Dạy bơi cho học sinh: 10 năm vẫn “giẫm chân tại chỗ”
Đến hẹn lại lên, các vụ tai nạn đuối nước cứ vào hè là lại tăng vù vù. Trong khi đó, giải pháp đề ra thì nhiều mà thực hiện chẳng được bao nhiêu, trong đó có giải pháp dạy bơi trong nhà trường cho trẻ.
Chưa có quy chuẩn
Bà Hoàng Thị Sinh - nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Cách đây khoảng 10 năm, Sở Văn hoá- Thể thao đã phối hợp với Sở GDĐT lên kế hoạch phổ cập bơi cho trẻ cấp tiểu học. Sau một thời gian bàn đi tính lại thì thấy kế hoạch không khả thi”.
Theo bà Sinh, cái khó lớn nhất chính là quỹ đất của trường hạn hẹp, học sinh lại quá đông (hơn 15.000 học sinh). “Nếu xây dựng hồ bơi thì kinh phí ở đâu, xây theo quy chuẩn nào. Tính trong quy mô cả nước thì xây bao nhiêu hồ thì đủ? Tôi nghĩ ngành giáo dục cần mổ xẻ, bàn bạc vấn đề này trước khi đưa ra các đề án dạy bơi" - bà Sinh băn khoăn.
Hiện nay, mô hình bể bơi thông minh, tiện dụng, an toàn bằng cách lắp ghép, bể bơi cao su, bể bơi lưới đang được ứng dụng khá nhiều ở các tỉnh thuộc ĐBSCL, Đà Nẵng, Kom Tum... Thông thường, một bể bơi cao su, lắp ghép có giá từ 35-40 triệu đồng, bể bơi lưới giá chỉ 600.000 - 1 triệu đồng. |
Nhìn từ thực tế này, bà Hoàng Thị Sinh cho rằng: “Nếu các trường chưa thể có bể bơi thì Nhà nước, và các tổ chức xã hội cũng nên có chính sách ưu tiên, giảm giá vé vào hồ, cộng điểm thể chất cho các cháu biết bơi... để khuyến khích trẻ tự đăng ký tham gia các khóa học bơi ngoại khoá".
Bà Trần Tố Trinh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Đình, Hà Nội cũng nêu thực tế: “Nhà trường có hơn 1.000 học sinh nhưng diện tích chỉ tầm 7.000m2. Giờ nói xây bể bơi thì đúng là "lực bất tòng tâm". Trường này hiện phối hợp với một bể bơi gần đó để nhận học sinh, nhưng mỗi đợt cũng chỉ có 20-30 học sinh. Nhưng theo cô Trinh, không phải bố mẹ nào cũng đồng ý cho con đi học bơi. Có phụ huynh cho rằng không cần cho con đi học bơi vì ở thành phố không có sông hồ nên không cần biết bơi".
Khó khả thi?
Trong khi các trường tiểu học ở thành phố triển khai từ 10 năm trước thì các trường tiểu học ở nông thôn chỉ quan tâm tới vấn đề này vào thời điểm tháng 2/2010. Thời điểm đó, Bộ GD-ĐT đã ra văn bản chính thức yêu cầu và khuyến khích đưa dạy bơi vào chương trình tiểu học với trọng tâm là khối lớp 4, mở rộng ra khối lớp 3 và lớp 5.
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên hưởng ứng văn bản này. Tháng 9/2012, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án thí điểm dạy bơi trong một số cụm trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh đã có kế hoạch đầu tư xây dựng 3 bể bơi bán Olympic kiên cố tại 3 trường tiểu học tại các địa phương đại diện cho khu vực thành thị, miền núi, đồng bằng, bao gồm: Trường Tiểu học Vĩnh Khê (thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều); Trường Tiểu học Cẩm Thuỷ (phường Cẩm Thuỷ, TP.Cẩm Phả); Trường Tiểu học thị trấn Hải Hà (huyện Hải Hà), kinh phí dự kiến hơn 12 tỷ đồng. Thế nhưng, cho tới tận bây giờ vẫn chưa có bể bơi nào.
Trước thực trạng trẻ đuối nước nhiều, nhiều trường học cũng đặt vấn đề dạy bơi nhưng đều “vướng” về chuẩn xây dựng, kinh phí đầu tư. Điển hình như vụ việc ở Trường Tiểu học xã Bạch Đằng (Kinh Môn, Hải Dương). Đây là trường hưởng ứng đầu tiên đề án dạy bơi cho trẻ trong tỉnh. Nhưng kinh phí xây bể bơi được “huy động” từ phụ huynh, khiến phụ huynh bức xúc.
Ông Nguyễn Trọng An - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em: Nên phổ cập môn bơi cho học sinh
Dĩ nhiên là nên phổ cập môn bơi cho toàn bộ học sinh.Tuy nhiên phổ cập bằng cách nào, phổ cập ở độ tuổi nào... thì cần phải tính toán.
Về kinh phí, theo tôi thay vì trông chờ vào Nhà nước, vào Bộ GD-ĐT, các địa phương, nhất là những địa phương có điều kiện nên bố trí ngân sách để hỗ trợ dạy bơi cho trẻ. Bản thân chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, nhà trường cũng cần sáng tạo trong cách thức xây, hoặc tạo bể bơi thông minh cho trẻ. Mỗi trường tùy thuộc vào diện tích, nông thôn hay thành thị có thể áp dụng mô hình bể bơi bằng lưới, bể bơi bằng cao su, bằng dù bơm nước vào để dạy cho các em. Hoặc có thể dạy ngay ở ao hồ, sông suối trong sự giám sát của người lớn.
Trong trường học thì nên có các bài học giúp các em phân biệt những chỗ nguy hiểm không nên bơi lội, ứng phó khi có tình huống đuối nước... Bên cạnh đó, khi trên địa bàn có các hố sâu, các hồ nguy hiểm, các bậc cha mẹ cũng cần có ý kiến, yêu cầu các ngành chức năng phải rào lại hố sâu, dựng các điểm cảnh báo. Tôi nghĩ rằng, quan trọng nhất là người ta có muốn làm hay không, nếu muốn làm thì có rất nhiều cách bảo vệ trẻ em, còn nếu không thì cứ đổ cho khó khăn, do cơ chế, do thiếu kinh phí. |
Theo Dân Việt