“Dằn lòng” cho con học trường cấp ba nội trú để chuẩn bị du học
Theo thống kê từ Cục Đào tạo với nước ngoài, hiện có gần 110.000 công dân Việt Nam đang đi du học bao gồm cả diện học bổng và tự túc. Chuyện du học không còn là cánh cửa dành riêng cho “con nhà có điều kiện” mà ngày càng trở nên phổ biến, phù hợp với nhiều điều kiện kinh tế, năng lực khác nhau.
Nhưng câu chuyện chuẩn bị đi du học không đơn giản, đâu chỉ cần học thật giỏi, ngoại ngữ siêu là có thể an tâm. Nhiều phụ huynh phải “dằn lòng” gửi con mình vào trường cấp 3 nội trú trong nước để làm quen với cuộc sống tự lập trước khi du học.
Lầm tưởng chỉ cần nhà giàu hay học giỏi là đi du học ngon ơ
Thời điểm hàng trăm nghìn sĩ tử “chạy nước rút” để vượt qua kỳ thi tuyển sinh Cao đẳng, Đại học thì số khác lại khá thảnh thơi. Những học sinh này đã chắc suất đi du học, do nhà khá giả, không phải lo lắng về tài chính hoặc đã xin được học bổng. Nhiều người cho rằng, đi học nước ngoài với các cậu ấm cô chiêu, với những học sinh giỏi này quá dễ dàng nhưng ít ai biết trước đó, bên cạnh việc nỗ lực học tập các em và gia đình đã phải trải qua quãng thời gian dài tập thích nghi với cuộc sống tự lập.
Ngay khi Anh Vũ (18 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vừa tốt nghiệp THCS, gia đình đã định hướng cho cậu đến khi học xong cấp III sẽ đi du học.
Từ kinh nghiệm của bạn bè, đồng nghiệp bố Vũ hiểu rằng du học không phải là con đường trải đầy hoa hồng, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ngoài kiến thức còn cần khả năng tự lập. Đặc biệt cuộc sống nơi đất khách quê người, không có bố mẹ ở bên bao bọc, nhắc nhở thường xuyên, nếu con cái không thể tự chăm lo được bữa ăn, giấc ngủ, sức khỏe, thì khó hòa nhập được với nền văn hóa mới chứ đừng nói có thể học tập và phát triển tốt.
Vậy là, dù chỉ có Vũ là con trai duy nhất, anh vẫn “dằn lòng” gửi con học trường cấp III nội trú cách nhà hơn 40 km. “Chịu khó vất vả, học cách sống xa gia đình từ bây giờ còn hơn sau khi ra nước ngoài mới học, cháu sẽ rất bỡ ngỡ, có thể không hòa nhập được hoặc sẽ mất nhiều thời gian” phụ huynh của Vũ chia sẻ.
Thích tự lập nhưng Ngọc Dung (18 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) thừa nhận chưa bao giờ thoát ra khỏi sự bao bọc của bố mẹ. Điểm yếu về kinh nghiệm thực tế bộc lộ khi Dung tham gia các hoạt động ngoại khóa. Muốn thực hiện được ước mơ du học, Dung một mực xin bố mẹ cho thi vào trường cấp 3 nội trú ở Hòa Lạc. Cô bạn tâm sự: “Nhiều bạn bè của mình tự lập sớm, đang là học sinh nhưng đã đi đây đi đó hoặc có công việc làm thêm thú vị. Đến tận cấp 3, mình mới dám thoát khỏi sự bao bọc của gia đình, hơi muộn nhưng còn hơn là không.” Thấy Dung cương quyết, bố mẹ nữ sinh này cũng phải đồng ý dù trong lòng vô cùng lo lắng.
Học nội trú, rèn tự lập để du học hiệu quả
Học nội trú với Vũ ban đầu là chuỗi những ngày mất ngủ, sụt cân, sáng lên lớp chiều về ký túc xá, sống khép mình nên không có bạn bè. Lần nào về thăm nhà, Vũ cũng đòi nghỉ học. Mẹ cậu xót xa nhưng bố Vũ vẫn cương quyết đưa con lên trường, đồng thời động viên cậu thay đổi để hòa nhập với môi trường tập thể. Vũ kể: “Lần đầu tiên trong đời mình phải tập ăn những món trước đây chưa bao giờ đụng tới, phải ở chung phòng với gần 20 bạn, phải xếp hàng lấy cơm, tự tay giặt quần áo, lau sàn nhà…”.
Học nội trú, học sinh Trường THPT FPT phải thích nghi dần với môi trường mới, từ những việc nhỏ như làm quen với những món ăn không hợp khẩu vị, tránh say nắng khi vận động ngoài trời đến đặt mục tiêu và tự giác học tập, phân chia thời gian tham gia các câu lạc bộ.
Ngược lại với Vũ, Dung rất hào hứng với cuộc sống mới ở trường nội trú. Tính hướng ngoại, cái “Tôi” của Dung rất cao và luôn thể hiện điều đó trong tất cả các tiết học, các lần làm việc nhóm. Điều này vô tình khiến Dung trở nên “kiêu căng và thích chỉ đạo” trong mắt bạn bè. Cô bạn từng rơi vào trạng thái khủng hoảng khi luôn cố gắng thân thiện nhưng không được các bạn đáp lại. Nhờ sự tư vấn của cô giáo tâm lý tại trường, Dung mới hiểu: “Khi sống tập thể, mình phải quan tâm đến suy nghĩ, cảm nhận của người khác chứ không thể ích kỷ chỉ nghĩ đến mình.”
Sau 3 năm, từ một cậu học trò thành phố yếu ớt, Vũ đã cao lớn, rắn rỏi hơn. Cậu trở thành thủ lĩnh trong nhiều hoạt động thiện nguyện, chính điều này đã “cộng điểm” cho hồ sơ du học của Vũ khá nhiều. Cùng với thành tích học tập duy trì tốt, tiếng Anh được rèn luyện liên tục, Vũ nhận được học bổng vào một trường đại học công lập có tiếng của Úc. Ngày lên đường du học, bố mẹ Vũ cũng yên tâm vào khả năng tự lập, sự trưởng thành của con sau thời gian học tập ở trường nội trú.
Trường cấp 3 nằm trong khuôn viên trường Đại học với nhiều sinh viên quốc tế, Dung có môi trường trau dồi khả năng giao tiếp tiếng Anh. Cộng thêm năng khiếu sẵn có, khi chưa tốt nghiệp phổ thông, cô bạn đã đạt 8.0 IELTS và được trường đại học của Mỹ cấp học bổng. Sang Mỹ chưa lâu, Dung đã quen bạn bè mới và tìm được một công việc làm thêm bán thời gian nhờ khả năng giao tiếp tốt. Cô bạn tự tin: “Nhiều bạn bây giờ mới bắt đầu học cách sống xa gia đình thì mình đã quen với việc này từ cách đây vài năm. Mình có thể dành trọn thời gian và suy nghĩ cho những mục tiêu cao hơn.”
Ngọc Trâm