Dạy con từ thủa còn thơ
Trong phương pháp giáo dục con cái có hai thái cực nên tránh. Thứ nhất là quá khắt khe, thiếu tôn trọng trẻ. Thứ hai là quá nuông chiều, không uốn nắn từ những sai lầm nhỏ.
Con cái là tài sản quý nhất của cặp vợ chồng nói riêng, của cả gia đình và xã hội nói chung. Con cái là thế hệ tiếp nối truyền thống, đồng thời là tương lai của gia đình và dân tộc. Nuôi dạy trẻ thế nào để các cháu xứng đáng với niềm tin yêu, hy vọng đó, là vấn đề lớn, bao gồm nhiều khâu, nhiều điều kiện khách quan, chủ quan.
Vì giáo dục là quá trình liên tục bắt đầu ngay từ khi cháu bé mới ra đời, cho đến tuổi vườn trẻ, mẫu giáo sơ cấp, trung cấp, đại học và sau đại học. Tôi chỉ xin nêu một số khía cạnh và yêu cầu về phương pháp và nội dung nuôi dạy trẻ trong gia đình. Rất mong được các bậc cha mẹ, các chuyên gia giáo dục, tâm lý, xã hội quan tâm góp ý kiến.
Trong phương pháp giáo dục con cái có hai thái cực nên tránh:
Một là, quá khắt khe, nặng về quở mắng, đe nẹt, roi vọt, ít chú ý giải thích, khuyên bảo nhẹ nhàng. Đó là thái độ thiếu dân chủ, thiếu tôn trọng nhân phẩm, coi con cái còn nhỏ dại, muốn đối xử, sai bảo thế nào cũng được. Kết quả là làm cho trẻ không biết lỗi của mình, đem lòng oán trách bố mẹ, dần dần trở nên tự ti, bướng bỉnh. Trẻ không còn thấy an vui trong gia đình, nên đã đi tìm an ủi, tâm sự nơi bạn bè đồng cảnh, nguy cơ ngày càng dấn sâu vào tội lỗi, đua đòi, tiêm nhiễm thói hư tật xấu. Vì vậy, khi trẻ hư hỏng trước hết bố mẹ phải chịu trách nhiệm, không nên đổ lỗi cho nhà trường và xã hội.
Thái cực thứ hai là quá nuông chiều, không bảo ban, uốn nắn ngay từ những sai lầm nhỏ. Điều này thường xảy ra ở những cặp vợ chồng trẻ điều kiện kinh tế khá giả. Họ thường tập trung tiền của, công sức đáp ứng mọi yêu cầu, sở thích của con, không cân nhắc. Họ cho con ăn đủ thứ của ngon vật lạ, thiếu cân bằng trong dinh dưỡng, nặng về đường, đạm, mỡ, nhẹ về rau, đậu, hoa quả, dẫn tới dễ bị béo phì ngay từ nhỏ. Họ sắm sửa cho con những trang bị chưa thật cần thiết cho lứa tuổi và yêu cầu học tập (máy vi-tính, xe máy, điện thoại di động, quần áo thời trang hàng hiệu). Từ đó tạo cho con thói quen đua đòi, thích tìm cảm giác mạnh, đây là một trong những nguyên nhân dẫn trẻ sa vào tệ nạn xã hội.
Cho con hưởng thụ quá nhiều mà không làm cho con thấy đây là bao công sức, mồ hôi nước mắt của bố mẹ, không nhắc nhở con phải chăm chỉ học tập để sau này đền đáp công ơn, dễ làm hư trẻ. Thậm chí có ông bố bà mẹ không dám để con, kể cả con gái làm việc vặt trong gia đình (quét nhà, rửa bát, giặt giũ, giúp mẹ soạn cơm). Tưởng như thế là tập trung thời gian để con học tập, không biết rằng chính tham gia lao động từ bé đến lớn là một trong những biện pháp tốt nhất để hình thành nhân cách, dạy trẻ có lòng vị tha, thích thú khi được phục vụ người khác.
Lối giáo dục nuông chiều như vậy chỉ tạo nên những con người ích kỷ, tự cho mình đòi hỏi quyền lợi, mà không thấy nghĩa vụ của bản thân, sau này lớn lên chắc chắn không thể trở thành công dân tốt.
Lứa tuổi thanh niên, thiếu niên trong tình hình hiện nay rất dễ tiêm nhiễm thói hư tật xấu từ bạn bè. Do đó càng cần được quản lý chặt chẽ. Dù bận rộn mấy vì làm ăn, hay công tác, bố mẹ cũng phải quan tâm theo dõi kết quả học tập và diễn biến tâm tính của con cái. Kết hợp chặt chẽ với thầy giáo, cô giáo qua bạn bè, qua thái độ, nét mặt, giờ giấc đi về, phát hiện kịp thời các diễn biến xấu của con cái, ka-ra-ô-kê, chát trên mạng, đua xe, trường nhảy, bia rượu, thuốc lá, ma túy... là trò tiêu khiển, là bao nguồn đe dọa đạo đức thanh niên, thiếu niên và là mối quan tâm lo lắng của mọi gia đình hiện nay.
Nội dung giáo dục là vấn đề khoa học, phong phú và không kém phần phức tạp. Nó phải phù hợp với thời đại và từng lứa tuổi. Chung quy như ông cha ta đã dạy: tiên học lễ, hậu học văn. Học lễ là học biết cách cư xử đúng đạo lý với từng lớp người trong gia đình, xã hội, thể hiện bằng: nhân, nghĩa, lễ, trí, dũng, tín... Học lễ bắt đầu từ trong gia đình và từ tấm bé. Học văn là học về văn hóa, khoa học kỹ thuật, các kiến thức, kỹ năng cần thiết để hành nghề lập nghiệp, nuôi sống bản thân và gia đình, giúp ích cho xã hội. Trách nhiệm này chủ yếu thuộc về nhà trường, các cấp, các ngành.
Có thời kỳ do điều kiện chiến tranh, chúng ta thiên về giáo dục nghĩa vụ đối với đất nước, đoàn thể, mà ít nói đến nghĩa vụ đối với bản thân và gia đình. Thiết nghĩ trong giáo dục con cái ngay từ tấm bé đã phải chú ý đến vấn đề học lễ. Phải dạy trẻ từ những điều cơ bản nhất : ăn nói, đi đứng sao cho đúng lễ phép, biết gọi dạ bảo vâng, biết xin lỗi, biết cảm ơn, không rung đùi, không ngoáy bút trong tay trước mặt người lớn... Không thể cho là chuyện nhỏ trước tình trạng hiện nay không ít thanh niên, thiếu niên hễ buột miệng là nói tục, cười nói ồn ào ngả ngớn đi lại mất trật tự trên đường phố, ít thấy có em chào hỏi người già, giúp đỡ người tàn tật.
Công việc giáo dục con cái phải được tiến hành thường xuyên, qua từng việc nhỏ, qua những bữa cơm, họp mặt gia đình, kịp thời khen ngợi điều tốt, uốn nắn điều sai. Tốt nhất là qua sự gương mẫu của bố mẹ. Chẳng hạn muốn khuyên con không nghiện hút thì bố mẹ cũng phải không nghiện hút. Muốn khuyên con lễ độ thì bố mẹ nói năng với nhau bằng những lời âu yếm. Người mẹ phải chủ động giáo dục giới tính cho con cái.
Tóm lại, muốn đóng góp cho xã hội những người công dân tốt, các bậc làm cha mẹ hãy chú ý giáo dục con cái từ tấm bé. Hãy bắt đầu từ những đức tính cơ bản nhất (hiếu đễ trong gia đình, có lòng vị tha, sẵn sàng giúp đỡ phục vụ người khác) và bằng thái độ gương mẫu, kiên trì, dân chủ; đồng thời biết cách quản lý chặt chẽ, uốn nắn kịp thời các diễn biến xấu có thể xảy ra ở chúng.
Đó cũng là thiết thực góp phần vào sự nghiệp "trồng người", vào công cuộc xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Giáo sư Nguyễn Xuân Hiền
Theo Nhân Dân