Đào tạo ngành y còn nhiều bất cập

Nhu cầu đào tạo nhân lực ngành y đang “bị áp lực” tăng nhanh trong đó khi chất lượng đầu ra của đội ngũ này chưa đáp ứng được thực tiễn. Đa số sinh viên học sáu năm ra trường chưa đủ năng lực để hành nghề độc lập, thậm chí một số còn không sử dụng được.

Đó là thực trạng được chỉ ra tại hội thảo Đổi mới nhân lực ngành y do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 13-5 tại Thái Nguyên.

GS-TS Lương Xuân Hiến, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Thái Bình, cho rằng đào tạo nhân lực ngành y đang bộc lộ nhiều bất cập. GS Hiến chỉ rõ: “Nhiều trường hợp điểm tuyển sinh đầu vào ở một số trường quá thấp. Đối với các trường ngoài công lập, tình hình tuyển sinh như vài năm gần đây thì chất lượng đầu vào rất đáng báo động”.

Sinh
viên ĐH Y Dược Thái Nguyên trong một ca thực hành trên mô hình người bệnh. Ảnh:
HH

Sinh viên ĐH Y Dược Thái Nguyên trong một ca thực hành trên mô hình người bệnh. Ảnh: HH

Cũng theo ông Hiến, hiện có quá nhiều cơ sở đào tạo, kể cả các trường đa ngành cùng tham gia đào tạo nhân lực y tế. “Nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế. Thậm chí nhiều trường không có cơ sở thực hành, giáo viên thì vay mượn. Như vậy thì làm sao đào tạo nhân lực có chất lượng được” - ông Hiến lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên, nhận xét trừ số sinh viên thi tuyển theo “ba chung” đảm bảo chất lượng đầu vào; còn lại sinh viên đào tạo hệ cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, hệ liên thông, diện chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ thì chất lượng đầu vào còn hạn chế.

GS-TS Lương Xuân Hiến cũng cho rằng sau sáu năm đào tạo, đa số sinh viên chưa đủ năng lực để hành nghề độc lập. Nguyên nhân là việc dạy học không gắn với thực tiễn. “Đa phần các chương trình đào tạo hiện nay là những gì nhà trường đem áp đặt cho người học chứ chưa phải là cái xã hội cần” - ông Hiến nói.

GS-TS Phạm Huy Dũng, Trường ĐH Thăng Long (Hà Nội), cho rằng nguyên nhân của thực trạng này chủ yếu là do thiếu cơ sở thực hành lâm sàng, thời gian thực hành ít. “Theo tôi, để nâng cao chất lượng ngành y thì nên nghiên cứu đổi mới thực hành, để sinh viên tiếp cận lâm sàng sớm hơn, có thể từ ngay năm thứ nhất, thứ hai” - ông Dũng nói.

Để nâng cao chất lượng, ông Hiến đề nghị cần phải xây dựng các chương trình giảng dạy có chuẩn đầu ra phù hợp. Chuẩn đầu ra ở đây là phải lấy thực tế khách quan và yêu cầu của xã hội làm căn cứ chứ không phải là chuẩn do nhà trường quy định. “Bộ Y tế nên là cơ quan chủ quản chỉ đạo các trường xây dựng chuẩn đầu ra cho tất cả ngành, các trình độ đào tạo ngành y tế” - ông Hiến đề xuất.

Ngoài ra, Bộ Y tế cần sớm có văn bản về việc kết hợp mô hình viện - trường theo hướng sinh viên được học nhiều ở các bệnh viện.

Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có hơn 70 trường tham gia đào tạo ngành y, dược. Ngoài ra, hầu như mỗi địa phương có một trường cao đẳng y tế và hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp. Mỗi năm cả nước đào tạo khoảng 7.000 bác sĩ, tuy nhiên sử dụng được bao nhiêu vẫn chưa có con số chính thức.

 

Theo Pháp luật TP.HCM