Cuộc đua khốc liệt vào lớp 6 trường chuyên

(Dân trí) - Hơn 4.000 học sinh 11 tuổi ở TPHCM vừa kết thúc kỳ thi để giành 360 suất vào lớp 6 chuyên Trần Đại Nghĩa. Hai ngày qua, chỉ đứng ngoài cổng trường thi cũng có thể thấy được phần nào sự khốc liệt của cuộc đua này.

Học sinh TPHCM thi vào lớp 6 Trường chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM)
Học sinh TPHCM thi vào lớp 6 Trường chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM).

Ngày thi đầu tiên trùng vào chủ nhật. Cảnh đưa đón trẻ đến trường thi vô cùng rầm rộ. Mỗi đứa trẻ được cả bố mẹ cùng đón đưa là chuyện thường. Không ít em đi thi được 3, 4 người “hộ tống”, ông bà cũng đi cùng động viên.

Như là một “sự kiện trọng đại”, sang ngày thứ hai đầu tuần, nhiều bố mẹ cùng nghỉ làm để đưa đón con. Chỉ ở kỳ thi này mới có cảnh số lượng người bên ngoài đông hơn nhiều số lượng học sinh đi thi.

Trước lúc trẻ vào trường thi là lúc có đủ hình ảnh cho thấy sự quan trọng cũng đầy căng thẳng của “cuộc đua” này.

Phụ huynh gửi gắm đầy kỳ vọng vào con trong cuộc thi này

Phụ huynh gửi gắm đầy kỳ vọng vào con trong cuộc thi này
Phụ huynh gửi gắm đầy kỳ vọng vào con trong cuộc thi này.

Một đứa trẻ còn thủ đưa sách vở ra đọc thêm; hình ảnh hai mẹ con cùng ngoắc tay nhau như một giao kèo; bà mẹ khác vuốt hai má con liên tục cùng lời nhắn “cố gắng lên con”; một ông bố mở khóa cặp con kiểm tra lại các vật dụng… Ông bà, bố mẹ ai cũng níu con, cháu lại thêm chút ít để dặn dò, nhắn nhủ. Rồi lúc con đã vào trong, phụ huynh vẫn cố chen qua cổng trường, hai bên vẫy tay tạm biệt.

Sát giờ vào thi buổi chiều ngày đầu, một bé trai nhỏ con hối hả chạy vào trường thi, trên tay vẫn còn còn cầm ổ bánh mỳ.  

Phụ huynh gửi gắm đầy kỳ vọng vào con trong cuộc thi này

Khi cánh cổng trường thi khép lại dành sự yên tĩnh cho học trò làm bài thì phía bên ngoài sự khốc liệt càng thể hiện rõ. Phụ huynh này kể con mình là học sinh (HS) giỏi trường điểm, có người bày tỏ lo lắng con mình không đỗ sẽ phải về học trường thường. Chị Lê Thị Nga, nhà ở quận 12 còn cho biết chỉ chờ con thi đỗ, chị sẽ sẵn sàng nghỉ việc để đưa đón con đi học hàng ngày.

Rồi họ cùng nhau phán đoán: giờ này đang phát đề, không biết đề khó không, chắc con mình ôn trúng, còn 30 phút nữa, 5 phút nữa… lo lắng của phụ huynh thể hiện qua từng ánh mắt, lời nói.

Không chỉ con trẻ
Không chỉ con trẻ

Mà phía ngoài cánh cổng trường thi, phụ huynh cũng vô cùng căng thẳng
Mà phía ngoài cánh cổng trường thi, phụ huynh cũng vô cùng căng thẳng.

Hơn bất cứ lúc nào chúng ta thấy rõ sự quan tâm đến việc học của con cái của phụ huynh. Họ dốc thời gian, công sức lẫn tiền bạc để mong muốn con vào được môi trường có rất nhiều cơ hội để phát triển. Một điều đáng trân trọng vô cùng.

Tuy nhiên, sự quan tâm đi với kỳ vọng cũng đặt những áp lực nặng nề cho con trẻ. Để bước vào kỳ thi này, hầu hết các em đều trải qua một quá trình ôn luyện khủng khiếp. Từ các lò luyện thi trường chuyên, lò cấp tốc và rất nhiều HS được luyện thành “gà chọi” từ 2 - 3 năm về trước và chỉ chờ hai ngày thi này quyết định.

Rất có thể rồi đây các em phải đối diện với sự thất vọng, không vừa ý, đánh giá thấp từ bố mẹ khi không đạt được kỳ vọng. Chỉ có 360 HS đạt được nguyện vọng vào lớp 6 của Trường chuyên Trần Đại Nghĩa - đồng nghĩa với việc sẽ có gần 4.000 em thi trượt. Quay ngược lại những năm trước, đã có những trường hợp trẻ phải nhập viện tâm thần vì trượt Trần Đại Nghĩa.

Hơn ai hết, phụ huynh là người cần hiểu rõ nhất, thi trượt không có nghĩa là đứa trẻ này dở hơn đứa trẻ khác, các em đều đã cố gắng hết sức. Ba môn thi cho một kỳ thi không đánh giá hết được khả năng của con bạn, có thể thế mạnh của trẻ thuộc về lĩnh vực khác.

Mà phía ngoài cánh cổng trường thi, phụ huynh cũng vô cùng căng thẳng

Hiểu rõ sự khốc liệt của kỳ thi vào lớp 6 chuyên, ông Lâm Triều Nghi - hiệu trưởng Trường chuyên Trần Đại Nghĩa nhắn nhủ với phụ huynh đừng mang áp lực phải thi đậu vào trường của mình sang con - những đứa trẻ chỉ mới 11 tuổi. Hãy giúp trẻ xem đây là một trải nghiệm dù đỗ hay trượt.

Hàng ngàn đứa trẻ sẽ không thực hiện được ước mong vào trường chuyên. Một môi trường bố mẹ đinh ninh là tốt chưa chắn đã tốt với con mình. Điều con trẻ cần lúc này là học cách vượt qua thất bại đầu đời một cách nhẹ nhàng nhất. Bài học thất bại có khi giá trị gấp nhiều lần so với sự chiến thắng.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm