“Cuộc chiến” mới trong ngành giáo dục Trung Quốc

“Cư dân mạng” Trung Quốc cũng như người dân nước này đang tranh cãi dữ dội trước quyết định mới của chính phủ về quyền ưu tiên vào đại học cho con cái của Hoa kiều muốn trở về xây dựng đất nước.

Bộ Nhân lực và Bộ Giáo dục cùng 14 bộ khác ở Trung Quốc vừa đưa ra thông tư ghi rõ sẽ dành quyền ưu tiên vào đại học cho con cái của những nhân tài Hoa kiều có ý định quay về đóng góp sức lực xây dựng đất nước. Rõ ràng đây là biện pháp nhằm giảm bớt tình trạng chảy máu chất xám của Trung Quốc, vốn được đánh giá là trầm trọng nhất trên toàn cầu.

 

Tuy nhiên, chính sách trên lập tức thổi bùng cuộc tranh cãi dữ dội trên toàn quốc vì đã chạm đến một vấn đề hết sức nhạy cảm. Theo báo China Daily, nhiều người cho rằng quyết định mới của nhà chức trách đã làm lung lay sự bình đẳng trong giáo dục nhằm tạo một xã hội hòa hợp theo như ý tưởng của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

 

Học sinh trong nước phải trải qua cuộc cạnh tranh quyết liệt để giành được "vé" vào đại học. Mỗi năm, hàng triệu học sinh trung học sẽ trải qua kỳ thi vào đại học hết sức gắt gao. Năm nay khoảng 10 triệu người sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh từ ngày 6-7/6 với tâm trạng hết sức hồi hộp vì hầu như chỉ khoảng phân nửa số thí sinh sẽ đạt được ước nguyện.

 

Theo nhiều người, chính sách ưu tiên của chính phủ đã làm tăng tỷ lệ chọi vào đại học. Nhiều cuộc tranh luận nảy lửa đã diễn ra trên mạng internet. Cư dân mạng tại Trung Quốc bày tỏ thái độ hết sức hoài nghi đối với thông tư trên, cho rằng liệu giới chức chính phủ đã vi phạm sự bình đẳng về giáo dục trên toàn quốc hay không?

 

"Hiến pháp Trung Quốc quy định mọi người đều bình đẳng", một người đã viết rõ ràng trên website 163.com, một diễn đàn phổ biến của Trung Quốc. Một người khác cho rằng "không cần biết rùa biển hoặc rùa đất, vấn đề then chốt ở đây là phải thành lập một môi trường cạnh tranh bình đẳng". "Một số người sẽ cố gắng đạt được mục đích tư lợi của mình dưới sự bảo vệ của chính sách trên", một người khác viết trên Sohu.com.

 

Nhiều cư dân mạng Trung Quốc gọi Hoa kiều là "rùa biển", trong khi dân ở trong nước được xem là "rùa đất". Cuộc tranh chấp giữa 2 phe đang ngày càng gia tăng trong thế giới mạng. Hầu hết cư dân mạng cho rằng phe "rùa biển" đang xâm phạm lãnh địa của các "rùa đất".

 

Theo từ ngữ riêng của dân mạng, những kẻ uống "mực Tây" đang tìm kiếm cơ hội làm việc tại Trung Quốc. Thậm chí một số cư dân mạng còn buông lời mỉa mai không thương tiếc đối với "rùa biển", cho rằng chỉ những kẻ không đủ khả năng cạnh tranh ở nước ngoài mới nghĩ đến chuyện quay về nước.

 

Sự kiện trên đã phản ánh một vấn đề đang nổi cộm trong xã hội Trung Quốc hiện nay, đó là "quyền ưu tiên". Dân Trung Quốc, nhất là giới trẻ thời hiện đại, rất nhạy cảm trước các vấn đề có liên quan đến chuyện ưu tiên hay không ưu tiên. Ví dụ như trường hợp thực thi chính sách 1 con tại Trung Quốc. Nhiều người giàu có sẵn sàng trả tiền phạt để sinh con thứ hai, thứ ba, thậm chí không hiếm trường hợp "lách luật" ra nước ngoài sinh con.

 

Không những giới trẻ mà người dân bình thường cũng hết sức quan tâm đến vấn đề này. Theo luật hiện nay, mỗi gia đình chỉ có được một đứa con nên các bậc phụ huynh muốn chắc chắn một điều rằng đứa con vàng ngọc của mình sẽ nắm bắt những cơ hội tốt nhất có thể có, trong đó có việc vào các trường đại học. Do đó, đối với họ, thông tư trên là một sự bất bình đẳng ghê gớm.

 

Tuy nhiên, cảm giác trên vẫn chưa thấm vào đâu so với giới lao động nhập cư từ nông thôn vào thành thị. Nhân dân Nhật báo trích lời một giáo sư Đại học Bắc Kinh nói rằng con cái của người lao động nhập cư rất khó lòng theo tiếp các bậc học cao hơn tại thành thị trong hệ thống giáo dục hiện nay.

 

Theo Thụy Miên
Thanh Niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm