1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Đam mê điện ảnh của nữ sinh Việt nhiều lần "chạm trán" sao Hollywood

Vũ Quỳnh Mai

(Dân trí) - Bùi Anh Minh (SN 2002) trúng tuyển chương trình Thạc sĩ tại Đại học Wisconsin-Madison chuyên ngành Nghệ thuật Truyền thông (Điện ảnh) với cam kết hỗ trợ tài chính ít nhất 5 năm đến bậc học Tiến sĩ.

Sau 15 năm sinh sống và học tập tại Việt Nam, Bùi Anh Minh đã nộp hồ sơ và trúng tuyển với khoản hỗ trợ tài chính 70% học phí tại trường cấp 3 UWC ISAK, Nhật Bản.

Sau đó, nữ sinh Việt có theo học chương trình Cử nhân chuyên ngành Phát thanh/ Truyền hình/ Điện ảnh tại Northwestern University (xếp hạng thứ 28 trên thế giới năm 2024 theo Times Higher Education).

Trong quá trình học tập, Anh Minh luôn duy trì điểm số tối đa, giành được giải thưởng xuất sắc của khoa vào năm hai và lọt vào Dean's List (danh sách sinh viên có điểm trung bình từ 3.75 trở lên). Cô gái tốt nghiệp xuất sắc và được nhận danh hiệu "Summa Cum Laude" (danh hiệu học thuật danh giá nhất trao cho top 1-5% sinh viên của trường).

Đam mê điện ảnh của nữ sinh Việt nhiều lần chạm trán sao Hollywood - 1

Bùi Anh Minh từng tốt nghiệp xuất sắc và được nhận danh hiệu học thuật danh giá nhất Summa Cum Laude trao cho top 1-5% sinh viên của trường (Ảnh: NVCC).

Ngoài ra, Minh còn là thành viên của Lambda Pi Eta (LPH), một hiệp hội danh dự trực thuộc Hiệp hội Truyền thông Quốc gia Hoa Kỳ dành cho các sinh viên.

Mới đây, sau khi hoàn thành chương trình cử nhân, cô bạn đã nộp hồ sơ và trúng tuyển vào một số chương trình học Thạc sĩ của Đại học Pennsylvania, Đại học Nam California, Đại học Chicago,… Và Minh đã quyết định theo học Đại học Wisconsin-Madison với cam kết hỗ trợ tài chính ít nhất 5 năm lên bậc Tiến sĩ.

Khám phá chuyên ngành Điện ảnh

Xuất thân từ gia đình bố mẹ đều học kỹ thuật, bản thân Minh đã phải đắn đo, suy nghĩ rất nhiều khi lựa chọn theo đuổi con đường nghệ thuật. Đối với cô nàng, quyết định trường đại học và ngành học đã ảnh hưởng rất nhiều từ việc bản thân đi du học từ cấp 3. Khi tình cờ học một lớp về điện ảnh tại UWC ISAK, bản thân cô gái Gen Z cảm thấy rất hứng thú.

Giống như bất cứ ngành học nào cũng đều có những khó khăn riêng. Cô gái 10x ban đầu cũng gặp thử thách khi tập làm quen với ngành điện ảnh tại Đại học: "Khi mình mới học những lớp đầu tiên về lý thuyết, điều bản thân thấy khó nhất là việc đọc những cuốn sách phân tích phim.

Có những sách tác giả viết rất khó hiểu, dù mình dùng tiếng Anh như ngôn ngữ hàng ngày nhưng vẫn cần một khoảng thời gian để quen dần. Tuy nhiên, mình tự nhắc bản thân nếu không đọc nhanh được thì đọc chậm, đọc từ từ, đọc đi đọc lại đến khi mình hiểu mới thôi".

Đam mê điện ảnh của nữ sinh Việt nhiều lần chạm trán sao Hollywood - 2

Nữ sinh Việt có những kỷ niệm ấn tượng khi tham gia đoàn làm phim (Ảnh: NVCC).

Để nhanh chóng trau dồi kỹ năng với nghề, Minh rất chăm chỉ đi quay phim. Mỗi năm học ở trường có ba kỳ, thường mỗi kỳ, cô bạn sẽ đi quay một đến hai phim. Cô nàng Gen Z thường đảm nhiệm vị trí giám sát kịch bản (thư ký trường quay).

Ngoài ra, nữ sinh Việt cũng tham gia câu lạc bộ liên quan đến điện ảnh và nằm trong ban điều hành. Trong những năm cô bạn làm cho câu lạc bộ đã đồng tổ chức những buổi nói chuyện với sự góp mặt của nhà sản xuất phim "La La Land", đạo diễn phim "Miss Stevens", dựng phim "Những người còn sót lại (The Last of Us)",...

Trong các sự kiện câu lạc bộ tổ chức có một chương trình cô trực tiếp điều hành.

Chia sẻ về trải nghiệm, Minh kể lại trước khi lên sân khấu, bản thân cảm thấy khá hồi hộp. Tuy nhiên, cả hai khách mời là Allie Wasserman (Phó Chủ tịch phụ trách Chương trình tại HBO) và Louie Hayes (Giám đốc Phát triển tại FX Entertainment) đều rất thân thiện và gần gũi.

Vậy nên khi được trực tiếp lắng nghe những chia sẻ về trải nghiệm trong nghề và kinh nghiệm làm việc, nữ sinh 10X đã học hỏi được rất nhiều kiến thức thực tế về ngành.

Đam mê điện ảnh của nữ sinh Việt nhiều lần chạm trán sao Hollywood - 3

Buổi trò chuyện của Bùi Anh Minh với Allie Wasserman (Phó Chủ tịch phụ trách Chương trình tại HBO) và Louie Hayes (Giám đốc Phát triển tại FX Entertainment)

Những kỷ niệm, bài học đáng nhớ về làm phim

Nữ sinh đến từ Hà Nội cũng luôn ghi nhớ những bài học của các ngôi sao lớn bản thân từng được gặp gỡ.

"Đạo diễn Kabir Akhtar (đạo diễn từng đoạt giải Emmy, tham gia các dự án phim như "Crazy Ex-Girlfriend", "Never Have I Ever"...) từng nói với bọn mình khi làm phim đừng sợ không thu hút, nhất là bộ phim đầu tiên. Có ít ai làm được bộ phim thành công ngay từ lần đầu, nên hãy cứ làm và đừng sợ gì cả, cứ kiên trì rồi chúng mình sẽ trau dồi được kinh nghiệm".

Chia sẻ một trải nghiệm làm phim khiến Minh ấn tượng, cô bạn nhớ mãi một phim ngắn kể về một cô bé người Nam Mỹ đến nhập cư tại Mỹ. Có một cảnh quay cô bé nói chuyện với người bà của mình và hai người chia sẻ với nhau về những ước mơ của họ khi quyết định rời bỏ quê hương để tìm đến những cơ hội tốt hơn.

Điều khiến cô gái sinh năm 2002 xúc động là người bà được viết trong kịch bản thật ra chính là mẹ của diễn viên đang thủ vai đó. Nên chính nữ diễn viên cũng có những kết nối sâu sắc với lời thoại.

"Khi đạo diễn vừa hô cắt, mình đã khóc, và nhìn xung quanh ai cũng bắt đầu khóc. Đó là lúc mình nhận ra những điều mình làm mang tính chất giải trí, nhưng điện ảnh cũng là công cụ để mình kể những câu chuyện rất quan trọng, rất sâu sắc.

Đây cũng là một trong những lý do rất lớn mình quyết định theo đuổi ngành này. Người làm nghệ thuật, có những câu chuyện họ muốn truyền tải, và đây là nền tảng để họ kể những câu chuyện đó".

Đam mê điện ảnh của nữ sinh Việt nhiều lần chạm trán sao Hollywood - 4

Đối với Minh, việc gặp lại văn học ở một dạng khác là điện ảnh cũng giống như việc mình được quay trở về với những gì bản thân đam mê và yêu thích từ ngày xưa (Ảnh: NVCC).

Chia sẻ về lý do bản thân quyết định học thạc sĩ chuyên sâu về nghiên cứu phim và hướng đến làm giảng viên là do Minh đã rất yêu môn văn học ngay từ khi còn học tại Việt Nam.

"Khi đi học lớp phim đầu tiên về phân tích phim, mình nhận ra phim ảnh giống như văn học chiếu trên màn hình. Thay vì sử dụng từ ngữ, điện ảnh sử dụng hình ảnh, âm thanh, cách cắt ghép… Nhưng cuối cùng điện ảnh vẫn là văn học và nghệ thuật, cuối cùng vẫn liên quan đến lịch sử, văn hóa, chính trị… là tất cả những gì bao hàm trong cuộc sống.

Vậy nên khi mình gặp lại văn học ở một dạng khác là điện ảnh cũng giống như việc mình được quay trở về với những gì bản thân đam mê và yêu thích từ ngày xưa", cô nhớ lại.

Dành lời khuyên cho những bạn trẻ muốn theo học chuyên ngành điện ảnh, Minh tâm sự: "Bản thân mình cũng không có điều gì chắc chắn mình sẽ có thể theo đuổi nghệ thuật đến cùng, nhưng được làm điều mình đam mê là một cái duyên và một sự may mắn. Và khi theo ngành này mình cũng không mong chờ sau này bản thân sẽ quá dư dả.

Nếu bạn cảm thấy đây thật sự là một tình yêu lớn, hãy can đảm theo đuổi. Hãy thật sự chăm chỉ, sẵn sàng học hỏi từ những người đi trước, từ thầy cô, bạn bè của mình.

Mình sẽ không bao giờ học hết được về nghệ thuật, đừng chủ quan nghĩ bản thân có năng khiếu và như vậy là đủ. Nếu đã xác định theo ngành, hãy xem thật nhiều, đọc thật nhiều".