Dạy - học tích hợp: Giúp học sinh phát triển năng lực, hội nhập Quốc tế
Dạy học tích hợp là xu thế chung của giáo dục phổ thông các nước. Hiện nay, các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam mới tích hợp ở mức độ thấp, chưa tích hợp ở mức độ cao như nhiều nước trên thế giới. Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chú trọng cải thiện nội dung này.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục Phổ thông mới đã chia sẻ về nội dung dạy học tích hợp – một trong những nội dung đang được dư luận quan tâm nhất trong Dự thảo Chương trình Giáo dục Phổ thông mới.
Huy động kiến thức, kĩ năng thuộc nhiều lĩnh vực
Theo đó, dạy học tích hợp là định hướng dạy học trong đó giáo viên tổ chức, hướng dẫn để học sinh biết huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm giải quyết các nhiệm vụ học tập, đời sống; thông qua đó hình thành những kiến thức, kĩ năng mới; phát triển được những năng lực cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề trong học tập và trong thực tiễn cuộc sống.
Nói về nội dung này, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn Ngữ Văn mới cho biết, theo dự thảo, môn Ngữ văn sẽ có 2 yêu cầu tích hợp gồm nội môn và liên môn.
Tích hợp nội môn tức ngay trong bản thân môn Ngữ văn sẽ tích hợp tiếng Việt, làm văn và văn học (tích hợp các kỹ năng đọc /đọc hiểu /viết /nghe).
Chẳng hạn, khi học bài Tuyên ngôn độc lập, học sinh sẽ nắm được cách lập luận chặt chẽ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp đến, môn làm văn sẽ yêu cầu học sinh viết và tập cho các em cách lập luận một bài văn nghị luận. Rồi căn cứ trên nội dung bài học đó, các em được rèn luyện kỹ năng phát biểu, trình bày ý kiến và trao đổi.
Ngoài ra, văn học là bộ môn khoa học xã hội liên quan đến lịch sử và địa lý cùng các vấn đề xã hội khác. Do đó, không chỉ tích hợp nội môn mà việc học Ngữ văn còn phải tích hợp liên môn, xuyên môn, tức là phải liên hệ với bối cảnh lịch sử, đời sống thực tiễn…
“Học sinh phải biết liên hệ, đối chiếu bối cảnh lịch sử ra đời của tác phẩm với bối cảnh hiện nay để thấy hết ý nghĩa của văn bản ngày trước so với hiện nay như thế nào”, ông Thống nhấn mạnh.
Chẳng hạn, khi học về tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, ngoài việc cung cấp những kiến thức Ngữ văn, chương trình mới sẽ trang bị cho học sinh những kiến thức về bối cảnh lịch sử thời kỳ chống quân Minh, khởi nghĩa Lam Sơn… Từ đó, học sinh hiểu hơn về ý nghĩa của tác phẩm này.
Mục đích của chương trình môn Ngữ Văn mới không chỉ dừng ở cung cấp kiến thức về Ngữ văn cho học sinh mà còn góp phần giáo dục các em quan tâm đến những vấn đề mà cả cộng đồng, dân tộc, thậm chí cả nhân loại đang quan tâm như về biến đổi khí hậu, phân biệt giới tính, chủ quyền quốc gia,… Đây chính là nội dung tích hợp các vấn đề xuyên môn mà bộ môn này hướng tới trong chương trình mới.
Tuy nhiên, PGS.TS Thống cho rằng, việc tích hợp xuyên môn cũng cần phải thể hiện một cách khéo léo nhuần nhuyễn, chứ không nên quá dây dưa sa đà vào câu chuyện ngoài bộ môn.
Tương tự, ở nội dung môn Toán, GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình môn Toán mới cho biết, về cấu trúc, chương trình môn Toán mới thống nhất từ lớp 1 đến 12, xoay quanh và tích hợp ba mạch kiến thức: Số và Đại số; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất.
Chương trình môn toán học được khai thác, sử dụng tích hợp trong các môn học khác như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Tin học, Công nghệ,...
Ví dụ, khi học về thống kê, học sinh lớp 6 có thể thực hiện thu thập nhiệt độ của địa phương tại mốc thời gian nhất định trong một tuần lễ; tính trung bình cộng của nhiệt độ, từ đó đưa ra những nhận xét về biến đổi thời tiết của địa phương trong tuần. Như vậy, học sinh vừa được học về Toán, vừa nắm được kiến thức Địa lý và có ý thức giải quyết vấn đề của thực tiễn. Thông qua tiết học này, ta có thể dạy học sinh về biến đổi khí hậu, để các em có ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường sống của mình. Vậy là, một tiết học của môn Toán đã thực hiện được đa mục đích.
Một ví dụ khác, các em học sinh phải biết sử dụng các kiến thức toán học về ba đường coong vào giải thích một số hiện tượng, quy luật trong Quang học.
Môn Lịch sử - Địa lí: 3 mức độ tích hợp nội dung
Tích hợp trong chương trình môn Lịch sử và Địa lí mới có lẽ là điểm nổi bật hơn cả. GS Phạm Hồng Tung, Chủ biên chương trình môn Lịch sử mới cho hay, chương trình Lịch sử và Địa lý THCS sẽ thể hiện ba mức độ tích hợp nội dung: tích hợp nội môn (trong từng nội dung giáo dục Lịch sử và giáo dục Địa lý); Tích hợp nội dung Lịch sử trong những phần phù hợp của bài Địa lý và tích hợp nội dung Địa lý trong những phần phù hợp của bài Lịch sử, nhằm tạo ra sự đối chiếu, tương tác tốt nhất giữa các kiến thức của hai phân môn; Tích hợp tạo thành chủ đề chung.
Khác với chương trình hiện tại, nội dung Lịch sử trong chương trình mới ở bậc THCS sẽ lấy trục lịch đại (thời gian 0) làm trục xuyên suốt, vì thế, ở mỗi giai đoạn lịch sử đều cố gắng thiết kế nội môn theo mô hình: thế giới – khu vực - Việt Nam - lịch sử địa phương, trong đó lấy lịch sử Việt Nam làm trọng tâm, chiếm 60% thời lượng của chương trình. Đây là điểm mới trong cấu trúc, trong tích hợp của phân môn lịch sử.
Tại sao phải dạy học tích hợp? Trước hết, do mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội đều ít nhiều có mối liên hệ với nhau; nhiều sự vật, hiện tượng có những điểm tương đồng và cùng một nguồn cội… Để nhận biết và giải quyết các sự vật, hiện tượng ấy, cần huy động tổng hợp các kiến thức và kĩ năng từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay đang ngày càng xuất hiện các môn khoa học “liên ngành”. Thứ nữa, trong quá trình phát triển của khoa học và giáo dục, nhiều kiến thức, kĩ năng chưa hoặc chưa cần thiết trở thành một môn học trong nhà trường, nhưng lại rất cần chuẩn bị cho học sinh để họ có thể đối mặt với những thách thức của cuộc sống; do đó cần tích hợp giáo dục các kiến thức và kĩ năng đó thông qua các môn học. Thứ ba, do tích hợp mà các kiến thức gần nhau, liên quan với nhau sẽ được nhập vào cùng một môn học nên số đầu môn học sẽ giảm bớt, tránh được sự trùng lặp không cần thiết về nội dung giữa các môn học… |
Hùng Thành