Đào tạo Cử tuyển: Xét cả người Kinh đi học
(Dân trí) - Mục tiêu của đào tạo cử tuyển trình độ ĐH, CĐ đối với học sinh dân tộc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn là để đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho vùng này nhưng hiện nay một số tỉnh đã xét cả người Kinh đi học.
Ngày 11/9, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 năm thực hiện Nghị định số 134/2006/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ ĐH, CĐ, TC (2007 - 2013).
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, một số địa phương đã thực hiện nghiêm túc các văn bản quy định về chế độ cử tuyển, dành khoản kinh phí lớn cho đào tạo. Hàng năm đã nỗ lực phấn đấu thực hiện tuyển số chỉ tiêu đăng ký, tuyển đúng đối tượng, điển hình như các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Cao đẳng, Bắc kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sóc Trăng đạt 98% chỉ tiêu trở lên.
Trên địa bàn cả nước, các địa phương đã cử con em các dân tộc thiểu số thuộc 48/54 dân tộc đi học. Theo đó, trong giai đoạn 2007-2013, số lượng học sinh các dân tộc được cử tuyển vào các trường ĐH, CĐ là 12.805 người, đạt 8% chỉ tiêu; vào các trường Trung cấp là trên 2.000 em từ 55/63 tỉnh thành. Tuy nhiên, số tỉnh cử học sinh 2012 có xu hướng giảm dần, tới năm 2012 chỉ còn 29 tỉnh. Có tỉnh chỉ đạt trên 40% chỉ tiêu đăng ký. Số học sinh cử tuyển chủ yếu vào ĐH chiếm 83,9% tổng chỉ tiêu, trình độ CĐ chiếm 16%, không đồng đều ở các lĩnh vực mà tập trung các ngành đòi hỏi trình độ cao như: Y tế (chiếm 25,96%), kinh tế (16,82%), sư phạm (23,03%).
Tuy nhiên, khi thực hiện chế độ cử tuyển này, nhiều tỉnh đã làm sai quy định, một số tỉnh đã xét tuyển tỷ lệ học sinh người Kinh cao hơn quy định. Năm 2011, tỉnh Lâm Đồng cử 22/60 học sinh người Kinh, Đăk Nông cử 38/117 học sinh người Kinh. Một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vì không có người dân tộc thiểu số đã cử hoàn toàn người Kinh đi học; nhiều dân tộc thiểu số trong nhiều năm không có học sinh cử tuyển.
Nhận xét về học sinh cử tuyển, lãnh đạo nhiều trường đại học cho biết, học sinh, sinh viên hệ cử tuyển mặc dù có ý thức rèn luyện, phấn đấu, có tinh thần đồng đội, đoàn kết nhưng kiến thức văn hoá, đầu vào yếu, khả năng tiếp thu chậm hơn so với sinh viên khác do hạn chế bởi vốn từ Tiếng Việt. Do vậy, học sinh hệ cử tuyển khó khăn để hoàn thành khóa học, nhiều học sinh phải học lại với thời gian kéo dài, kết quả học tập thấp như Trường ĐH Kinh tế TPHCM có 3/37 sinh viên cử tuyển học kém buộc phải thôi học; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Nẵng nhiều học sinh phải dừng tiến độ để bổ sung kiến thức.
Nhiều ý kiến đại biểu dự hội nghị cho rằng, quá trình thực hiện việc xét tuyển của một số địa phương còn thiếu chặt chẽ, thiếu chính xác, tuyển sai khu vực, không đúng đối tượng… Đối với sinh viên tốt nghiệp ra trường không trở về địa phương công tác, nhiều địa phương không cương quyết trong việc bồi hoàn kinh phí đào tạo, mặt khác chính sách không có chế tài nên khó thực hiện…
Để thực hiện tốt chính sách cử tuyển, trong những năm tiếp theo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ cử tuyển từ cấp cơ sở đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, minh bạch trong xét tuyển lấy lại lòng tin của bà con dân tộc; hoàn thiện nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số trong các trường dự bị đại học và học sinh, sinh viên hệ cử tuyển trong các trường ĐH, CĐ, TC.
Để tránh thiệt thòi cho các trường bị thu hẹp chỉ tiêu tuyển sinh khi sinh viên hệ cử tuyển tập trung đăng ký nhiều, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay, Bộ sẽ nghiên cứu để tách chỉ tiêu hệ này ra khỏi tổng chỉ tiêu chung của trường. Đồng thời Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các tỉnh kiến nghị Chính phủ cho tăng chỉ tiêu hệ cử tuyển cho các vùng kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn và mở rộng nhiều ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng của các địa phương, ưu tiên tuyển chọn những học sinh thuộc dân tộc rất ít người. Bộ cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo và giao các bộ, ngành hướng dẫn các địa phương xây dựng chiến lược, kế hoạch và quy hoạch đào tạo, phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt công tác tuyển chọn, đào tạo và sử dụng; chuyển hướng tăng dần đào tạo hệ TC và dạy nghề.
Hồng Hạnh