Hà Nội:

Đầu năm học, SV “khát” phòng trọ

(Dân trí) - Mong muốn tìm một căn phòng vừa ý, giá cả phù hợp đang trở thành nỗi “khát khao” của nhiều sinh viên, nhất là các sinh viên năm 1 mới "chân ướt chân ráo" lên thủ đô.

Có nhiều nguyên nhân khiến các bạn sinh viên (SV) muốn thay đổi chỗ ở, có thể do nhà trọ quá xa trường, không gần bến xe buýt, giá phòng trọ quá cao, có phòng thì lại quá chật chội và ngột ngạt, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo.
 
Đầu năm học, SV “khát” phòng trọ  - 1
Những căn nhà trọ lụp xụp với giá tiền triệu tại Hà Nội.

Phòng nào tiền ấy...

Thời tiết ở Hà Nội vào những ngày đầu tháng 10 khá mát mẻ, nhưng cơn sốt phòng trọ ở nơi đây thì vẫn rất “ nóng”. Tại khu vực gần một số trường đại học cụm khu vực Thanh Xuân như Trường ĐH Khoa học XH &NV, ĐH Khoa học Tự nhiên, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, ĐH Kiến trúc Hà Nội... chúng tôi không khó bắt gặp hình ảnh các tân SV “dắt díu” nhau đi tìm phòng trọ, thậm chí có cả phụ huynh đi kèm. Gặp Nguyễn Thị Vân - SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn đang lang thang cùng mẹ đi tìm phòng trọ, Vân than thở: “ Mẹ con em đi tìm phòng trọ suốt buổi sáng mà vẫn chưa tìm được, có phòng thì giá mắc quá không thuê nổi. Toàn có 1,6 triệu/phòng cho 2 người còn không thì 3,2 triệu cho 4 người ở chưa kể điện nước. Em đang ở nhờ một chị ở dưới Hà Đông nhưng xa quá muốn tìm phòng gần trường ”. Mẹ Vân than thở: “Tính ra ở thế này đã mất đứt 1 triệu tiền phòng rồi, cộng với tiền ăn, tiền sinh hoạt hàng tháng. Một tháng nuôi con học đại học bình quân mất 2,5 triệu. Tốn kém quá!”.

Tại khu vực Cầu Giấy, nơi tập trung nhiều trường ĐH, giá phòng ở đây cũng không mềm chút nào. Chúng tôi Gặp Vũ Thị Lan cùng Minh Thư là SV năm thứ nhất Trường ĐH Quốc gia Hà Nội đang đi gõ cửa từng khu trọ để tìm phòng. Lan tâm sự: “Bọn em có chỗ ở rồi nhưng giá cao quá 1,8 triệu/phòng hai người ở. Đấy là chưa tính điện nước. Thời gian đầu bố em xuống thuê không biết thỏa thuận với cô chủ nhà là thế nào nhưng khi bố em về bọn em ở được 1 tháng thì cô bảo 1, 8 triệu chưa tính điện nước thu thêm của mỗi đứa 200 nghìn. Xót quá! Nên hai đứa bảo nhau đi tìm phòng khác thuê chứ ở như thế không chịu nổi”.

Nằm sâu trong ngõ 165 Xuân Thủy có một khu nhà trọ SV, nhưng phòng trọ thì lụp xụp mái phibrô xi măng bị thủng lỗ chỗ, nếu vào ngày mưa to thì phòng trọ dột như ngoài sân, SV phải đem chậu ra hứng nước. Hoàng Tùng - tân SV Học viện Báo chí tuyên truyền tâm sự: “Phòng này bọn em thuê có 1,2 triệu/tháng, ở được 3 người nhưng mà vào những ngày mưa khổ quá. Đầu tiên chúng em không biết phòng bị dột, có hôm đi học về thấy sách vở quần áo bị ướt sạch, nền nhà thì lênh láng nước. Mấy anh chị khóa trước bảo phòng trọ bọn em bị dột nhiều nhất nên chủ nhà mới lấy giá mềm như vậy. Đúng là phòng nào thì tiền nấy”.

Trái ngược với hoàn cảnh sống của Hoàng Tùng, Thu Hương - SV ĐH Ngoại ngữ được bố mẹ thuê cho căn phòng rất khang trang, với mức giá 2 triệu/phòng. Nhưng khổ nỗi khu xóm trọ của em toàn người đi làm, người ra người vào tấp nập tiếng xe cộ cùng tiếng cười đùa thâu đêm suốt sáng khiến Hương không ngủ được. Chỉ có tháng đầu xuống học mà Hương sút mất 2 cân. Thương con gái quá bố mẹ Hương lại lên Hà Nội đi tìm phòng trọ khác cho con.

Cựu SV chưa ra, tân SV đã đến

Tình trạng khan hiếm phòng trọ ở thủ đô một phần do không ít SV ra trường cố gắng bám trụ ở Hà Nội mong muốn tìm được việc làm phù hợp với ngành học của mình. Chính vì vậy, cứ hết khóa này đến khóa khác, SV tốt nghiệp ra trường nhưng vẫn ở lại thủ đô, người tăng nhưng phòng trọ thì có hạn khiến giá phòng tăng lên vùn vụt. Nhiều chủ nhà còn tuyên bố thẳng thừng bây giờ người thuê cần họ chứ họ thì không cần, phòng vừa có người trả là đã có người khác đến đặt tiền luôn, phòng trọ lúc nào cũng trong tình trạng “cháy” nên giá cả tăng lên là chuyện bình thường.

Bác Thông, một chủ nhà trọ ở khu vực Cầu Giấy, cho biết: “Hàng ngày, có đến vài lượt người đến hỏi thuê phòng, nhưng phòng nhà tôi chẳng bao giờ trống cả, cả đám SV thuê ở đây bốn năm trời mà bây giờ ra trường rồi cũng chẳng thấy chúng nó trả phòng gì cả.”
 
Đầu năm học, SV “khát” phòng trọ  - 2
Không ít sinh viên liên tục phải chuyển nhà vì phòng trọ tăng giá.

Nguyễn Thu cựu SV Trường ĐH Thương Mại vừa ra trường được mấy tháng quyết định ở lại Hà Nội tìm việc làm. Căn phòng Thu thuê dưới Cầu Diễn có mức giá 1,5 triệu, rộng chừng 13m2. Một mình thuê không chịu được "nhiệt", Thu rủ thêm hai em SV mới cùng quê vào ở cùng để bớt giá phòng. Thu tâm sự: “Bây giờ mọi thứ đều đắt đỏ, giá phòng, điện nước tăng theo từng tháng. Em cố bám trụ xin việc làm tạm ở đây, bao giờ xin được việc ở quê thì em về. Ở Hà Nội ít tiền thấy mệt mỏi lắm”.

Trong vai người đi tìm phòng trọ, chúng tôi tìm đến một xóm trọ ở đường Nguyễn Phong Sắc kéo dàì. Xóm trọ có khoảng 20 phòng khá rộng rãi, những tưởng sẽ có phòng trống nhưng tất cả đều đã kín mít, phần đông SV vừa ra trường đều giữ phòng để tìm việc làm tại Hà Nội. Thư Hồng - cựu SV Học viện Báo chí tuyên truyền tâm sự: “Bọn em vừa ra trường nên cũng mong muốn tìm kiếm cơ hội việc làm ở thủ đô cho va vấp mà về quê cũng không xin được việc ngay nên cứ bám trụ ở đây. Được khi nào hay khi đấy, phòng trọ thì bọn em ở đây cũng quen rùi, giờ đi tìm phòng ngại lắm, mà phòng nào cũng đắt ngang nhau cả”.

Hoàng Lan - SV Trường ĐH Luật cho hay: “Mới lên Hà Nội, “lạ nước lạ cái”, em không thông thạo đường, chỉ biết đi tìm phòng trọ loanh quanh gần trường mình học. Em gặp được một chị SV năm cuối đang có nhu cầu tìm người đến ở ghép. Em đến ở cùng chị luôn, chẳng biết thế nào nhưng chị ấy học khóa trên lại cùng trường nên em cũng thấy yên tâm hơn".

Hương Thắm