Đại học định hướng doanh nghiệp: Cạnh tranh khắc nghiệt trên sân nhà

(Dân trí) - Cũng giống như những gì diễn ra trên thế giới, giáo dục đại học Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ bị cạnh tranh trên sân nhà, khi ngày càng có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp phát triển các cơ sở đào tạo nhân lực bậc cao, không chỉ để phục vụ cho nhu cầu của riêng mình mà còn đáp ứng đòi hỏi của xã hội.


Sinh viên trường ĐH FPT trong lễ tốt nghiệp (ảnh: minh họa)

Sinh viên trường ĐH FPT trong lễ tốt nghiệp (ảnh: minh họa)

3 giai đoạn phát triển trường đại học theo mô hình doanh nghiệp

Quá trình chuyển dịch trường đại học từ mô hình truyền thống chỉ coi trọng nghiên cứu khoa học và giảng dạy, sang mô hình trường đại học định hướng doanh nghiệp tích hợp thêm nhiệm vụ tạo ra lợi ích kinh tế, có thể trải qua nhiều mức độ với thời gian dài, ngắn khác nhau, phụ thuộc vào bối cảnh từng quốc gia và đặc điểm riêng của mỗi tổ chức. Theo Etzkowitz (2015), quá trình này gồm ba giai đoạn:

Đại học định hướng doanh nghiệp: Cạnh tranh khắc nghiệt trên sân nhà - 2

Nguồn: Etzkowitz (2015)

Quá trình này bao gồm nhiều hoạt động cụ thể, ví dụ như hình thành đơn vị, bộ phận mới có chức năng thương mại hóa tài sản tri thức, tiến hành đăng ký bản quyền và cấp phép khai thác bằng sáng chế, thiết lập các vườn ươm ý tưởng, phát triển các dự án kinh doanh ngay trong trường đại học, đầu tư cho các dự án khởi nghiệp (spin-off). Philpott và cộng sự (2011) cho rằng xu hướng phát triển theo định hướng doanh nghiệp của các trường đại học có thể được phản ánh thông qua mức độ trường tham gia trực tiếp vào việc tạo ra các giá trị kinh tế.

Chuỗi các hoạt động định hướng doanh nghiệp trong trường đại học

Đại học định hướng doanh nghiệp: Cạnh tranh khắc nghiệt trên sân nhà - 3

Nguồn: Philpott và cộng sự (2011)

Có thể thấy trong mô hình trường đại học truyền thống, hoàn thành nhiệm vụ đào tạo những sinh viên xuất sắc và công bố nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được coi là làm tròn sứ mệnh.

Còn trong mô hình trường đại học theo mô hình doanh nghiệp, nhà trường cần đẩy cao hơn sự chủ động và đóng góp của mình vào xã hội, bằng việc đưa những sản phẩm tri thức mình tạo ra gần hơn nữa với nhu cầu thực tiễn và thúc đẩy nhanh chóng khả năng ứng dụng của những sản phẩm đó.

Việc triển khai các hoạt động hướng tới một sự xích lại gần hơn các giá trị kinh tế này tại các trường đại học đòi hỏi phải có thời gian, phải được hậu thuẫn bởi một văn hóa nội bộ thuận lợi, cũng như phải dựa trên những năng lực nội tại phù hợp.

Quá trình này cũng phải đối diện với những phản ứng tiềm tàng trong môi trường tổ chức, xuất phát từ những quan điểm trái chiều về việc lựa chọn đi theo mô hình định hướng doanh nghiệp (Philpott và cộng sự, 2011).

Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng quá trình này có thể gặp phải những lực cản khách quan và chủ quan, chẳng hạn những ràng buộc về quy định, chính sách vĩ mô hay sự phản đối từ bên trong trường đại học trước những thay đổi cấu trúc tổ chức khi cố gắng kết nối các giá trị hàn lâm học thuật với các giá trị kinh tế (Jacob và cộng sự, 2003).

Kinh nghiệm phát triển trường đại học theo mô hình doanh nghiệp trên thế giới

Mỹ được coi là quốc gia đi đầu trong việc giảng viên tại nhiều trường đại học kết hợp thành công nhiệm vụ “truyền thống” nghiên cứu khoa học và giảng dạy với tạo ra giá trị gia tăng về kinh tế và kinh doanh, tương tự như thế hệ đi trước của họ từ thế kỷ thứ 19 cũng là những người đã tiên phong tích hợp được sứ mệnh giảng dạy và truyền thụ tri thức với nghiên cứu khoa học tạo ra tri thức mới (Etzkowitz và cộng sự, 2008).

Tại Mỹ các trường đại học được trao quyền độc lập và tự chủ tương đối cao ngay từ những năm đầu thế kỷ 19. Tư tưởng coi trọng tự do cạnh tranh cũng là động lực thúc đẩy các trường đại học tích cực chuyển mình theo định hướng doanh nghiệp.

Từ những nỗ lực đầu tiên tập trung vào tìm kiếm nguồn tài chính phục vụ nghiên cứu, các hoạt động mang tính định hướng doanh nghiệp mở rộng sang thương mại hóa các sản phẩm khoa học thông qua đăng ký sở hữu bản quyền phát minh sáng chế, cấp phép khai thác, thành lập doanh nghiệp, và lan ra tại hầu hết các trường đại học nghiên cứu.

Năm 1969, Đại học Stanford đi đầu trong việc thành lập Văn phòng Cấp phép Công nghệ (Office of Technology Licensing (OTL)), với nhiệm vụ tìm kiếm khách hàng và đàm phán các hợp đồng cấp phép. Mô hình chuyển giao công nghệ mang tính marketing tiên phong này đã gặt hái nhiều thành công và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho trường.

Mô hình này tiếp tục được áp dụng tại Đại học MIT, và sau đó lan rộng tới toàn bộ hệ thống các trường đại học có hoạt động nghiên cứu khoa học tại Mỹ. Các quy định pháp luật tại Mỹ (Đạo luật Bayh–Dole năm 1980) cũng góp phần định hình mối quan hệ trường đại học và doanh nghiệp theo hướng này. Các nhà khoa học - giảng viên được đảm bảo lợi ích thu được từ khai thác bản quyền sáng chế của mình, thậm chí được khuyến khích nghỉ làm để thành lập doanh nghiệp (Etzkowitz, 2015).

Singapore là quốc gia lựa chọn chiến lược tăng trưởng dựa vào tri thức. Các trường đại học tại đây được trao trọng trách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua hoạt động nghiên cứu gắn với nhu cầu doanh nghiệp, thương mại hóa công nghệ, thành lập doanh nghiệp công nghệ trong trường đại học, thu hút nhân tài từ nước ngoài, và lan tỏa tinh thần doanh nhân trong trường đại học.

Tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), NUS Enterprise là một đơn vị trực thuộc trường với tổng giám đốc có vị trí ngang bằng với các phó hiệu trưởng. Đơn vị này có sứ mệnh thúc đẩy tinh thần kinh doanh trong các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu toàn trường, đồng thời liên hệ và thúc đẩy hợp tác với giới kinh doanh thông qua phòng Quan hệ Doanh nghiệp (Industry Liaison Office).

Một số hoạt động cụ thể đơn vị này triển khai gồm có hỗ trợ phát triển các dự án khởi nghiệp, gây quỹ, kết nối mạng lưới các nhà đầu tư và cố vấn cho các dự án doanh nghiệp công nghệ của giảng viên, sinh viên và cựu học viên, xúc tiến các thỏa thuận cấp phép và chuyển giao công nghệ, phát triển các nội dung đào tạo về khởi sự kinh doanh trong các chương trình đào tạo khối kỹ thuật (Wong, 2007).

Các bài học kinh nghiệm từ Đại học Quốc gia Singapore trong việc phát triển thành công đại học theo mô hình doanh nghiệp tại trường gồm có:

- Có sự thống nhất và quán triệt tại các cấp lãnh đạo cao nhất;

- Có sự cam kết dài hạn về nguồn lực và đổi mới tổ chức;

- Tuyển dụng những nhân sự xuất sắc để dẫn dắt sự thay đổi;

- So sánh, học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm quốc tế tốt nhất;

- Đưa ra bằng chứng cụ thể về kết quả đạt được để thuyết phục và chinh phục sự ủng hộ của cộng đồng các nhà khoa học và giảng viên toàn trường;

- Liên tục vận động để theo kịp những thay đổi từ môi trường.

Nguồn: Wong (2007)

Năm 2012, OECD kết hợp với Ủy ban Châu Âu về Văn hóa và Giáo dục xây dựng và công bố một Khung tham chiếu về mô hình trường đại học định hướng doanh nghiệp (OECD và European Commission’s DG Education and Culture, 2012). Mục tiêu của Khung tham chiếu là hỗ trợ các trường đại học trong khối Liên minh Châu Âu thực hiện tự đánh giá mình và đổi mới hướng đến mô hình đại học doanh nghiệp. Dựa trên kết quả của nghiên cứu này, các nhân tố có liên quan và chi phối đến xu hướng trường đại học vận động theo định hướng doanh nghiệp bao gồm:

• Lãnh đạo và quản lý;

• Năng lực tổ chức, con người và biện pháp khuyến khích;

• Nỗ lực phát triển tinh thần doanh nghiệp trong giảng dạy và học tập;

• Có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ các cá nhân có tố chất khởi nghiệp (entrepreneurs);

• Mối quan hệ giữa trường đại học với doanh nghiệp và đối tác bên ngoài trong trao đổi tri thức;

• Mức độ quốc tế hóa của trường;

• Kết quả cụ thể tạo ra từ mô hình trường đại học định hướng doanh nghiệp.

Cạnh tranh trên sân nhà

Cũng giống như những gì diễn ra trên thế giới, giáo dục đại học Việt Nam nói chung, và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nói riêng, đang phải đối mặt với nguy cơ bị cạnh tranh trên sân nhà, khi ngày càng có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp phát triển các cơ sở đào tạo nhân lực bậc cao, không chỉ để phục vụ cho nhu cầu của riêng mình mà còn đáp ứng đòi hỏi của xã hội.

Trường Đại học FPT thuộc tập đoàn FPT thành lập năm 2006, Đại học Tân Tạo thuộc Tập đoàn Tân Tạo và Đại học Dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí cùng thành lập năm 2010, là một số ví dụ về sự lấn sân của giới doanh nghiệp sang mảng nghiên cứu phát triển khoa học và truyền thụ tri thức.

Gần đây Vingroup cũng đã công bố rộng rãi tham vọng thành lập trường đại học đẳng cấp quốc tế trong một tương lai gần.

Lĩnh vực thế mạnh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh dường như lại là mảnh đất “mầu mỡ” và ít rào cản gia nhập, thu hút đông đảo các đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ đào tạo. Những điều này làm gia tăng sức ép tới các trường đại học thuộc cùng khối ngành trong cuộc đua bảo vệ vai trò là cánh cửa chắc chắn dẫn tới tương lai nghề nghiệp.

Chủ động mở rộng kết nối hoạt động nghiên cứu và đào tạo gắn với giới doanh nghiệp, thay vì chờ đợi doanh nghiệp tìm đến đặt hàng mình, chính là hướng đi cần thiết để giáo dục đại học nói chung và Trường đại học Kinh tế Quốc dân vươn lên nắm bắt các cơ hội phát triển và khẳng định được chỗ đứng.

Song song với điều này, các trường đại học quốc tế ngày càng mở rộng hoạt động và tìm đến các nước kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Thị trường giáo dục đại học trong nước đã và đang bị các đối thủ năng động hơn từ khắp nơi trên thế giới đến tiếp cận và khai thác. Thực tế điều này đã xảy ra: số sinh viên Việt Nam đi du học tăng từ 47.000 năm 2010 lên tới 130.000 năm 2015, với tổng chi ước tính 1.5 tỉ USD/năm (Phạm Hiệp, 2016).

Số lượng sinh viên theo học các chương trình liên kết quốc tế ngay trong nước ngày càng tăng cao cũng cho thấy xu hướng cạnh tranh mới trong giáo dục đại học. Bên cạnh đó, có những thông tin nhiều chiều về tình trạng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, cũng như khó khăn tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo.

Cuối cùng, tiến trình xã hội hóa và tăng cường tự chủ trong các trường đại học tại Việt Nam đang được đẩy mạnh. Cũng như các trường đại học nằm trong tốp đi đầu, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đứng trước cơ hội và đồng thời là thách thức lựa chọn mô hình và hướng đi cho mình.

Sức ép cạnh tranh và đòi hỏi tồn tại trước mắt buộc Nhà trường cần bám sát những nhu cầu hiện tại của xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Bên cạnh đó, mục tiêu trở thành trường đại học nghiên cứu, hướng phát triển chiến lược mà nhà trường đã lựa chọn cho tương lai của mình, cũng là một thách thức không dễ thực hiện.

GS.TS Trần Thọ Đạt, Tiến sĩ Doãn Hoàng Minh - trường ĐH Kinh tế quốc dân