“Đạo đức nhà báo không chỉ là chuyện của nhà trường"
Nhiều ý kiến cho rằng, cần nâng cao ý thức đạo đức nghề cho nhà báo ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Chuyên gia có đồng tình?
Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin được Đảng và Nhà nước giao phó, xứng đáng là phương tiện tuyên truyền sắc bén, hiệu quả, báo chí vẫn còn tồn tại một số hiện tượng cá biệt như đưa thông tin sai sự thật, một số ít nhà báo đã lợi dụng danh nghĩa nhà báo sách nhiễu địa phương, doanh nghiệp, gây bức xúc xã hội, vi phạm đạo đức báo chí…
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp cho phóng viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Phóng viên Vietnamplus đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền về vấn đề này.
- Xin ông cho biết, vấn đề đạo đức báo chí đang được đào tạo trong nhà trường như thế nào?
PGS, TS Hoàng Anh: Hiện nay, trong chương trình đào tạo cử nhân báo chí nhà trường có môn học chuyên biệt về đạo đức nghề nghiệp nhà báo để đào tạo các nhà báo. Tham gia giảng dạy môn học này không chỉ có các thầy cô trong trường, mà còn có cả các nhà báo có uy tín đang tác nghiệp tại một số cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, vấn đề đạo đức nghề nghiệp nhà báo còn được lồng ghép vào trong nhiều môn học khác, nhất là các môn học chuyên ngành. Có thể nói nội dung về đạo đức nghề nghiệp nhà báo là yếu tố xuyên suốt chương trình giảng dạy của nhà trường.
Song, đào tạo trong nhà trường mới chỉ là một phần, là sự khởi đầu. Bởi các nhà báo tuy đã được nhà trường trang bị nhiều kiến thức cần thiết nhưng khi tác nghiệp họ còn chịu sự ràng buộc của rất nhiều yếu tố, của nhiều mối quan hệ, bị chế định bởi nhiều điều kiện; mặt khác cuộc sống bao giờ cũng phong phú, đa dạng và nhiều yếu tố bất ngờ hơn ta hình dung.
Cho nên có người biết là sai mà vẫn làm; người khác không đủ khả năng phân định đúng, sai. Tôi nghĩ đạo đức nhà báo không chỉ là vấn đề của nhà trường. Sự trải nghiệm trong thực tiễn cuộc sống có ý nghĩa hết sức quan trọng.
- Theo ông, vậy có phải vì khi còn ngồi trên ghế nhà trường nhận thức còn non nớt, lại được các thầy cô tô vẽ màu hồng cho nghề nghiệp nên đến khi ra trường nhiều sinh viên báo chí gần như vỡ mộng khi tiếp xúc, va đập với thực tế khắc nghiệt của nghề?
PGS, TS Hoàng Anh: Tại sao lại vỡ mộng nhỉ?
- Vì kiến thức nhà trường dạy thế này, đến lúc các em đi làm nghề thực tế lại quá khác, thưa ông.
PGS, TS Hoàng Anh: Thứ nhất, kiến thức nhà trường là kiến thức chuẩn đã được phê duyệt, thẩm định. Nhìn chung, một chương trình đào tạo phải đáp ứng được năm tiêu chí nếu muốn được phê duyệt và đưa vào ứng dụng, đó là tính hệ thống, tính khoa học, tính hiện đại, tính thực tiễn và tính khả thi.
Hơn nữa, các chương trình cũng không phải nhất thành bất biến mà thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp nhất với điều kiện thực tiễn.
Mặt khác, các thầy cô giảng dạy cũng được bố trí phù hợp, bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn.
Tôi nghĩ, nếu sinh viên ra trường thấy thực tế khác xa với sách vở cũng là chuyện bình thường. Nhận thức của một người khi học trường với tư cách một sinh viên không phải lúc nào cũng giống như nhận thức của người đó khi ra ngoài xã hội với tư cách một công dân.
Theo tôi, trường học chỉ cung cấp kiến thức nền tảng, cốt lõi. Phần lớn các kiến thức, các kỹ năng người ta nhận được từ ‘trường đời.”
Nhà báo - “nhà văn hóa”
- Không biết ông có quan tâm không nhưng quả thực thời gian qua dư luận tranh cãi rất nhiều về cái gọi là “báo lá cải.” Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
PGS, TS Hoàng Anh: Tôi có cảm giác, những báo nào chạy theo những thông tin giật gân, câu khách, đáp ứng thị hiếu tầm thường của công chúng, vì lợi ích kinh tế thuần túy, được gọi là “báo lá cải.”
Để xảy ra tình trạng như vậy, trách nhiệm không chỉ thuộc về cơ quan báo chí, mà còn thuộc về cơ quan chủ quản báo chí và nhiều yếu tố liên quan khác. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin và kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ như hiện nay, các tờ báo chịu áp lực ghê gớm của sự cạnh tranh. Muốn tồn tại và phát triển, phải thu hút được công chúng.
Tôi nghĩ rằng, cho dù báo chí có là sản phẩm văn hóa tinh thần đặc biệt thì ở mức độ nào đó vẫn bị chi phối bởi các quy luật thị trường. Chỉ có điều anh phải làm thế nào để báo anh vừa hay, vừa hấp dẫn, được công chúng quan tâm mà vẫn giữ được tôn chỉ mục đích.
Còn nếu anh sa đà vào những chuyện đời tư, bạo lực, vv... chỉ nhằm để câu khách, chạy theo lợi nhuận thì anh có thể đánh mất mình, bị gọi là “lá cải.” Cái ranh giới này đôi khi rất mong manh.
Cá nhân tôi cho rằng, không nhất thiết phải “lá cải’ mới có nhiều công chúng, mới đạt được hiệu quả kinh tế cao. Vấn đề là ta phải tìm ra các giải pháp thích hợp trên cơ sở nghiên cứu công chúng, khảo sát thị trường, quy tụ được những người có năng lực, tâm huyết...
- Nhưng tôi đồ rằng đạo đức nhà báo trong thời buổi bây giờ đôi khi thôi thì đành xếp sau câu chuyện “nồi cơm bát gạo”?
PGS, TS Hoàng Anh: Sao cô lại nghĩ thế?
- Vì có thực mới vực được đạo mà, thưa ông.
PGS, TS Hoàng Anh: (Cười) Tôi nghĩ tất cả mọi thứ đều phải hài hòa. Bác Hồ từng dạy: Nhà báo là chiến sỹ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí của họ. Nếu làm báo mà luôn đặt vật chất lên hàng đầu thì quá nguy hiểm.
Tất nhiên, tôi hoàn toàn ủng hộ việc nhà báo có thu nhập cao. Vì điều kiện vật chất cũng có ý nghĩa rất lớn để anh làm việc toàn tâm toàn ý, đạt hiệu quả tốt hơn. Nhưng coi thu nhập là cái đích tối cao thì tôi nghĩ phải xem lại.
Tôi luôn nghĩ nhà báo là nhà văn hóa với ý nghĩa đích thực của từ này. Họ có ảnh hưởng không nhỏ đối với xã hội. Cho nên nhà báo cần cố gắng để xứng đáng với sứ mệnh của mình, với niềm tin của công chúng.
Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Theo Vietnam+