Đắk Nông đào tạo hàng trăm chị em thạo nghề dệt thổ cẩm

Đặng Dương

(Dân trí) - Trước tình trạng nghề dệt thổ cẩm dần mai một, Đắk Nông khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề, dạy nghề. Từ đây, một số địa phương đã thành lập tổ hợp tác dệt thổ cẩm góp phần giữ nghề truyền thống.

Thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông phối hợp với các địa phương, tổ chức đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho hàng trăm học viên là phụ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiệu quả đạt được không chỉ là gìn giữ được nghề truyền thống, nét đẹp văn hóa của các dân tộc mà còn góp phần nâng cao tay nghề cho người dân, giúp họ thoát nghèo.

Sinh ra trong gia đình có mẹ là nghệ nhân, năm 12 tuổi, chị H'Bình (dân tộc Mạ, trú tại bon N'Jriêng, xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa) đã bắt đầu gắn bó với khung dệt thổ cẩm. Gần 20 năm qua, H'Bình đã được mẹ và những người già trong bon làng (cách gọi buôn làng của người địa phương - PV) truyền dạy cảm hứng, kỹ thuật dệt tinh xảo nhất.

Đắk Nông đào tạo hàng trăm chị em thạo nghề dệt thổ cẩm - 1

Những nghệ nhân có kinh nghiệm được ngành chức năng mời để dạy nghề cho lao động địa phương.

Những năm gần đây, cơ chế thị trường đang đặt H'Bình- Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Đắk Nia vào một "sân chơi", môi trường mới. Đó là tìm thị trường, đầu ra cho sản phẩm. Chị cũng là người mang những sản phẩm dệt truyền thống ra khỏi phạm vi bon làng, vượt ra khỏi địa bàn tỉnh để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Chị H'Bình chia sẻ: "Những năm qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành Văn hóa phối hợp cùng với các nghệ nhân mở các lớp dạy nghề cho bà con. Sau khi kết thúc lớp học, chị em đều đã biết nghề và muốn lưu giữ nghề của mình. Nhiều chị được học nghề đã truyền lại cho thế hệ trẻ".

Tương tự, chị H'Đă Êya, dân tộc Ê đê (trú buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút) có nhiều năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm và đã truyền nghề cho hàng chục phụ nữ trong vùng.

Từ khi thành lập tổ hợp tác, chị H'Đă Êya đã tham gia vào hoạt động dạy nghề, truyền nghề dệt. Ngoài việc góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên, tổ hợp tác còn là nơi để chị em sáng tạo, cho ra những sản phẩm thổ cẩm phong phú, đa dạng và phù hợp với cuộc sống hiện tại.

"Hiện nay chị em trong tổ hợp tác đều có tay nghề vững trong việc dệt thổ cẩm. Những giá trị, vẻ đẹp của thổ cẩm Ê Đê đã tiếp cận nhiều du khách, được ứng dụng nhiều hơn vào đời sống hàng ngày. Cũng chính vì thế, người thợ dệt thổ cẩm có thêm nguồn thu nhập ổn định hơn, vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần gìn giữ nghề truyền thống của tổ tiên", chị H'Đă cho biết thêm.

Đắk Nông đào tạo hàng trăm chị em thạo nghề dệt thổ cẩm - 2

Nghề dệt thổ cẩm đã góp phần mang lại thu nhập ổn định cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Lãnh đạo UBND xã Đắk Nia cho biết, nghề dệt thổ cẩm của xã Đắk Nia năm 2018 đã vinh dự được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống. Thời gian tới, tổ hợp tác tiếp tục tổ chức các hoạt động thiết thực như tập huấn, dạy nghề và mời các nghệ nhân truyền nghề để thu hút đông đảo chị em tham gia, góp phần tạo việc làm thêm.

"Nhờ chính sách của UBND tỉnh và ngành Lao động- Thương binh và Xã hội như hỗ trợ tiền ăn, nguyên liệu sản xuất, đầu ra sản phẩm…. công tác đào tạo nghề dệt cho lao động nông thôn, nhất là lao động dân tộc thiểu số đã đạt được kết quả rất tốt. Hiện tại, ngoài những người biết dệt thì địa phương đã có 60 người thành thục nghề dệt, đủ năng lực tạo ra các sản phẩm có giá trị từ vài triệu đến vài chục triệu đồng", lãnh đạo UBND xã Đắk Nia nói.