới là 100,87 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam trị giá 24,31 triệu USD.
Với khoản tín dụng này, ĐHQGHN sẽ đầu tư xây dựng tại ba khu vực với tổng diện tích đất là 37,5 ha trong tổng số 1.000 ha của khuôn viên: Xây dựng 18 tòa nhà từ một đến tám tầng với các lớp học, văn phòng, thư viện, phòng thí nghiệm, khu vực trung tâm thể thao và thí nghiệm để giảng dạy, học tập và nghiên cứu; Xây dựng hai trạm xử lý nước thải, sân và đường nội bộ, hệ thống thoát nước.
Dự án được thực hiện trong vòng 5 năm, từ năm 2021 đến năm 2025.
Trong năm 2022, Ban Quản lý dự án World Bank sẽ tập trung vào gói thầu tư vấn khảo sát xây dựng, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, tư vấn đấu thầu liên quan. Đồng thời, sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công cho 03 gói thầu xây lắp và tổ chức lựa chọn 02 gói thầu tư vấn giám sát để khởi công trong tháng 11 và tháng 12/2022.
Dự án đầu tư xây dựng Trường ĐH Việt Nhật là một trong số 23 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc.
Dự án gồm 02 hợp phần: 51ha tại khu quy hoạch dự án ĐHQGHN và 24ha thuộc khu Công nghệ cao Hòa Lạc, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản.
ĐHQGHN đã có tờ trình gửi Bộ Xây dựng và Ban Quản lý khu Công nghệ cao thẩm định nhiệm vụ đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang tiến hành thẩm định đồ án quy hoạch này.
Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với ĐHQGHN ngày 28/11/2021, trong đó, tiếp tục phát triển, nâng cao vị thế của ĐHQGHN trong giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt là tập trung vào nhiệm vụ quan trọng đẩy mạnh triển khai dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc theo mô hình "5 trong 1": Trung tâm đào tạo tài năng; trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ hiện đại; trung tâm đổi mới sáng tạo ngang tầm quốc gia và quốc tế; đô thị đại học thông minh, hiện đại; trung tâm thử nghiệm hợp tác công tư và đào tạo nghiên cứu.
ĐHQGHN đã quyết tâm rất cao để hiện thực hóa mong đợi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân về một đô thị đại học đổi mới sáng tạo, xanh, thông minh và bền vững hàng đầu khu vực tại Hòa Lạc.
Ngày 19/5/2022 là dấu mốc đặc biệt của ĐHQGHN khi toàn bộ Cơ quan ĐHQGHN chuyển trụ sở làm việc từ 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội tới Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội, thể hiện quyết tâm của ĐHQGHN để đẩy nhanh tốc độ thực hiện các dự án thành phần.
Theo kế hoạch, năm học 2022 - 2023, ĐHQGHN sẽ có khoảng 6.000 sinh viên tới học tập tại cơ sở Hòa Lạc.
Từ tháng 9/2022, 450 sinh viên năm thứ nhất các ngành sư phạm của Trường ĐH Giáo dục, 550 sinh viên năm thứ nhất và một số học phần năm thứ hai của Trường ĐH Y Dược, 300 sinh viên Trường ĐH Việt Nhật, 600 sinh viên Trường Quốc tế đã xây dựng kế hoạch đào tạo tại Hòa Lạc.
Ngoài ra, sinh viên Trường ĐH Công nghệ và một số đơn vị đào tạo khác dự kiến sẽ học tập một số học phần thực hành, thực tập tại Hòa Lạc.
Thực hiện nghiêm túc kết luận của Thủ tướng
Tại buổi làm việc, ĐHQGHN đã báo cáo Tổ công tác liên ngành để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án, đồng thời đã có các kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Hòa Lạc. Lãnh đạo các bộ ngành đã nêu một số khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai dự án.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đánh giá cao quyết tâm của lãnh đạo ĐHQGHN, Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn các bộ ngành liên quan, đặc biệt thành phố Hà Nội ưu tiên hỗ trợ ĐHQGHN. Thứ trưởng cũng đề nghị ĐHQGHN nghiên cứu lộ trình sử dụng các nguồn lực và cơ chế hiệu quả.
Phó Thủ tướng hoan nghênh, ghi nhận và đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo ĐHQGHN khi chuyển lên Hòa Lạc trong thời gian qua. Vượt qua khó khăn, ĐHQGHN vẫn tiếp tục đạt nhiều thành tựu trong các hoạt động, có thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng đại học uy tín quốc tế, nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học đỉnh cao.
Phó Thủ tướng đánh giá cao trách nhiệm của Ban Giám đốc ĐHQGHN, đồng thời nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng khi làm việc với ĐHQGHN là thiết kế dự án Hòa Lạc trở thành khu đô thị đại học thông minh, hiện đại.
Sau khi nghe báo cáo cụ thể về tình hình giải phóng mặt bằng, xác định ranh giới toàn bộ dự án, tiến độ triển khai các hạng mục xây dựng khác,… Phó Thủ tướng yêu cầu xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, từ đó có thể đốc thúc, đẩy nhanh triển khai dự án, thực hiện nghiêm túc kết luận của Thủ tướng liên quan đến dự án ĐHQGHN tại Hòa Lạc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh việc mở rộng và ưu tiên xây dựng các khu giảng đường. Từ nay đến cuối năm 2022, phải xác định rõ ranh giới của dự án, giải quyết dứt điểm giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dự án.
- Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của ĐH Quốc gia Hà Nội chiếm 64,1% và tỉ lệ giáo sư, phó giáo sư chiếm 19,8% trên tổng số giảng viên cơ hữu.
- Quy mô đào tạo các bậc học đạt gần 50.000 người, trong đó, quy mô đào tạo sau đại học chiếm 15,3%; quy mô hệ đào tạo đặc biệt (tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, chuẩn quốc tế), với chất lượng được các trường đại học trên thế giới thừa nhận, chiếm tỉ lệ 29%.
- Tỉ lệ sinh viên sau 01 năm tốt nghiệp ra trường có việc làm có sự gia tăng mạnh, năm 2015 là 70%, từ năm 2016 đến nay là trên 90%/mỗi năm.
- Từ năm 2020 đến hết tháng 6/2022, ĐHQGHN đã có 2.982 bài báo quốc tế trong hệ thống ISI/SCOPUS, bằng 83% số bài báo trong cả nhiệm kỳ trước, đặc biệt chất lượng công bố tăng mạnh, với tỷ lệ công bố khoa học trong cơ sở dữ liệu Scopus thuộc nhóm Q1, Q2 trên tổng số công bố thuộc Scopus là 75%;
- 113 phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, nhiều hơn 48 phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích của cả nhiệm kỳ trước;
- 47 sản phẩm khoa học công nghệ được chuyển giao, so với 35 sản phẩm khoa học công nghệ được chuyển giao nhiệm kỳ trước.
- ĐHQGHN 5 năm liên tiếp nằm trong nhóm 1.000 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất thế giới và năm 2022 có 05 lĩnh vực thuộc nhóm 500 thế giới.
- ĐHQGHN đã ở trong nhóm 800 cơ sở giáo dục đại học xuất sắc nhất, với vị trí 758 thế giới.