Đại biểu Quốc hội chỉ ra điểm yếu của kì thi quốc gia THPT 2015
(Dân trí) - Để kỳ thi quốc gia THPT 2015 diễn ra theo đúng tinh thần đổi mới, công bằng, minh bạch, giảm tốn kém, giảm áp lực, nhiều ý kiến đại biểu quốc hội và chuyên gia giáo dục đã chỉ ra điểm yếu mà kì thi cần phải khắc phục.<br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/phan-loai-cum-thi-mat-di-su-cong-bang-giua-cac-thi-sinh-947338.htm'><b> >> Phân loại cụm thi: Mất đi sự công bằng giữa các thí sinh</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bo-truong-bo-gddt-giai-trinh-ve-doi-moi-ki-thi-quoc-gia-2015-947106.htm'><b> >> Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giải trình về đổi mới kì thi quốc gia 2015</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/ki-thi-thpt-quoc-gia-2015-su-cai-tien-cua-ky-thi-3-chung-946340.htm'><b> >> Kì thi THPT quốc gia 2015: Sự cải tiến của kỳ thi "3 chung"</b></a>
Cụm thi địa phương - điểm yếu của kì thi
Trong phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT với đại biểu Quốc hội ngày 23/9, GS.VS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội cho biết: “Nghị quyết 29 không đề cập cụ thể đến chuyện gộp 2 kỳ thi mà nhấn mạnh các trường ĐH có nhu cầu riêng, giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Kì thi quốc gia này chỉ bắt buộc với mục đích tốt nghiệp THPT, còn không bắt buộc với mục đích tuyển sinh ĐH. Các trường ĐH có thể sử dụng hoặc không sử dụng kết quả này, họ có quyền tự chủ tuyển sinh, lựa chọn tự nguyện phương thức tuyển sinh hợp lý mà không phải phụ thuộc vào kết quả kì thi này”.
Tuy nhiên, GS Thi đã thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu của kỳ thi. Theo ông Thi, đối với cụm thi địa phương và trường đại học vẫn chưa rõ ràng. GS Thi cho rằng: Cụm địa phương thì chỉ thi để xét tốt nghiệp nhưng trường nào có nhu cầu xét tuyển thì có thể sử dụng kết quả này? Điều này phải xem lại.
GS Thi phân tích: “Việc phân chia hai cụm thi sẽ không công bằng, hai mặt bằng điểm khác nhau nhưng cùng kết quả để xét mục tiêu. Đây là điểm yếu và bộ cần nghiên cứu các bất cập này một cách tối đa nhất.Nếu vì muốn tạo điều kiện cho học sinh miền núi, vùng khó khăn mới nghĩ ra cụm địa phương thì tại sao không áp dụng riêng cho miền núi thô mà mở rộng ra toàn quốc làm gì, còn các tỉnh khác thì cứ tổ chức thi theo cụm thi như bình thường. Tính đến phương án thi luôn tại địa phương thay vì tổ chức thi theo cụm địa phương”.
GS Đào Trọng Thi.
“Cần đề phòng hiện tượng lách luật là học sinh sẽ dồn vào cụm thi địa phương để lấy điểm cao rồi lấy kết quả đăng kí vào các trường với kết quả cao này! Cần tính toán kỹ” – ông Thi cảnh báo.
Đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi, có nhất thiết phải thi theo cụm?
Băn khoăn lo lắng về bộ máy giám sát thi ở địa phương, ông Quốc cho hay: “Nên chăng phải tăng cường sự giám sát này luôn? Các cụm vùng sâu vùng xa muốn nâng đỡ các cháu thì các cháu lại khổ. Tôi đề nghị tăng cường giải pháp đảm bảo tính minh bạch. Nếu làm được thì ta sẽ dễ phân biệt cháu nào thi tốt nghiệp, cháu nào thi đại học. Ta nên lấy cái nào thuận lợi nhất thì làm” - ông Quốc chia sẻ.
Nhiều trường đại học từ chối nhận thí sinh cụm thi địa phương
Ngay sau phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tại Quốc hội, sáng ngày 23/9, buổi chiều Bộ GD-ĐT đã có cuộc họp bàn về việc triển khai tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với các sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, cuộc họp cấm báo chí tham dự đưa tin.
Ngay tại cuộc họp này “điểm yếu” của kỳ thi quốc gia 2015 đã thấy rõ qua các ý kiến đại biểu. Các ý kiến của hội nghị đều băn khoăn lo lắng về tính công bằng, khách quan của cụm thi địa phương. Chính vì lẽ đó, nhiều ý kiến của trường đại học là sẽ không nhận học sinh từ cụm thi địa phương và trong thông báo tuyển sinh các trường sẽ nói rõ chỉ dùng kết quả cụm thi ĐH không dùng cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì.
Lãnh đạo nhiều trường đại học cho rằng: Dù thế nào thì kết quả kì thi được tổ chức ở cụm thi do ĐH chủ trì vẫn đáng tin cậy hơn.
Lo lắng về tính nghiêm túc và an toàn của kỳ thi, bởi học sinh thi cụm địa phương và thi cụm đại học đều làm chung một đề thi trong cùng một thời điểm, mặt bằng trình độ lại không tương đồng. Nhiều đại biểu phía Sở GD-ĐT đề xuất: “Nên để mỗi tỉnh một cụm thi. Các trường ĐH vẫn chủ trì các khâu quan trọng của kỳ thi”.
Trước đề xuất này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích: “Trong phương án ban đầu lấy ý kiến không có việc phân loại cụm thi địa phương hay cụm thi trường. Nhưng xét thấy các yếu tố để giảm áp lực cho các cháu và chúng tôi xác định thà Bộ và thầy cô giáo thêm việc nhưng giảm khó khăn cho các cháu thì cũng nên làm.
Ông Luận khẳng định: “Hiện tại chưa thể tổ chức riêng tại từng tỉnh một được, còn sắp tới nếu củng cố kỉ cương, kỉ luật nghiêm minh, trên cơ sở lòng tin của xã hội và các trường đại học về kì thi tăng lên thì chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh được việc này”.
Nhiều học sinh hồi hộp chờ quyết định cuối cùng về kỳ thi quốc gia THPT 2015!
Sức ì - thói quen làm cản trở phát triển giáo dục
Trong phiên giải trình tại Quốc hội về thi quốc gia 2015 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đặt câu hỏi: “Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện kỳ thi, và những phương án khắc phục?”.
Bộ trưởng Luận thẳng thắn cho rằng: “Chính là sức ì và thói quen”.
Ông Luận giãi bày: Khi Trung ương ban hành Nghị quyết 29, chúng tôi đã thực hiện giảm tải, thực hiện đổi mới từng chút một đổi mới thi cử, khi đó có ý kiến sốt ruột, nói đổi mới liên tục, vụn vặt. Nhưng năm nay, đổi mới cũng chưa phải lớn lắm lại có ý kiến cho rằng gây sốc. Đây là thói quen nhận thức. Còn trong ngành Giáo dục, khó khăn ở việc cách dạy, cách học truyền thụ kiến thức một chiều đã đi vào máu thịt, bây giờ chúng ta phải thay đổi. Có thể quan điểm nhận thức sẽ rất thông, nhưng phản ứng tự nhiên, cụ thể có khi lại không như vậy. Nên, cái khó nhất hiện nay chính là thay đổi nhận thức và tư duy.
Ông Luận cho biết, cái khó khăn nhất của chúng tôi là làm sao chúng tôi phải làm được cho khoảng 2 triệu thầy cô giáo hiểu thống nhất như nhau; từ đó có khoảng 20 triệu học sinh cùng hiểu theo hướng đó; rồi tiếp đến là mấy chục triệu phụ huynh học sinh cũng hiểu.
“Ngành sẽ chủ động tuyên truyền, giải thích, lắng nghe các lo lắng, băn khoăn. Cái gì đúng sẽ điều chỉnh, bổ sung, điều gì đã tính toán rồi sẽ cung cấp thông tin, chia sẻ để xã hội yên tâm” - ông Luận nói.
Hồng Hạnh