Cuộc khủng hoảng bản sắc của đại học châu Âu

Hiện nay, giáo dục đại học ở châu Âu đang lâm vào tình trạng bất ổn sâu sắc. Vậy các trường đại học nên tập trung chủ yếu vào lĩnh vực gì? Nghiên cứu, đào tạo giảng viên hay hòa nhập xã hội?

Các chính phủ có nên đầu tư nhiều hơn vào giáo dục đại học để củng cố sự tăng trưởng kinh tế dài hạn? Các trường đại học có nên bị bỏ lại một mình để cạnh tranh và tồn tại trong thị trường giáo dục toàn cầu?

 

Trong khi còn đang tranh cãi về vai trò của mình trong tương lai, các trường đại học châu Âu không được đánh mất bản sắc cá nhân, truyền thống và mục tiêu xã hội của mình. Điều này không hề dễ dàng. Ban quản trị các trường phải đối mặt với những áp lực từ bên trên – các hiệp hội châu Âu và các chính phủ quốc gia – cũng như áp lực từ chính các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên của họ.

 

Hơn nữa, các thông số của cuộc tranh luận này đang ngày càng mơ hồ. Một mặt, các trường phải tuân thủ các thỏa thuận lâu dài với chính phủ. Mặt khác, họ phải đối mặt với những nhà cải cách nhiệt thành - những người đang tìm kiếm giải pháp dựa vào nhu cầu thị trường, tập trung vào sự cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục, khuyến khích sự năng động của sinh viên và giảng viên, tập trung vào phương pháp học tập lấy sinh viên làm trung tâm.

 

ĐH Manchester Metropolitan
ĐH Manchester Metropolitan



Rõ ràng, những quan điểm này gây ra những tác động rất khác nhau cho tương lai của các trường. Theo truyền thống, các trường đại học tiến hành nghiên cứu, cung cấp giáo dục chuyên nghiệp và cung cấp cho tầng lớp thanh niên của một quốc gia một nền tảng văn hóa trước khi họ bước ra ngoài xã hội. Ngày nay, không có mục đích nào trong số này có vẻ an toàn. Thật vậy, mối nguy hiểm trầm trọng nhất với các trường đại học châu Âu là quá trình hỗn loạn kéo dài về mục tiêu cuối cùng của họ.

 

Tìm kiếm sự thật thông qua quan sát, thực nghiệm, lập luận hợp lý và chỉ trích lẫn nhau luôn là một lý do tồn tại của các trường đại học. Phản ánh điều này, chính phủ đã khuyến khích một số cơ sở giáo dục cố gắng có những nghiên cứu sánh ngang với các trường đại học hàng đầu của Mỹ.

 

Nhưng không phải tất cả các trường đại học châu Âu đều coi mình là các cơ sở tập trung vào nghiên cứu. Nhiều trường muốn tập trung vào việc chuẩn bị cho sinh viên trước khi bước ra thế giới việc làm. Tuy nhiên, những kỹ năng mà thị trường đòi hỏi luôn thay đổi nhanh đến mức các trường có thể phải vật lộn để kết hợp các kỹ năng nhận thức chung được dạy trong lớp học – như tư duy phê phán, giải quyết vấn đề, viết luận – với chuyên môn nghiệp vụ thu được ở nơi làm việc. Và nếu những năm tháng ngồi trên giảng đường không tạo ra những kỹ năng nhận thức lớn hơn thì những lý lẽ biện minh về mặt kinh tế cho việc đầu tư vào giáo dục đại học sẽ sụp đổ.

 

Các trường đại học cũng có một sứ mệnh mang tính cộng đồng, là cung cấp cho sinh viên nền tảng văn hóa cho cuộc sống. Mục tiêu này có thể ngày càng gây tranh cãi trong xã hội phương Tây đa nguyên, tuy nhiên các trường nên cung cấp cho sinh viên ít nhất là những hiểu biết về lịch sử, nguyên tắc cơ bản của triết học… Nếu không có nhận thức hợp lý về môi trường văn hóa – xã hội, sinh viên có thể sẽ xem trường đại học là một nơi để mua các mục tiêu cá nhân, là nơi tạo các mối quan hệ hữu ích, là nơi trải nghiệm cuộc sống sinh viên.

 

Các trường đại học châu Âu dù có đi qua bất cứ con đường nào thì việc giữ bản sắc riêng của mình khi đối mặt với sự thay đổi toàn cầu và cải cách giáo dục cũng sẽ ngày càng khó khăn hơn. Các nhà nghiên cứu bây giờ không chỉ còn ở trong tháp ngà, mà đã làm việc như một phần của mạng lưới toàn cầu phức tạp cùng với những người tham gia thuộc khu vực tư nhân. Những giáo sư chính thức – những người từng là trung tâm của một trường đại học – bây giờ được thay thế bởi những giáo viên bán thời gian, thiếu sự kết nối chặt chẽ với các trường.

 

Tương tự, ngày càng nhiều trường đại học đưa ra những quan điểm mới – những quan điểm thu hút sự quan tâm từ các doanh nghiệp – những “nhà quản lý giáo dục”. Họ giữ lại rất ít mối quan hệ với cuộc sống và truyền thống của trường đại học và sẽ coi sinh viên là những khách hàng của dịch vụ. Sinh viên sẽ được mời tham gia vào việc chọn lựa giảng viên, chương trình giảng dạy và địa điểm học tập.

 

Một số người có thể thấy những thay đổi này là thú vị. Tuy nhiên, mục đích sẽ bị mất đi nếu việc theo đuổi nó làm mờ nhạt bản sắc của các trường đại học châu Âu – mà nhiều trường trong số đó hoạt động dưới sự bảo trợ của nhà nước và những quy tắc nghiêm ngặt. Các nhà hoạch định chính sách chắc chắn nhận thức được những nguy hại về văn hóa và giáo dục mà sự cải cách liên tiếp có thể gây ra.

 

Các trường đại học phải bảo vệ những ký ức của mình, những truyền thống địa phương và những cam kết với mỗi thế hệ sinh viên mới. Một mạng lưới cựu sinh viên trung thành và giàu lòng biết ơn có thể giúp đảm bảo điều này. Lựa chọn thay đổi cũng là một trải nghiệm giáo dục mang tính công thức, nhưng thiếu mục tiêu đạo đức.

 

Theo Nguyễn Thảo

Vietnamnet/Project Syndicate

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm