Đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Việt cho bà con kiều bào

(Dân trí) - Cần đẩy mạnh công tác tiếng Việt với những giải pháp đồng bộ, nhất quán từ trong nước và huy động sự tham gia tích cực của các hội đoàn, vận động xây dựng thành phong trào giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng.

Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn tại hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị được tổ chức ngày 4/11 tại Hà Nội.

 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, với lịch sử dựng và giữ nước mấy nghìn năm, những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp đã tiềm ẩn trong mỗi con người Việt Nam dù có ở nơi xa xứ, biểu hiện qua niềm tự hào về truyền thống lịch sử, qua việc gìn giữ những nét đẹp trong phong tục, tập quán... Những giá trị văn hóa ấy hình thành và thấm sâu vào mỗi con người Việt Nam qua nhiều năm tháng bằng nhiều nguồn khác nhau, mà một trong những phương tiện hữu hiệu nhất chính là tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ thân thương vừa thể hiện rõ những nét đặc trưng của dân tộc, vừa góp phần bảo tồn nền văn hóa dân tộc. 
 
Đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Việt cho bà con kiều bào - 1
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn tại hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Ban Bí thư.

 

Thứ trưởng Sơn kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giáo viên ở trong nước đi dạy tiếng Việt cho cộng đồng, đặc biệt là những địa bàn khó khăn như Lào, Campuchia, Thái Lan; hàng năm cấp một số học bổng cho con em kiều bào về học tập tại Việt Nam; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên kiều bào và mở các lớp học tiếng Việt vào các dịp hè cho con em kiều bào về nước học tập.

 

Về vấn đề này, GS.TS Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: “Đề án "Hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/3/2004 với 4 nhóm nhiệm vụ chính đã thích ứng thực tiễn và ngày đang phát huy hiệu quả. Đề án đặc biệt quan tâm tới việc biên soạn tài liệu dạy và học tiếng Việt cùng với chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

 

Tuy nhiên, số học sinh đang được học tiếng Việt như một môn học trong hệ thống nhà trường của nước sở tại không nhiều mà số người học tiếng Việt trong các lớp học do các hội đoàn Việt kiểu tổ chức nhiều hơn và đa dạng hơn.
 
Đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Việt cho bà con kiều bào - 2
Nhiều Việt kiều nhỏ tuổi đã được học thông thạo tiếng mẹ đẻ về nước cùng cha mẹ trong các ngày lễ lớn của dân tộc.

 

Cho đến thời điểm hiện tại, hai bộ sách “Tiếng Việt vui” dành cho thanh thiếu niên và “Quê Việt” dành cho người lớn đã được biên soạn xong, in thử nghiện và mang đi dạy thử tại một số nước.

 

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Hiện nay, tại Thái Lan có 1 giáo viên đang dạy tiếng Việt tại Trường Trung học Pathunthep ở tỉnh Nọng Khai và 14 giáo viên đang dạy tiếng Việt tại Lào. Việc cử giáo viên trong nước sang dạy tiếng Việt đã cổ vũ rất lớn tinh thần của bà con Việt Nam sinh sống tại đây”.

 

Đề án “Hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” sẽ kết thúc vào cuối năm nay nhưng việc đẩy mạnh công tác dạy tiếng Việt cho bà con kiều bào là điểm nhấn vô cùng quan trọng giúp bà con kiều bào dẫu có ở xa Tổ quốc vẫn luôn luôn gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc mình.

 

Từ khi có Nghị quyết 36, hàng năm nước ta đều tổ chức các “Trại hè Việt Nam”, các cuộc gặp gỡ, giao lưu với thế hệ trẻ trong nước dành cho thanh niên, sinh viên kiều bào về nước tìm hiểu lịch sử, văn hóa cội nguồn dân tộc và trau dồi tiếng Việt ngày càng được các bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt.

 

Tính đến nay, có rất nhiều cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng trong việc dạy và học tiếng Việt cho các thế hệ trẻ kiều bào như: cử giáo viên, cung cấp trang thiết bị, sách giáo khoa và đồ dùng học tập, hỗ trợ xây dựng trường lớp… tập trung trước mắt vào cộng đồng ở Campuchia, Lào, Thái Lan và một số nước có đông người Việt.

 

Thế Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm