Đại học FPT và mô hình tương thích “Tuyển sinh - Tuyển dụng”
Là trường đào tạo chuyên sâu về CNTT và Viễn thông (ICT) thuộc tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, Trường ĐH FPT có nhiều ưu thế để triển khai mô hình tương thích “Tuyển sinh - Tuyển dụng”.
Mô hình này sẽ giải quyết được bài toán thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu doanh nghiệp hiện nay của Việt Nam đồng thời giúp sinh viên yên tâm về công việc và định hướng cho tương lai của mình.
Được thành lập từ năm 2006 bởi Tập đoàn FPT, Trường Đại học FPT định hướng đào tạo chuyên sâu về CNTT và Viễn thông với mục tiêu đào tạo những chuyên gia có trình độ chuyên môn xuất sắc, phát triển cá nhân toàn diện, đồng thời mang tác phong làm việc chuyên nghiệp thích ứng với yêu cầu thực tế của nền công nghiệp CNTT.
Sinh viên sẽ có từ 8 tháng đến 1 năm thực tập theo chương trình On-the-job-training tại Tập đoàn FPT và các đối tác để lấy kinh nghiệm thực tế. Đây cũng là một trong những điều kiện đảm bảo vững chắc cho chất lượng đào tạo, khi yêu cầu đầu tiên của một sinh viên tốt nghiệp ra trường là phải đạt tiêu chuẩn tuyển dụng của Tập đoàn FPT, vốn là nơi khắt khe và kỹ càng trong công tác nhân sự. Việc tuyển sinh của Trường ĐH FPT cũng chính là vấn đề tuyển dụng của Tập đoàn FPT, trong đó mỗi sinh viên FPT đều được coi như một thành viên, một nhân viên tương lai của Tập đoàn FPT.
Thực tế, 60% sinh viên khóa đầu tiên tốt nghiệp tại Trường Đại học FPT hiện đang làm việc cho Tập đoàn FPT. Mô hình đào tạo bám sát thực tế này cũng đã bước đầu khẳng định được chất lượng khi 94% sinh viên ĐH FPT tốt nghiệp ra trường đã có việc làm ngay với mức lương trung bình trên 300USD/tháng.
Đây chính là mô hình nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã triển khai, nhằm trước hết cung cấp nguồn nhân sự chất lượng cao cho nhu cầu nhân lực của tập đoàn, đồng thời giảm bớt áp lực về nhân sự cho nhu cầu phát triển nhanh và mạnh của nền kinh tế tri thức. Việc đạt tiêu chuẩn đào tạo của những tập đoàn lớn là yếu tố đảm bảo vững chắc cho năng lực làm việc thực tế của sinh viên trong tương lai.
Để đáp ứng được mô hình “Tuyển sinh - Tuyển dụng” này, chương trình đào tạo của Trường ĐH FPT được thiết kế theo chuẩn quốc tế, tập trung vào năm khối kiến thức: Ngoại ngữ, Kiến thức xã hội, Phát triển cá nhân, Giáo dục chuyên nghiệp, và Thực tập công nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp ra trường không chỉ có năng lực chuyên môn tốt nhờ rèn luyện từ trên ghế nhà trường và qua giai đoạn thực tập công nghiệp như một nhân sự chính thức tại công ty CNTT hàng đầu Việt Nam, mà còn có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế với hai ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Nhật. Để đạt được điều này, sinh viên Trường ĐH FPT được giảng dạy trực tiếp bằng ngoại ngữ, và có nhiều cơ hội tham gia các chương trình trao đổi sinh viên tại các trường đại học nước ngoài, thực tập và làm việc tại các công ty CNTT uy tín trên thế giới.
Ngoài ra, kỹ năng mềm và kiến thức xã hội cũng là yếu tố được đặc biệt chú trọng và đòi hỏi ở Trường ĐH FPT. Sinh viên sẽ được tạo môi trường để rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kiến thức xã hội và tính kỷ luật, tính chuyên nghiệp, khả năng chịu áp lực cao có thể nhanh chóng hòa nhập với môi trường làm việc.
Với những lợi thế có được trong ngành CNTT và Viễn thông từ Tập đoàn FPT, cùng một triết lý giáo dục và phương pháp đào tạo tiên tiến, Trường ĐH FPT tin tưởng có thể thực hiện thành công mô hình tương thích “Tuyển sinh - tuyển dụng”, đào tạo ra được những kỹ sư ICT chất lượng cao có khả năng làm việc toàn cầu.
Chương trình Tuyển sinh năm 2011 của Trường Đại học FPT Năm 2011, Trường ĐH FPT tuyển sinh 8 chuyên ngành: Kỹ nghệ phần mềm; Hệ thống thông tin; Điện tử và truyền thông; Kỹ thuật máy tính; Khoa học máy tính (lớp đặc biệt cấp học bổng đào tạo lên bậc Tiến sĩ dành cho các sinh viên tài năng); Quản trị kinh doanh ứng dụng CNTT; Tài chính - Ngân hàng ứng dụng CNTTvới chỉ tiêu 2.500 sinh viên. Để trở thành sinh viên chính thức của Đại học FPT, sinh viên sẽ phải đạt từ điểm sàn trở lên trong kì thi đại học do Bộ GD-ĐT tổ chức, đồng thời vượt qua kỳ thi tuyển sinh của ĐH FPT (được tổ chức vào ngày 24/4/2011). |