Đào tạo sau ĐH: Thiếu thực tiễn...

(Dân trí) - Chương trình đào tạo còn xa rời thực tế, nặng về hàn lâm; Phương pháp dạy học còn lạc hậu, vẫn thầy đọc trò chép... Đó là những vấn đề được đặt ra tại Hội nghị tổng kết công tác sau ĐH, vừa được tổ chức sáng nay (04/1) tại Hà Nội.

Theo báo cáo tổng kết, từ năm 1976 đến nay các cơ sở đào tạo sau đại học đã đào tạo được gần 8.400 tiến sĩ và 39.000 thạc sĩ. Riêng năm 2005, đã tuyển 15.670 học viên cao học và 1.385 nghiên cứu sinh, mở thêm 2 cơ sở đào tạo thạc sĩ và 4 cơ sở đào tạo tiến sĩ. Tổng số cơ sở đào tạo sau đại học trong cả nước hiện nay là 155 trong đó có 85 trường đại học và học viện, 70 viện nghiên cứu. Đây là bước phát triển vượt bậc của các cơ sở đào tạo sau đại học. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó đã bộc lộ nhiều yếu kém bất cập.

 

Chương trình đào tạo thạc sĩ quy định trong Quy chế đào tạo sau đại học có thời lượng lớn (từ 80 đến 100 đơn vị học trình), xa rời thực tế, không phù hợp với xu hướng chung của các nước trong khu vực và trên thế giới. Chương trình đào tạo thạc sĩ ở các cơ sở còn nặng nề, đơn điệu, nặng về hàn lâm, thiếu năng động và thực tiễn. Nội dung còn trùng lặp, nhắc lại kiến thức của bậc đại học.

 

Một số cơ sở đào tạo trong tuyển sinh còn chạy theo số lượng, chưa chú trọng tới chất lượng tuyển chọn; tổ chức thi chưa nghiêm, chưa ngăn chặn được các hiện tượng vi phạm trong thi cử, điều kiện dự tuyển mang tính chất đối phó với quy chế. Bên cạnh đó, phương pháp dạy - học lạc hậu và chậm đổi mới, thiếu năng động, sáng tạo. Tình trạng thầy đọc trò ghi, thiếu tính đối thoại đang diễn ra thường xuyên.

 

Yếu kém lớn nhất của đội ngũ giảng viên là một số giảng viên thiếu khả năng và thực tiễn hoạt động nghiên cứu khoa học, chưa thường xuyên tiếp cận những kiến thức chuyên môn mới, hiện đại.

 

Thừa nhận trước những yếu kém đó, Thứ trưởng Bộ GD -ĐT Bành Tiến Long cho rằng: “Nguyên nhân của những yếu kém này, một phần do Bộ Giáo dục còn thiếu những chính sách cần thiết để tạo sự chủ động cho cơ sở, nhiều khâu của quá trình đào tạo còn tập trung ở cấp Bộ tạo nên sự trì trệ, kém năng động và hiệu quả. Chính sách tài chính cho đào tạo sau đại học còn quá lạc hậu, không kịp thời điều chỉnh. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng và môi trường đào tạo sau đại học. Công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động đào tạo sau đại học chưa thường xuyên, các sai phạm không được xử lý dứt điểm và kiến quyết”.

 

Trước những bất cập này, Bộ GD -ĐT đã đưa ra những giải pháp như: Xây dựng chương trình đào tạo theo 2 hướng: nghiên cứu - phát triển và nghề nghiệp - ứng dụng, đặc biệt xây dựng các chương trình đào tạo thạc sĩ tiếp nối với các chương trình đại học tiên tiến đang triển khai ở các trường đại học hiện nay;

 

Rà soát lại các cơ sở đào tạo, cấp bằng tiến sĩ. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học trong đào tạo sau đại học. Thực hiện đào tạo thạc sĩ theo học chế tín chỉ. Xây dựng phương pháp kiểm tra, đánh giá khoa học, khách quan; tách hệ thống đánh giá khỏi hệ thống giảng dạy. Thực hiện việc kiểm định chương trình đào tạo đối với một số cơ sở...

 

Tán thành với giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm so sánh nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học với chống tiêu cực trong bóng đá của chúng ta hiện nay đó là một bài học kinh nghiệm. Yếu kém của giáo dục Việt Nam là đầu vào thì chặt, đầu ra thì lỏng. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học phải có bước đột phá. Do đó, cần phải nghiên cứu lại cơ chế, xây dựng đội ngũ giáo viên, tăng tính tự chủ cho các cơ sở đào tạo, đổi mới cơ chế tài chính, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

 

 

Mai Minh - Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm