Đào tạo cử tuyển ở Bình Định:
Đánh trống bỏ dùi
Thực tế đào tạo cử tuyển những năm qua ở Bình Định đã cho thấy một thực tế đáng buồn: người cần thì không... về, trong khi đó người về thì... không cần!
Tuyển nhưng không... dụng
Từ năm 1999 đến nay, huyện miền núi Vân Canh đã cử được 51 học sinh (HS) đi học các trường ĐH, CĐ; huyện An Lão cử được 62 HS; huyện Vĩnh Thạnh cử được 65 HS, huyện Hoài Ân có 36 HS... Thế nhưng, đã có bao nhiêu HS tốt nghiệp trở về phục vụ quê hương thì không một cơ quan chức năng nào, kể cả những người trực tiếp cử HS đi học nắm được.
Bà La Mai Ngọc Bích, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Vân Canh, cho biết: "Những năm trước, do chưa có nguồn HS là người dân tộc thiểu số tốt nghiệp THPT nên huyện đã phải cử một số HS người Kinh đi học cử tuyển. Số này học xong đi đâu huyện không quản lý được. Còn từ năm 2000 đến nay, hầu hết HS tốt nghiệp đã được bố trí việc làm".
Thế nhưng, theo những "địa chỉ" cụ thể mà bà Bích kể thì số cán bộ tốt nghiệp ĐH, CĐ theo diện cử tuyển được về công tác tại các cơ quan huyện, xã lại quá ít. Đã vậy, số HS được cử đi học hệ trung cấp tại các trường CĐ, THCN theo yêu cầu của địa phương, tốt nghiệp về còn khó bố trí, sắp xếp công việc hơn. Chị Đoàn Thị Kim Hoa, người dân tộc Bana, sau khi lấy được bằng trung cấp nông nghiệp của Trường kinh tế kỹ thuật Bình Định đã phải ở nhà chờ việc gần một năm nay. Chị Hoa tâm sự: "Xin việc ở huyện, thật tình tôi cũng không dám mơ ước, chỉ mong muốn có một "chân" ở xã để khỏi thất nghiệp đã toại nguyện lắm rồi. Vậy mà, cũng không làm sao xin được". Ông Hồ Văn Sơn, Trưởng phòng nội vụ - thương binh xã hội huyện Vân Canh cho biết: "Từ năm 1995 đến nay, huyện Vân Canh có đến 40- 50 cháu ra trường nhưng chỉ có 3 cán bộ về hưu thì làm sao bố trí, sắp xếp được".
Cử tuyển học sinh người dân tộc thiểu số đi học ĐH - CĐ là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở miền núi trở về phục vụ đồng bào tại địa bàn mình cư trú. |
Đánh trống bỏ dùi
Hằng năm, Bộ GD - ĐT ấn định chỉ tiêu cử tuyển và đào tạo cử tuyển các ngành học cho các trường và các địa phương. Ông Hồ Xuân Cường, Trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Bình Định khẳng định: "Các chỉ tiêu này thường không xuất phát từ nhu cầu thực tế của từng địa phương. Do đó, nhiều ngành HS học về chưa sử dụng được trong khi những ngành có nhu cầu lại không có ai đi học. Vậy nên, người thiếu vẫn cứ thiếu, người thừa vẫn cứ thừa".
Cũng theo ông Cường, những năm trước đây, nhiều huyện miền núi còn đề nghị tỉnh cho thêm chỉ tiêu đào tạo cử tuyển hệ trung cấp phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhưng đến khi HS ra trường, các huyện lại không bố trí, sắp xếp được công ăn việc làm cho HS. Vì vậy, năm vừa qua, trung ương bắt đầu giao thêm chỉ tiêu đào tạo cử tuyển hệ trung cấp nhưng rất ít HS người dân tộc thiểu số muốn đi học.
Cũng do chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa nơi cử đi học và nơi đào tạo nên "đầu ra" của HS cử tuyển đã không được quản lý chặt chẽ. Cơ quan cử đi học và UBND các cấp không thể theo dõi được số HS, SV cử tuyển đang học tại các trường. Thậm chí HS bỏ học hay bị kỷ luật cơ quan cử đi học và chính quyền địa phương cũng không được thông báo. Chính vì tình trạng "đánh trống bỏ dùi" như vậy nên mặc dù có quy định bồi hoàn học phí, học bổng và kinh phí đào tạo đối với SV, HS tự ý bỏ học hoặc không chịu chấp hành sự phân công công tác sau khi tốt nghiệp nhưng tỉnh cũng không kiểm soát được.
Không thể phủ nhận tính đúng đắn của chính sách cử tuyển, nhưng thực hiện sao cho có hiệu quả mới là quan trọng.
Theo Ngọc Quỳnh - Thu Hiền
Thanh Niên