Đáp câu hỏi “Em muốn mức lương thế nào” để vẹn lòng đôi bên?

(Dân trí) - Nên trả lời câu hỏi mức lương thế nào để vừa hài lòng nhà tuyển dụng vừa đạt mục đích mong muốn là một trong số nhiều câu hỏi thú vị được giải đáp tại tọa đàm “Sinh viên ngành Tài chính ngân hàng với cơ hội nghề nghiệp trong cuộc CMCN 4.0”. Tọa đàm do Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐH Thương mại tổ chức ngày 25/11.

Thời 4.0: Xã hội và cơ hội công bằng hơn…

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động thay đổi, sắp xếp lại lực lượng xã hội với 4 từ khóa chủ chốt: trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn (big data) và công nghệ in 3D. Khi cuộc cách mạng 4.0 bùng nổ, bạn trẻ cũng phải có những thay đổi và đáp ứng tích cực với những biến đổi và đòi hỏi của thị trường việc làm ngay từ khi ngồi ghế giảng đường.

Ông Hoàng Anh Minh - Trưởng phòng khách hàng lớn - Ngân hàng MB, chi nhánh Hoàn Kiếm dẫn số liệu thống kê cho hay, 90% các ngân hàng ở Việt Nam tinh giảm chi nhánh, phòng giao dịch từ nay đến năm 2020. Đó là thách thức không nhỏ đối với các sinh viên tài chính ngân hàng sắp ra trường.


Khách mời tọa đàm là những chuyên gia đến từ các Tổ chức trung gian tài chính có uy tín. Từ trái sang phải: Ông Lê Đức Phương, ông Nguyễn Bá Đức, ông Hoàng Anh Minh và MC chương trình.

Khách mời tọa đàm là những chuyên gia đến từ các Tổ chức trung gian tài chính có uy tín. Từ trái sang phải: Ông Lê Đức Phương, ông Nguyễn Bá Đức, ông Hoàng Anh Minh và MC chương trình.

Ông Lê Đức Phương - Phụ trách quan hệ các định chế tài chính quốc tế - Ngân hàng Techcombank nhấn mạnh, ở thời đại 4.0, con người vẫn có thể cạnh tranh với máy móc, ở những công việc với có tần suất không cao, và chưa từng bao giờ xuất hiện trước đây.

Điều đó đòi hỏi bạn trẻ phải nhận thức được bản thân, biết mình phải cạnh tranh ở điểm gì và làm sao để tối đa hóa lợi thế của mình.

Xã hội đang dần công bằng hơn, người có trí tuệ sự sáng tạo sẽ chiến thắng “hậu duệ, tiền tệ”. Lời nhắn của ông Phương với sinh viên là công việc chỉ mất đối với những người không có kỹ năng về công nghệ, nhưng nó sẽ là bàn đạp để phát triển cho những sinh viên có khẳ năng thích ứng, thay đổi, và học hỏi nhanh.


Diễn giả Hoàng Anh Minh.

Diễn giả Hoàng Anh Minh.

Chia sẻ về kinh nghiệm chuẩn bị hành trang nghề nghiệp và lộ trình công danh trong ngành tài chính ngân hàng, ông Nguyễn Bá Đức - Phó Tổng thường trực - Công ty tài chính Ngân hàng SHB khẳng định, mục tiêu cá nhân quan trọng hàng đầu: “Nhất là các bạn sinh viên ở tỉnh lên thủ đô học tập, nếu không đặt mục tiêu cụ thể thì sẽ trôi dạt lang thang không biết đi về đâu sau khi ra trường...”.

Bạn trẻ cũng cần biết thế mạnh, mong muốn, đam mê của bản thân để có hướng đi phù hợp. Thay vì ngồi mong ước, các bạn cần đặt mục tiêu rõ ràng và đặt mốc sau 6 tháng – 1 năm – 3 năm – 5 năm tới, mình sẽ làm gì, vươn tới vị trí nào…

Thái độ - kỹ năng - kiến thức là ba yếu tố quan trọng để cử nhân tài chính ngân hàng bước vào thị trường lao động.

Xây dựng bước nền đầu tiên vững chắc

Hội trường “nóng” lên bởi nhiều thắc mắc trăn trở của các bạn sinh viên và những giao lưu chia sẻ tận tình của các vị diễn giả.

“Em nên lĩnh hội tất cả kiến thức giảng đường hay đi làm thêm sớm? Ở phương án thứ nhất, em có thể ra trường với bằng giỏi nhưng phương án thứ 2 thì em chỉ ra trường với bằng trung bình hoặc khá”, một nam sinh viên năm nhất đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Bá Đức - Phó Tổng thường trực - Công ty tài chính Ngân hàng SHB cười đáp: “Tôi ra trường với bằng Trung bình khá, chưa bao giờ được học bổng đại học. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu các em nên chú tâm lĩnh hội tất cả kiến thức nhà trường vì nó sẽ mở ra hành trang cho em bước vào đời. Hãy bước chân đầu tiên đừng bước vội, dù chạy nước rút hay marathon cũng phải bước những bước đầu tiên. Đừng nghĩ kiến thức trong trường là lí thuyết, nó dạy cho em hệ tư duy và tầm nhìn xa”.

Tọa đàm thu hút đông đảo sinh viên tham dự, các bạn hào hứng đặt câu hỏi.
Tọa đàm thu hút đông đảo sinh viên tham dự, các bạn hào hứng đặt câu hỏi.

“Em chỉ được bằng trung bình, CV sơ sài gần như không có gạch đầu dòng nào ngoài tên tuổi. Vậy các diễn giả với tư cách nhà tuyển dụng có nghĩ xấu về em không với tấm bằng trung bình?”, một sinh viên giấu tên hỏi.

Là người có 10 năm ngồi trong hội đồng tuyển dụng ngân hàng MB (chi nhánh Hoàn Kiếm), diễn giả Hoàng Anh Minh khẳng định: “Tôi không nghĩ xấu về ứng viên như bạn. Mỗi năm, hội đồng chúng tôi tuyển dụng 100 người mới. Đầu tiên, ở lĩnh vực kinh doanh chúng tôi thường không nhận bằng giỏi, bằng giỏi phù hợp với các vị trí khác hơn. Chúng tôi cần nhiều kỹ năng, quan trọng nhất thái độ khi vào phỏng vấn, sự chuẩn bị của các bạn chứ không phải bằng cấp”.

Theo ông Minh, ứng viên phải liên tục cập nhật kiến thức. Bằng cấp là một chuyện nhưng thực tế là bạn có kiến thức gì trong đầu để khi ngồi trước nhà tuyển dụng có thể nói về đam mê, những gì bạn có thể làm được. Đó mới là điều nhà tuyển dụng cần và hứng thú.

Kỹ năng thiết yếu của nhân lực ngành tài chính ngân hàng?

Rất nhiều sinh viên cũng băn khoăn về cách thể hiện và gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn (trang phục, cách giao tiếp ứng xử)?

Diễn giả Lê Đức Phương đáp: Trong ngành tài chính ngân hàng phong cách ăn vận rất quan trọng. Nam nên mặc sơ mi, vest, quần âu, giày âu, cà vạt dài đến rốn (đừng dài quá thắt lưng hoặc ngắn đến ngực). Bạn nữ nên mặc sơ mi, đối với mùa đông mặc áo dạ dài, bên trong áo sơ mi, váy dài đến đầu gối, mang giày cao gót…

Diễn giả Hoàng Anh Minh cho rằng, trước khi lựa chọn trang phục đi phỏng vấn, các bạn sinh viên nên dành thời gian tìm hiểu về đồng phục của nơi mình sắp đến phỏng vấn. Có như vậy, bạn có thể lựa chọn trang phục có nét "tương đồng" với màu sắc nhận diện của đơn vị tuyển dụng. Điều này làm tạo sự gần gũi, thiện cảm với người phỏng vấn ngay từ những lần gặp đầu tiên.

Giải đáp băn khoăn: “Em nên trả lời câu hỏi mức lương thế nào để hài lòng nhà tuyển dụng vừa đạt mục đích mong muốn?”, ông Lê Đức Phương lưu ý: Muốn trả lời câu hỏi tiền lương, trước hết phải hiểu công việc của bạn yêu cầu một người như thế nào? Bạn có phù hợp để người ta nhận vào hay không? Người ta sẽ chọn người phù hợp chứ không chọn người giỏi nhất. Khi được hỏi mức lương, có 2 trường hợp xảy ra.

Trường hợp 1 - người phỏng vấn bạn là người bỏ túi tiền ra trả lương cho bạn và Trường hợp 2 - người phỏng vấn không phải là người bỏ túi tiền ra trả lương (Ở ngân hàng trường hợp 2 rất nhiều).

Diễn giả Lê Đức Phương giải đáp câu hỏi về trang phục đi phỏng vấn ngành tài chính – ngân hàng.
Diễn giả Lê Đức Phương giải đáp câu hỏi về trang phục đi phỏng vấn ngành tài chính – ngân hàng.

“Khi người phỏng vấn không bỏ tiền túi trả lương thì mức lương sẽ dựa vào barem đối với mỗi vị trí tuyển dụng và yêu cầu tương ứng (số năm kinh nghiệm, bằng, vị trí). Ví dụ barem là 5-7 triệu mà bạn trả lời là 3 triệu hoặc 8 triệu đều “chết”.

Diễn giả này “bật mí”, trường hợp barem thì bạn trẻ nên trả lời câu hỏi thể hiện thái độ khiêm tốn, tinh thần cầu thị: Mới ra trường, em còn muốn học hỏi thêm, chưa đặt nặng vấn đề lương.

Đối với trường hợp 2, ứng viên có thể đề xuất mức lương theo mong muốn kèm lí do. Lí do phải thuyết phục và phải biết so với thị trường là bao nhiêu. Đưa mức lương xứng đáng và vì sao (em làm được gì? cam kết gì?)

Đáp câu hỏi “Em muốn mức lương thế nào” để vẹn lòng đôi bên? - 5

Nhiều sinh viên ra trường khi đã vượt qua “cửa ải” phỏng vấn nhưng lại không trụ được lâu tại nơi làm việc. Theo các diễn giả, hai nguyên nhân cơ bản nhất là do năng lực kém hoặc thái độ không đáp ứng tiêu chí/ mong muốn của tổ chức.

“Nhà tuyển dụng đánh giá các em 90% ở thái độ khi mới đi làm, các em không chăm chỉ chịu khó tập trung làm việc mà lười biếng, đố kị thì nguy cơ bị sa thải rất cao”, ông Hoàng Anh Minh chia sẻ.

Có thời gian dài học cấp 3 ở New Zealand, tốt nghiệp đại học và thạc sĩ tại Áo, diễn giả Lê Đức Phương nhấn mạnh, kỹ năng thiết yếu nhân lực ngành tài chính ngân hàng bắt buộc phải hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0 gồm: Microsoft; Kỹ năng mềm (nói chuyện trực tiếp, trên bàn ăn, qua điện thoại, mail, thuyết trình, kỹ năng đàm phán); Phân tích và quản lý, khai thác dữ liệu; Kỹ năng thích ứng và sáng tạo...

Lệ Thu