Đại học tự chủ - sinh viên được gì?
Nhưng nhiều người băn khoăn liệu chất lượng đào tạo có theo kịp lộ trình tăng học phí?
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng nhà trường thì việc tự chủ toàn diện giúp trường chủ động hơn trong mọi mặt. Là đơn vị đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm mô hình tự chủ này, sau một năm triển khai, Trường Đại học Kinh tế đã có nhiều bước đột phá. Mức gia tăng học phí được dùng để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới chương trình. Phần lãi từ nguồn thu học phí gửi ngân hàng thương mại được trường đưa vào Quỹ Học bổng hỗ trợ sinh viên. Bộ máy lãnh đạo, giảng viên cũng được cơ cấu lại gọn nhẹ, hiệu quả hơn.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong lạc quan: “Nhà trường có điều kiện về năng lực. Bên cạnh đó còn được Chính phủ và Bộ Giáo dục – Đào tạo ủy quyền để nhà trường chủ động trong việc đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản trị… Mục tiêu cuối cùng là đào tạo ra những sinh viên có chất lượng”.
Đi sau Trường Đại học Kinh tế trong thực hiện tự chủ, đến thời điểm hiện tại, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã sẵn sàng cho việc triển khai mô hình tự chủ toàn diện từ năm học 2015-2016. Các phòng học đã được trang bị máy lạnh hoàn toàn, nhiều mô hình mới được đưa vào sử dụng. Quan trọng hơn, trường tập trung vào việc áp dụng đồng bộ các phương pháp đào tạo và nghiên cứu khoa học hiện đại theo hướng hội nhập quốc tế, đồng thời siết chặt chất lượng đội ngũ giảng viên. Thạc sĩ Trịnh Minh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhấn mạnh, việc tự chủ tài chính là điều kiện then chốt giúp các trường mạnh dạn đầu tư nhằm đào tạo ra đội ngũ cử nhân chất lượng cao: “Khi một trường đại học công lập được tự chủ tài chính thì việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy sẽ đồng bộ, sinh viên sẽ có một môi trường học tập thuận lợi nhất. Thứ hai, một trường công lập tự chủ tài chính sẽ thu hút được nguồn nhân lực giỏi. Việc này sẽ giúp sinh viên có cơ hội được học với chất lượng đào tạo tốt nhất”.
Là đơn vị thứ 3 tại thành phố triển khai mô hình tự chủ, Trường Đại học Tài chính – Marketing đang đồng loạt tiến hành nhiều đổi mới. Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Bên cạnh việc quyết định mức thu học phí trong giới hạn cho phép, điều quan trọng là trường phải tự chủ trong việc đào tạo cũng như xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng để xây dựng được những chương trình giảng dạy phù hợp trong thời kỳ hội nhập.
Trách nhiệm đặt ra cho nhà trường là làm sao chọn được ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế. Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân nói: “Bây giờ sinh viên là một khách hàng rất quan trọng. Do đó, chúng ta phải áp dụng những phương pháp giảng dạy hiện đại để đáp ứng được nhu cầu của người học để người học chọn vào trường mình. Đây là một thách thức”.
Tuy nhiên, điều mà nhiều sinh viên lo lắng là trong tương lai, liệu chất lượng đào tạo có theo kịp lộ trình tăng học phí? Cụ thể, từ năm học 2015-2016, 3 trường nói trên sẽ có mức học phí đại trà dao động từ 14,5 đến 14,95 triệu đồng/sinh viên/năm học. Và mức học phí này trong năm học tiếp theo sẽ điều chỉnh tăng từ 2-2,25 triệu đồng/sinh viên. Đối với những sinh viên nhập học trước thời điểm áp dụng mô hình tự chủ, mức học phí mới cho năm học sau sẽ điều chỉnh tăng từ 20-30% tùy trường.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: “Tiền học phí nâng lên theo giá thì cũng phải nâng cao chất lượng. Như thế mới có tác dụng thu hút người học. Đào tạo người học ra phải gắn với việc làm, và người sử dụng lao động phải chấp nhận được.”
Được giao quyền tự chủ đồng nghĩa với việc các trường phải tự nâng cao trách nhiệm của mình trong mọi lĩnh vực và phải thật sự khéo léo với bài toán thu-chi. Có như vậy, sinh viên mới an tâm thụ hưởng một môi trường giáo dục hiện đại, bền vững./.