Thi tốt nghiệp THPT 2011:

Cười méo miệng với bài thi môn Địa lí

(Dân trí) - "Vê-dan ám sát sông Thị Vải; Vịnh Hạ Long là một “di tích lịch sử thế giới”; gió mùa đông bắc bởi loại gió này chỉ hoạt động ở vùng đông bắc nước ta; CNH - HĐH do dân ta làm nông nghiệp chán, không đủ ăn nên chuyển sang làm công nghiệp"…

Đây chỉ là một ví dụ trong hàng trăm bài thi môn Địa lí tốt nghiệp THPT năm 2011 mà thầy giáo Vũ Quốc Lịch, giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đang chấm.
 
Năm học 2010-2011 lần thứ 3 liên tiếp Địa lí được chọn là môn thi tốt nghiệp song giáo viên và học sinh không bị bất ngờ mà ngay từ đầu năm các em đã có sự chuẩn bị cả tâm lí và kiến thức. Tuy nhiên kết quả thi tốt nghiệp THPT môn Địa lí năm nay mặc dù chưa có tổng kết chính thức từ Bộ GD-ĐT nhưng có thể nói sẽ không cao. Bởi đề thi tốt nghiệp THPT môn Địa lí năm nay với một lượng kiến thức kiểm tra dàn trải trên nhiều chương, bài và đặc biệt là có nhiều câu hỏi chuyên sâu mang dáng dấp một đề thi Olympic cho học sinh giỏi thì với học sinh phổ thông khó có thể trả lời thấu đáo. Điều này đã được nhiều giáo viên có kinh nghiệm tiên lượng ngay từ khi đọc đề thi.

Nhiều thí sinh rời phòng thi với tâm lí thoải mái, điều đó chưa nói nên điều gì vì Địa lí khác với Toán, Lí, Hóa, thậm chí các thí sinh cũng chưa hình dung ra các khó khăn trong đề thi mà mình vừa trải qua.

Cười méo miệng với bài thi môn Địa lí - 1
Thí sinh Hà Nội dự thi tốt nghiệp THPT năm 2011. (Ảnh: Thắm Nguyễn)

Mới qua 2 ngày chấm song các giám khảo chấm thi cho rằng chỉ may mắn lắm thì Địa lí mới có kết quả tốt nghiệp 70% trên trung bình và mục tiêu cán đích điểm 10 Địa lí của giáo viên và học sinh năm nay là không thể.

Trong cái nắng nóng như thiêu đốt của mùa hè, các giám khảo vẫn đang miệt mài tìm ý cho điểm các thí sinh (TS). Và trong cơn bão giá lại thấp thoáng hình ảnh của thời bao cấp khi thấy nhiều cô giáo mang cơm đùm cơm nắm, cạp lồng cơm canh đi chấm thi.

Trong giờ giải lao các giám khảo trao đổi các cái sai ngô nghê của TS thể hiện trong bài thi của mình mà cười… méo cả miệng.

Khi trình bày về gió mùa đông bắc có TS viết gọi là gió mùa đông bắc bởi loại gió này chỉ hoạt động ở vùng đông bắc nước ta (!). Về nguồn gốc thay vì nói từ khối khí lạnh phương bắc xuất phát từ cao áp Xi-bia thì TS lại nói xuất phát từ cao áp Kơ Nia, cao áp Căm-pu-chia thổi vào Việt Nam. Phạm vi hoạt động của gió mùa đông bắc chủ yếu từ dãy Bạch Mã (vĩ tuyến 16o trở ra) thì TS lại viết một cách rất hùng hồn rằng gió mùa đông bắc chủ yếu hoạt động ở phía bắc nước ta và về phía nam thì hầu như bị chặn lại ở dãy… Bạch Hổ. Hẳn TS chỉ nhớ Bạch (trắng), còn con gì bạch cũng không sao, ngựa bạch (Bạch Mã) hay hổ bạch (Bạch Hổ) cũng thế.

Trả lời câu hỏi vì sao có sự thay đổi tỉ trọng của khu vực I (nông-lâm-ngư nghiệp) trong cơ cấu lao động có việc làm của nước ta năm 2009 so với năm 2000 thay vì nói nguyên nhân do sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm cho kinh tế phát triển, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động thay đổi thì có TS lại viết rằng do dân ta làm nông nghiệp chán, không đủ ăn nên chuyển sang làm công nghiệp. Có TS lại cho rằng đó là do ý thức tự do của người dân đã bỏ đồng ruộng để chuyển sang làm công nghiệp, dịch vụ.

Đề cho bảng số liệu và yêu cầu rõ ràng TS phải vẽ biểu đồ miền thể hiện sự thay đổi cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2005-2008. Thế nhưng có thể TS không biết vẽ biểu đồ miền nên lại vẽ 4 biểu đồ tròn và biện hộ : biểu đồ miền không thể hiện rõ nên em vẽ bằng biểu đồ tròn và ghi “em mất công hơn” có lẽ viết thêm điều này TS tỏ lòng mong giám khảo cho điểm phần vẽ của mình.

Nhận xét cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2005-2008 khu vực có vốn đầu tư nước ngoài luôn chiếm tỉ trọng lớn nhất có TS “chua” thêm rằng nguyên nhân do dân ta nghèo lại chỉ sính ngoại (!).

Có TS còn hào hứng phong cho vịnh Hạ Long là một “di tích lịch sử thế giới” và viết Đông Nam Bộ phải chú ý đến việc bảo vệ môi trường vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến di tích lịch sử vịnh Hạ Long (?).

Trình bày thế mạnh về tự nhiên để phát triển cây chè ở Trung du và miền núi Bắc Bộ, thay vì nêu nguyên nhân nhờ điều kiện đất trồng, địa hình, khí hậu có TS lại viết muốn sản xuất chè phải có máy móc, mà máy nào chả dùng sắt thép, ở Trung du và miền núi Bắc Bộ cô giáo em bảo có rất nhiều khoáng sản để luyện kim nên em nghĩ rằng đó là điều kiện lí tưởng để sản xuất chè ở đây.

Nói về hiện trạng phát triển chè ở Trung du và miền núi Bắc Bộ, có TS trình bày phát triển lắm, sản phẩm tiêu thụ khắp nơi. Và để củng cố lòng tin cho giám khảo, em còn viết rõ quê em tận Thanh Hóa mà bố em vẫn mua chè Thái Nguyên (!).

Trong phần riêng - phần tự chọn theo chương trình chuẩn với câu hỏi tóm tắt những thuận lợi và khó khăn về tự nhiên trong việc phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới của nước ta, không trình bày được đầy đủ song có TS “chém” rằng thuận lợi là cơ bản, khó khăn là tạm thời (!). Lại có TS sau khi trình bày xong lại viết tuy thuận lợi rất nhiều nhưng theo em nếu nước ta ở vùng ôn đới thì thuận lợi hơn (?)

Những cái sai của TS thoạt đầu đọc thì buồn cười nhưng cũng thật đáng để chúng ta suy ngẫm.

Vũ Quốc Lịch
Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm