“Cười ra nước mắt” chuyện sinh viên vượt ải tốt nghiệp
Cách sinh viên… “linh hoạt” vượt ải tốt nghiệp vẫn là câu chuyện “cười ra nước mắt” của nhiều người, trong đó có các nhà tuyển dụng cũng như chính các tân cử nhân. Nhưng vẫn còn những điểm sáng…
Trước mùa bảo vệ đồ án khoảng nửa năm, các khu "chợ đồ án" quanh địa bàn Hà Nội ẩn mình trong các hàng photo tấp nập sinh viên năm cuối. Họ đến đây hỏi hỏi xem xem, chọn vài trang đầu trong những file tài liệu lưu trên máy của cửa hàng để in. "Bọn em đang tham khảo đề tài", hai sinh viên tay cầm xấp tài liệu bước ra từ một hàng photo khu Tạ Quang Bửu nói.
Ý tưởng đồ án thường phải được ấp ủ hoặc ngẫm nghĩ hàng tháng trời, nay chỉ cần ba bước chân ra “chợ” là tha hồ tham khảo, từ đề tài tổng quát cho đến đề cương chi tiết, thậm chí là sản phẩm hoàn chỉnh. Bước đường ra trường của sinh viên cũng thật… “xuôi chèo mát mái”.
"Khổ nhất là nhóm bảo vệ cùng một hội đồng mà lỡ "ưng" cùng một đề tài ngoài "chợ"... Lúc đấy dàn xếp hơi mệt!" - Đ.V.Khoa, cựu sinh viên ĐH Bách khoa chia sẻ về việc làm đồ án tốt nghiệp.
Cái khó nhất với sinh viên thuộc diện bảo vệ đồ án, là nắm địa bàn chợ đồ án của mình. "Xây dựng, Bách khoa, Kinh tế thì khu Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa. Nhân văn thì Nguyễn Trãi. Ngoại ngữ, Sư phạm thì vào tập thể Sư Phạm, Cầu Giấy. Dịch vụ nhiệt tình, cần gì có đó" - Tuấn, sinh viên năm ba khoa Ngoại ngữ một trường đại học ở Hà Nội “bật mí”. Chính cậu cũng đã được “truyền thụ” kinh nghiệm từ các bậc đàn anh khi định làm luận văn tốt nghiệp.
"Em thi tốt nghiệp thôi chị ạ. Không đủ điều kiện bảo vệ luận văn. Mà thi thì cũng dễ, em tính cả rồi!". Kế hoạch của Tuấn là cậu sẽ dồn sức để tự lực phần thi vấn đáp môn tiếng Ý. Còn lại các phần thi giấy đã có sẵn các "Tuấn, Tâm, Thu, Tấn v.v..." hỗ trợ dìu dắt nhau nhờ mối quan hệ thân thiết trong 4 năm đại học.
Trong khi có những sinh viên khá “nhẹ nhõm” với việc thi tốt nghiệp thì cũng có những sinh viên năm cuối “bù đầu bù cổ” với đồ án, luận văn. "Nhìn các bạn mà thấy ghen tị. Cứ như chỉ mình bọn em bạc mặt làm đồ án vậy. Nhưng làm không ra gì thì chắc chắn là bảo vệ lại hoặc ở lại trường cho đến khi "ra gì" thì mới xong" - Nguyễn Việt Hùng, sinh viên ĐH FPT than thở. Nhưng phụ huynh của cậu thì không phàn nàn gì. Nhóm đồ án của Hùng có 5 người thì cả 5 đều gầy rộc đi sau 4 tháng làm đồ án. Do trước khi ra trường nhóm của Hùng đã được một công ty phần mềm lớn tuyển dụng, nên vừa phải đảm bảo công việc, vừa tập trung làm đồ án, quỹ thời gian ăn ngủ bị cắt giảm tối đa.
"Bạn bè trong trường nhiều đứa chưa tốt nghiệp đều có việc làm hết, thôi thì vất vả một tí nhưng cũng bõ công. Chưa kể có đứa còn được tuyển dụng ngay trong ngày bảo vệ, bởi có một số công ty cử người đến dự để “nhặt” nhân sự nữa. Nên dù vất vả hơn bình thường, bọn mình cũng cố gắng." - Hùng bật mí về một trong những cách kiếm việc của sinh viên trường cậu.
Theo giới thiệu, chúng tôi gặp anh Trịnh Quốc Huy - trưởng nhóm lập trình tại một công ty phần mềm và được nghe anh Huy chia sẻ cách tuyển người của mình. Anh trực tiếp đến các buổi bảo vệ đồ án của sinh viên và theo dõi những đồ án triển vọng để tự tay tuyển người về cho nhóm của mình.
"Lĩnh vực phần mềm khá kén nhân lực chất lượng cao, vừa giỏi code vừa thành thạo ngoại ngữ và văn hóa nước ngoài để làm việc trực tiếp với khách hàng các nước, lại yêu cầu sức khỏe tốt. Tôi thường dự buổi bảo vệ đồ án để “săn” người. Gần đây chúng tôi tuyển được khá nhiều sinh viên FPT, một phần vì đồ án của các bạn thể hiện rất rõ năng lực, thêm ngoại ngữ và kỹ năng mềm khá ổn. Ấn tượng là trường này có khá nhiều đồ án được lên Apple Store, Window Store trước cả khi bảo vệ đồ án. Đến khi tuyển vào thì các bạn làm được việc thật. Nhà tuyển dụng chúng tôi chỉ cần có thế", anh Huy tỏ ra hài lòng.
Trong khi chưa thật sự tìm được biện pháp hữu hiệu để cao chất lượng đầu ra cũng như hạn chế các cách vượt ải tốt nghiệp “linh động”, “dở khóc dở cười” của sinh viên, thị trường nhân sự vẫn là nơi nặng gánh nhất: Tân cử nhân trách móc vì không được tuyển dụng, còn bản thân doanh nghiệp thiếu hụt nhân lực chất lượng cao để nâng cao hiệu suất lao động…