Đầu năm, thăm xã cử nhân bên sông Gianh

Từ lâu làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, Quảng Trạch, Quảng Bình nổi tiếng là đất học. Ngôi làng nhỏ ấy đã sinh ra trên 600 cử nhân, trên 30 giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ cùng hàng chục vị tướng - tá đang phục vụ trong lực lượng Quân đội, Công an.

Đầu năm, chúng tôi xông đất Văn Hóa để nghe về sự học.

"Nong vàng không bằng sàng chữ"

Làng Lệ Sơn nằm trong Bát danh hương (Sơn - Hà - Cảnh - Thổ, Văn - Võ - Cổ - Kim) của miền đất cát trắng - Quảng Bình. Nơi đây người ta thi nhau lấy việc học làm thước đo sự thành đạt, trưởng thành.

Theo con đường làng phẳng lỳ, chúng tôi tìm đến gặp cụ giáo Lương Ngọc Đệ. Năm nay cụ Đệ đã hơn 83 tuổi nhưng cụ vẫn còn rất minh mẫn. Việc to, việc nhỏ của làng đều đến tay cụ Đệ. Bên ấm trà xuân đầu năm, cụ Đệ lần hồi ký ức lịch sử đất học của làng mình kể cho chúng tôi nghe: Theo cụ thì cốt làng Lệ Sơn tốt lắm. Từ làng nhìn sang phía sông Gianh có Lèn Rồng, lên hướng Đông Nam có dãy núi Lèn Bảng, quay hướng Tây Bắc có lèn Bạch Mã, rồi sông Gianh uốn mình ôm lấy làng như cánh võng...

Thế địa của làng vậy nên năm 1471, tướng quân Lê Văn Hành hộ tống vua Lê Thánh Tông dẹp loạn Chiêm Thành đóng quân ở Thanh Khê đã ngược thuyền lên Vông Vang nhìn thấy địa thế vùng đất này đã ghi nhớ. Sau đó, khi nước yên, ông xin vua Lê cho cùng đinh tráng của 8 họ vào khai khẩn 800 mẫu ruộng để lập ấp và đó là sơ khai của làng Lệ Sơn bây giờ. Lập ấp rồi, tướng quân Lê Văn Hành đích thân ra Nghệ An mời thầy đồ Nghệ Trần Cảnh Huống vào dạy học mở mang dân trí.

Trường tư thục của làng ra đời từ đó. Mười tám ông Cử, ông Nghè qua các thời kỳ khoa bảng là sự ghi nhận cho đạo học của làng. Vượt lên đói nghèo, chống lại khắc nghiệt của thiên nhiên, người dân nơi đây đặt việc học lên hàng đầu. Thế mới có câu: "Nong vàng không bằng sàng chữ". Những chủ trương lệ làng đặt ra như: "khuyến học khuyến tài", "Khuyến điền", dành những thửa ruộng tốt cho ai đỗ đạt cao thực sự khuyến khích người người, nhà nhà học chữ.

Đầu năm, thăm xã cử nhân bên sông Gianh - 1
Cụ giáo Lương Ngọc Đệ hằng ngày vẫn ra đình làng giảng điều hay lẽ phải cho con cháu.

Một phần tư dân số của làng làm nghề dạy học

Thật hiếm có vùng đất nào mà ngày Tết, ngày hội làng lại được trông chờ như ở làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa. Cả năm con cháu đi làm ăn xa, đi học thành tài, người làng trông đợi các cô, cậu cử chung vui với làng trong ba ngày Tết.

Ông Lương Xuân Quế, Bí thư Đảng uỷ xã Văn Hóa khái quát cho chúng tôi đôi nét về đất học với vẻ tự hào thể hiện qua ánh mắt đầy niềm tin, trọn vẹn: "Với tinh thần giáo dục là quốc sách, xã hội hóa giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ địa phương. Cụ thể như xây dựng vật chất, coi trọng chất lượng giảng dạy, giáo dục cho con em từ lúc bước vào trường học, khuyến học khuyến tài. Từ đó, nhà nhà, người người chú tâm vào việc học, nâng cao dân trí, góp phần phục vụ quê hương, đất nước".

Cả làng Lệ Sơn chỉ có 3.500 nhân khẩu nhưng đã có hơn 800 người làm nghề dạy học ở các cấp học, ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Một phần tư dân số của làng làm nghề dạy học, quả là một câu chuyện hiếm ở nước ta.

Theo thống kê tương đối đầy đủ, xã Văn Hóa đã có trên 600 cử nhân, trên 30 PGS, GS, TS, và hàng chục vị tướng, tá trưởng thành.

Những gương mặt tiêu biểu có thể kể như: 2 anh em ruột là nhà nghiên cứu lịch sử danh tiếng GS Lương Duy Trung và Lương Duy Thứ. GS. TSKH Nguyễn Tư Thế làm ở Bệnh viện Trung ương Huế; PGS - TS Lương Ngọc Bính, hiện là Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình; ông Lê Duy Bách, một trong những TS đầu tiên của ngành Địa chất…

Hằng ngày, trên chiếc loa của làng lại dành thời gian để nêu những gương mặt tiêu biểu, kết quả học tập, những vấn đề liên quan đến giáo dục của làng để động viên khích lệ.

Theo Công An Nhân Dân