Đánh dấu sai trừ điểm, quy luật có khó hiểu?

(Dân trí) - Ngay sau khi Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đưa ra thông tin nếu thí sinh trả lời sai câu hỏi trong bài thi nghiệm sẽ bị trừ ¼ số điểm câu đó thì đã có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra.

Trong những ý kiến trái chiều đó có không ít phân tích về việc nếu trừ điểm như vậy sẽ gây sốc cho học sinh. Tuy nhiên theo quan điểm của chúng tôi thì phân tích này hoàn toàn không có cơ sở.

Không có chuyện bước làm đúng chọn đáp án sai

Nhiều học sinh cho rằng việc mình chọn đáp án sai là do tính toán không cẩn thận nên mặc dù phương hướng làm bài đúng nhưng đến đáp số thì sai. Song trên thực tế đề thi trắc nghiệm ở kì thi ĐH, CĐ không có khả năng này.

Nếu để ý đáp án các câu hỏi ở đề thi trắc nghiệm từ năm 2006 trở lại đây thì thông số đưa ra trong 4 đáp án là khác nhau một trời một vực. Chỉ có cách làm đúng thì mới ra được con số tròn chĩnh như một trong 4 đáp án đưa ra. Nếu làm sai thì sẽ khó có chuyện kết quả trùng với các đáp án trong câu hỏi.

Hơn thế nữa mức độ của đề thi ĐH, CĐ chưa thể đạt đến kỹ năng làm tròn sai số một cách chi li hay ra đến độ đánh đố thí sinh như làm theo phương pháp sai cũng ra một kết quả ở một trong 4 đáp án đưa ra…

Trao đổi với báo chí chiều ngày 3/3, Thứ trưởng Thường trực Bành Tiến Long cho biết là Bộ GD-ĐT vẫn chưa có chủ trương trừ điểm ngược đối với hình thức thi trắc nghiệm.

Như chúng ta đã biết nguyên tắc chấm thi trắc nghiệm là chỉ cần kết quả cuối cùng còn trước đó thực hiện như thế nào là kỹ năng của mỗi thí sinh.

Do đó việc thí sinh đánh dấu vào câu trả lời sai chỉ là mánh khoé “cầu may” khi làm bài thi trắc nghiệm.

Điển hình như kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007, nhiều thí sinh bước ra hỏi phòng thi đều hồ hởi khi làm hết các câu hỏi nhưng khi nói mức độ chính xác thì nhiều thí sinh lắc đầu trả lời: “Thời gian không đủ nên em đánh dấu bừa để cầu may, có bị trừ điểm đâu mà sợ”.

Tuy nhiên, không phải thí sinh nào cũng có “mánh khoé” như trên, nhiều em có năng lực tốt làm bài không bao giờ đánh dấu bừa, chỉ khi làm ra kết quả trùng với đáp án đưa ra các em mới chọn. Còn các câu không làm hoặc làm chưa ra kết quả các em đều bỏ trống.

Đối với kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì việc chênh nhau 0,25 điểm là có thể quyết định việc mình đỗ hay trượt. Do đó nếu còn kẽ hở trong việc ra đề hay không có những quy chế khắt khe sẽ làm mất công bằng trong tuyển sinh.

Hơn thế nữa, chúng ta cũng không thể biến những thí sinh trung thực thành những thí sinh thiếu trung thực chỉ vì suy nghĩ cạnh tranh với những thí sinh “mánh khoé” trong việc lựa chọn đáp án thi trắc nghiệm.

Quy luật có khó hiểu?

Cách đây khoảng 1 năm, bà Ding Ya Wen, một người có 10 năm làm công tác cải cách phương pháp ra đề thi ở Đài Loan cũng đã có ý kiến đóng góp với Bộ GD-ĐT về hình thức thi trắc nghiệm.

Theo bà Ya Wen thì với đề trắc nghiệm chọn 1 trong 4 đáp án, xác suất đúng sẽ là 25%. Có những học sinh sẽ “đoán mò”. Do đó sẽ có hiện tượng “ăn may” . Vì thế chúng ta sẽ khó đánh giá một cách chính xác học lực của từng em. Nếu chúng ta sử dụng phương pháp “trừ điểm ngược” (đưa ra đáp án sai, sẽ bị trừ điểm), ở mức độ nhất định có thể hạn chế kiểu chọn bừa đáp án của học sinh.

Không những thế, ý kiến của bà Ya Wen được đông đảo thành viên diễn đàn giáo dục thuộc Bộ GD-ĐT đồng tình (trong đó có cả học sinh, sinh viên, giáo viên) bởi với hình thức này sẽ đảm bảo được công bằng cho thí sinh. Kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ là kiểm tra kiến thức và năng lực thực chất chứ không thể tồn tại sự “may rủi” trong việc chọn đáp án môn thi trắc nghiệm.

Theo ông Đào Duy Long, Phó hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội thì có nhiều hình thức thi trắc nghiệm khách quan. Có những nơi chỉ có hai phương án cho một câu hỏi, có nơi thì lại lên đến 5 phương án… Việc có ít đáp án hay nhiều đáp án trong một câu hỏi phụ thuộc vào kỹ năng ra đề thi cũng như tính chất của kì thi.

Ông Long cũng cho rằng việc trừ điểm ngược khi thí sinh trả lời sai chẳng có gì đặc biệt vì nhiều nước đã áp dụng. Nếu thí sinh có kiến thức, làm bài đúng thì quy định này sẽ không gây phiền hà mà có khi lại là động lực để thí sinh làm bài cẩn thận hơn.

Có thể việc thông tin Cục khảo thí đưa ra sẽ làm cho không ít thí sinh không có đủ kiến thức, dự thi với tư tưởng làm bài “cầu may” sẽ bị sốc song đối với những thí sinh có đủ kiến thức và năng lực thì đây chắc hẳn là một tin đáng để “ăn mừng”.

Nguyễn Hùng