Đà Nẵng “lên dây cót” dạy học bơi phòng đuối nước cho học sinh
(Dân trí) - Sau một thời gian tạm lắng, phong trào dạy học bơi an toàn phòng đuối nước cho học sinh, tập trung ở đối tượng học sinh tiểu học, đang được ngành Giáo dục Đà Nẵng nỗ lực phát động trở lại.
Dạy học bơi cho học sinh: “Cầu” vượt quá “cung”
Trước thông tin đuối nước ở một số địa phương ngay khi mùa hè vừa mới bắt đầu, như vụ 9 học sinh ở Quảng Ngãi bị đuối nước rất thương tâm mới đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn đuối nước tăng cao ở trẻ em, nhu cầu cho con em học bơi của phụ huynh học sinh trở nên cấp thiết. Thế nhưng cho con em học bơi ở đâu trong khi nhu cầu thì lớn mà số trường học có bể bơi trên địa bàn thành phố còn khá ít? Trước thực trạng này, ngành Giáo dục TP Đà Nẵng đã lên kế hoạch triển khai giải pháp cho “bài toán” phổ cập kỹ năng bơi an toàn phòng đuối nước cho học sinh nhỏ tuổi.
Một điều đáng ghi nhận ở Đà Nẵng, là trong rất nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn thành phố hầu như không ghi nhận trường hợp học sinh bị đuối nước. Điều này, có một sự đóng góp không nhỏ từ chương trình dạy bơi an toàn cho học sinh do tổ chức Liên minh vì sự an toàn của trẻ em (Hoa Kỳ) tài trợ với 11 bể bơi ở các trường tiểu học trên địa bàn TP Đà Nẵng từ năm 2009 - 2013 (gọi tắt là dự án TASC). Sau 4 năm triển khai dự án, đã có 27.000 lượt học sinh tiểu học ở Đà Nẵng được dạy học bơi an toàn miễn phí. Tuy nhiên, rất đáng tiếc, khi dừng dự án, thì việc vận hành bể bơi trong các trường học cũng như dạy học bơi trong trường học gặp rất nhiều khó khăn, nên tạm lắng một thời gian trong khoảng hai năm học 2013-2013 và 2013-2014. Khó khăn lớn nhất là bài toán kinh phí khi nguồn ngân sách chi cho các hoạt động dạy học ở các trường vốn đã có hạn.
Giải pháp bể bơi di động
Trao đổi với báo chí về giải pháp phát động phong trào dạy học bơi phòng đuối nước cho học sinh, tập trung ở đối tượng học sinh tiểu học, ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã chia sẻ các giải pháp sẽ được triển khai bắt đầu ngay từ kỳ nghỉ hè 2016 này.
Theo ông Vĩnh, nguyên nhân phong trào dạy học bơi trong trường học ở Đà Nẵng có khoảng chậm lại là do bài toán kinh phí đầu tư cho bể bơi trường học quá lớn. Như bể bơi ở trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có kinh phí đầu tư xây dựng lên đến hơn 4 tỷ đồng. Đó là chưa kể kinh phí vận hành, bảo trì trang thiết bị hồ bơi.
Hiện ở Đà Nẵng mới có 14 bể bơi ở các trường tiểu học; trong đó có 11 bể bơi do Dự án TASC tài trợ và 3 bể bơi ở các trường Đức Trí, Skyline và TH Đinh Bộ Lĩnh. Với số bể bơi khiêm tốn này, rất khó để đặt mục tiêu phổ cập kỹ năng bơi an toàn cho học sinh tiểu học ở Đà Nẵng, mà đầu tư bể bơi thì kinh phí quá lớn như nói trên.
Ngành GD thành phố đã tìm ra giải pháp hợp đồng với các bể bơi ngoài hệ thống trường học để triển khai việc dạy học bơi cho học sinh theo hình thức xã hội hóa. Trước mắt, đã có 8 đơn vị hợp đồng với ngành GD thành phố gồm các bể bơi của ĐH Thể dục Thể thao, Quân khu 5, Lữ đoàn 83 Hải quân, Trung tâm Thể dục Thể thao quận Thanh Khê và một số khách sạn có bể bơi trên địa bàn thành phố.
Một giải pháp nữa, thay vì cứ giữ tư duy đã đầu tư xây dựng bể bơi là phải xây hồ bơi cố định như trước đây, thì ngành GD thành phố chuyển sang kêu gọi liên kết đầu tư xây dựng bể bơi di động. “Trong khi đầu tư xây dựng bể bơi cố định lên đến tiền tỷ; thì kinh phí lắp đặt bể bơi di động nhẹ hơn nhiều, chỉ khoảng vài trăm triệu, và nhất là có thể cơ động, thời gian lắp ráp nhanh (khoảng 3 tiếng đồng hồ), không chiếm diện tích trường học khi không cần thiết” - ông Vĩnh nói.
Ngành GD thành phố kêu gọi liên kết đầu tư 14 bể bơi di động thì đến ngày 31/5 đã kêu gọi đầu tư được 11 bể bơi di động. Ngoài ra, từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách cho Hội khỏe Phù Đổng, ngành GD thành phố đã đề xuất và được UBND thành phố duyệt chi đầu tư 10 bể bơi di động với kinh phí gần 3 tỷ đồng cho các điểm trường học ở vùng sâu, vùng xa như xã Hòa Quý (Q. Ngũ Hành Sơn), hay một số xã vùng sâu ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng).
Chủ trương của ngành là xây lắp bể bơi ở địa điểm sao cho học sinh ở các điểm trường tiểu học gần nhau có thể thuận lợi đến điểm học tập trung. Về kinh phí triển khai theo hình thức xã hội hóa, theo quy định về mức thu dạy thêm học thêm trong trường học, quy định không quá 200.000 đồng/12 buổi học/tháng/học sinh. Các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chính sách sẽ được miễn giảm.
Theo khảo sát của ngành GD Đà Nẵng trong năm học 2015 - 2016, có khoảng 2.500 học sinh tiểu học đã học bơi. Ngành GD Đà Nẵng kỳ vọng, sau mùa hè này, số học sinh đã học bơi tăng lên gấp 3 lần. Tuy nhiên, ông Vĩnh nhấn mạnh, ngành không đặt nặng về kết quả mang tính thành tích cao mà kỳ vọng ở mục tiêu phát động phong trào dạy học bơi mạnh mẽ trong trường học là để học sinh ít nhất có được kỹ năng xuống nước, bơi được, và biết ứng xử khi gặp các tình huống khẩn cấp dưới nước để có thể phòng tránh đuối nước.
Khánh Hiền